Cuối tuần qua, tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ tổ chức hội thảo thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, định hướng đào tạo nghề nông nghiệp, tạo việc làm khu vực miền Nam.
Hiệu quả giảm nghèo từ những chính sách đào tạo nghề nông nghiệp
Nhằm động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất vươn lên, thời gian qua Chính phủ đã có chương trình hành động, nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể như: Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ… Bên cạnh đó là các thông tư của các Bộ quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tại Bến Tre, ông Võ Tiến Sĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Sở đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp các cấp tổ chức gần 90 lớp (dự kiến cuối năm 2023 là 126 lớp) đào tạo nghề nông nghiệp cho hàng nghìn học viên với tổng kinh phí dự kiến trên 4,6 tỷ đồng. Trong đó, tập trung một số nghề như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dừa, bonsai - cây kiểng; kỹ thuật chăn nuôi bò, dê, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng…
Các nội dung đào tạo tập trung vào nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, quy trình sản xuất tốt, nông nghiệp hữu cơ, an toàn dịch bệnh. Sau khóa học, học viên được cấp chứng chỉ theo quy định và giải quyết việc làm cho 80% lao động nông thôn thông qua việc áp dụng kiến thức mới vào sản xuất để mở rộng sản xuất, tăng năng suất…
Huyện Thạnh Phú là địa phương còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Huyện có 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn thì có đến 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Toàn huyện có gần 40.000 (chiếm 47,5%) lao động trong khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp và thú y) nhưng chỉ mới có trên 2.700 (gần 7%) lao động qua đào tạo. Nhìn chung, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực I còn thấp so với nhu cầu phát triển.
Theo ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạnh Phú, từ nguồn vốn chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ điện Nam Bộ và Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ tổ chức 32 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 942 lao động nông thôn tại các xã vùng bãi ngang. Tổng kinh phí thực hiện là trên 1,9 tỷ đồng. Sau đào tạo, 90% học viên có việc làm với mức thu nhập từ 3,5 - 7 triệu đồng/tháng.
Từ đó, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thạnh Phú cũng như 8 xã bãi ngang ở mức bình quân chung của tỉnh Bến Tre. Tỷ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2022 là 3,39%, bình quân của tỉnh là 3,5%. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,78%, bình quân của tỉnh là 3,66%. Riêng các xã bãi ngang của huyện chỉ có xã Mỹ Hưng, Bình Thạnh là có tỷ lệ hộ nghèo trên 5%, còn lại dưới 3,5%.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp
Hội thảo đã ghi nhận 11 ý kiến thảo luận, đóng góp, kiến nghị của các đại biểu trong tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề nông thôn.
Theo ông Phan Tấn Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, trong những năm qua, nhà trường đã tập trung đào tạo chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp với gần 6.000 lao động nông thôn, phần lớn ở các vùng khó khăn, bãi ngang, dân tộc thiểu số. Các chính sách hỗ trợ đào tạo đều được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn một số hạn chế. Cụ thể, chương trình đào tạo ngắn hạn chưa theo kịp nhu cầu thị trường; việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn không liên tục, không tạo được sản phẩm mang tính thị trường; một số chính sách chưa theo kịp yêu cầu thị trường.
“Công tác đào tạo nghề đã góp phần giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững. Vấn đề là các chính sách hỗ trợ cho người lao động cần ổn định, liên tục để tạo điều kiện cho người lao động có kiến thức, tay nghề phát triển kinh tế gia đình”, ông Phan Tấn Lợi nêu.
Để tạo được tinh thần khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhất là tại các tỉnh phía Nam, ông Phan Tấn Lợi đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác truyền thông sâu rộng thay đổi tư duy làm nông nghiệp “chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp”; cơ quan quản lý các cấp khi thiết kế chính sách phải kịp thời, phù hợp cơ chế thị trường, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội và đối tượng thụ hưởng…
Bên cạnh đó, hội thảo còn giới thiệu những chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nâng cao kiến thức kỹ năng cho người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn ven biển và hải đảo trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, người lao động và các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tổ chức đào tạo gắn với thực tế sản xuất. Ngoài ra, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo nghề cho người lao động.
Nhằm tạo động lực khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp cho đoàn viên thanh niên địa phương, ông Cao Đình Tuấn, Giám đốc Công TNHH Giống Cây trồng Sen Hồng, một cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ chia sẻ: “Ngày nay, nông nghiệp không phải là một lĩnh vực khó làm giàu, nông nghiệp là một lĩnh vực rất dễ làm và đặc biệt tại ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng".
Vốn xuất thân từ nông nghiệp, từ những đam mê và kinh nghiệm trong lĩnh vực giống cây trồng, cách đây 10 năm, ông Cao Đình Tuấn thành lập Công ty TNHH Giống Cây trồng Sen Hồng tại tỉnh Tiền Giang, hoạt động trong lĩnh vực cung ứng giống rau màu cho bà con nông dân. Công ty đã có trên 50 sản phẩm được bà con nông dân tín nhiệm trên thị trường, đặc biệt là ớt Sen Hồng 084, 085. Ngoài ra, còn có dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bầu, bí… mang thương hiệu Sen Hồng. Để được bà con nông dân tín nhiệm, công ty luôn có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp am hiểu thị trường, chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó là hoạt động liên kết sản xuất, chuyển giao kỹ thuật và tạo đầu ra cho bà con nông dân.
Hiện, doanh nghiệp có trên 20 đối tác uy tín và là thành viên của Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp gần 2 triệu USD. Doanh nghiệp đã tạo việc làm cho trên 30 nhân viên, phần lớn là các bạn kỹ sư nông nghiệp trẻ. Đội ngũ nhân viên được ông Tuấn khơi dậy tinh thần học tập, phát triển kỹ năng nghề nghiệp rất cao. Thu nhập của đội ngũ nhân viên tại công ty giao động từ 7 - 15 triệu đồng/tháng. Năm 2022, nhân viên xuất sắc nhất được thưởng Tết đến 160 triệu đồng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Tiến Huyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ, Năm 2023, Nhà trường đang được giao một số nhiệm vụ đào tạo, hỗ trợ cho người lao động ở một số địa phương, đặc biệt ở các xã vùng bãi ngang.
“Trong năm nay, chúng tôi triển khai đào tạo cho nông dân ở các xã khó khăn một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đặc biệt là đào tạo cho thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, chuyển giao các mô hình sản xuất hiệu quả cho bà con cũng như triển khai các hội thảo nâng cao tinh thần khởi nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Huyền cho biết.