Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện nhiều chính sách liên kết, nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng để mở rộng diện tích rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC.

Công Điền  | 06:19 12/08/2023

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng

Tự động

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển Lâm nghiệp.

Thưa quý vị và bà con

Phát triển diện tích rừng trồng keo gỗ lớn gắn cấp chứng chỉ rừng bền vững - FSC, được xem là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế, chuyển đổi sang hướng phát triển xanh bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh rừng trồng keo tại địa phương đại đa số vẫn là khai thác gỗ nhỏ nên không chỉ ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế không cao, không tạo ra sản phẩm gỗ lớn có giá trị gia tăng cao, và không bền vững. Vậy làm thế nào để việc trồng rừng vừa góp phần bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, vừa gia tăng giá trị kinh tế cho người dân? Mời quý vị cùng đến với phóng sự sau của Nông nghiệp Radio để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này!

MC 2:

Ông Phan Hữu Tân, cùng một nhóm chủ rừng ở xã Phú Sơn, thị xã Hương Thuỷ, có tổng diện tích rừng trồng liền vùng hơn 100 ha. Trước đây, không chỉ ông Tân mà nhiều nông dân khác vẫn chủ yếu khai thác gỗ nhỏ nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy, việc trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) không chỉ gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất, nâng cao thu nhập cho các lâm hộ mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, từ năm 2010, ông và các chủ rừng liền kề đã quyết định chuyển hoá 80 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn.

[Băng ông Phan Hữu Tân]

Chủ rừng tại ở Phú Sơn, thị xã Hương Thủy

MC 2:

Nếu như năm 2016, Chi hội chủ rừng phát triển bền vững Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) chỉ mới gồm có 19 thành viên, với diện tích 51 ha rừng gỗ lớn đến nay chi hội đã phát triển lên 77 thành viên, với diện tích gần 740 ha rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Theo các lâm hộ, nếu được chuyển hóa thành rừng gỗ lớn, với biện pháp tỉa thưa 2 lần, mật độ cuối cùng 1.100 cây/ha, sau 8 -10 năm, sản lượng đạt khoảng 200m3/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu khoảng 250 triệu đồng/ha/8 năm, một số hộ thâm canh tốt doanh thu hơn 300 triệu đồng với chu kỳ kinh doanh 7-8 năm, gấp từ 2 - 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ. Ông Nguyễn Quang Hòa, Chi hội trưởng Chi hội chủ rừng phát triển bền vững Phú Sơn, thị xã Hương Thủy cho biết, đạt được hiệu quả này là do trong quá trình kinh doanh gỗ lớn, các hộ chủ rừng đã áp dụng các biện pháp thâm canh và thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật tỉa thưa và chuyển hoá nên đã góp phần quan trọng vào năng suất, chất lượng rừng.

[Băng ông Nguyễn Quang Hòa]

Chi hội trưởng Chi hội chủ rừng phát triển bền vững Phú Sơn, thị xã Hương Thủy

MC 2:

Nhằm đẩy mạnh và liên tục hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, đến nay Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế đã thành lập 40 chi hội chủ rừng phát triển bền vững, 26 HTX lâm nghiệp bền vững. Các HTX này có vai trò trực tiếp cung cấp các dịch vụ lâm nghiệp như phân bón, cây giống, kỹ thuật cho người dân trong suốt quá trình trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững cũng như cùng với Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế góp phần nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC. Theo kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, toàn tỉnh có 5.600 ha chuyển hoá rừng trồng keo sang gỗ lớn, trong đó Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế phấn đấu thực hiện 2.000 ha. Việc tăng thêm diện tích rừng trồng gỗ lớn, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh rừng trồng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC để gia tăng giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay, góp phần vào việc hoàn thành kế hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn keo có chứng chỉ FSC. Ông Võ Văn Dự chủ tịch hội phát triển rừng bền vững tỉnh TT Huế chia sẻ:

[Băng ông Võ Văn Dự chủ tịch hội phát triển rừng bền vững tỉnh TT Huế]

MC 1

Vâng thưa quý vị và bà con, trong bối cảnh đóng cửa hoàn toàn rừng tự nhiên, ngành lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng định hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn bao gồm cả keo và cây bản địa thay thế cho nguyên liệu gỗ gia dụng, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Việc phát triển, mở rộng diện tích rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC được xác định là hướng đi đúng giúp gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho các lâm hộ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.

MC 2:

Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực Lâm nghiệp.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ vừa có thống kê sơ bộ diện tích rừng bị đổ ngã do ảnh hưởng cơn bão số 1, có tên quốc tế là Talim. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 114ha cây keo lai của doanh nghiệp, hộ dân nhận khoán và hợp tác đầu tư quản lý bị đổ, ngã. Cùng với đó, mực nước trong khu vực lâm phần hiện tại đang dâng cao. Công ty cũng đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm chỉ đạo cho Kiểm lâm địa bàn khảo sát, tham mưu cho UBND các xã tiến hành tháo úng, xổ phèn.

MC 2:

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện 253 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 158 vụ việc phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại gần 73ha. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng làm nương tái diễn tại một số địa phương của tỉnh, trong đó nhiều vụ việc vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính, có dấu hiệu hủy hoại rừng. Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn ra phức tạp, khiến cho nhiều cánh rừng bị xâm lấn nghiêm trọng. Nguyên nhân chính xảy ra các vụ phá rừng làm nương rẫy được cho là do người dân thiếu đất sản xuất.

MC 1:

Hiện huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có tổng diện tích rừng trồng trên 10.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,7%. Giữ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và trồng rừng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái và đã tạo sinh kế vững chắc cho người dân nơi đây. Do đó, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng được người dân, các cấp, ngành của địa phương đặc biệt quan tâm. Theo đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình, đơn vị đang xây dựng mô hình bảo vệ rừng gắn với du lịch cộng đồng, dựa trên những già làng, người có uy tín trong thôn bản, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Xu thế chung của tỉnh Hà Giang, cũng như cả nước và thế giới, du lịch sinh thái được ưa chuộng. Vì vậy khi giữ được rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên sẽ thu hút được khách du lịch và phát huy được du lịch sinh thái.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp phát sóng trên Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện nhiều chính sách liên kết, nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng để mở rộng diện tích rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC.

Công Điền

Tin liên quan

Các chương trình

Sản phẩm từ trồng trọt chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp
Thời sự

Sản phẩm từ trồng trọt chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp; Gia Lai liên tục xảy ra vi phạm về lâm nghiệp; Hậu Giang vào mùa thu hoạch cá trên ruộng.

Sản phẩm từ trồng trọt chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp
Thời tiết nông vụ: Miền Bắc giá rét, miền Trung mưa nhiều
Thời sự

Từ đêm 27/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến phía Tây Bắc bộ, Trung Trung bộ.

Thời tiết nông vụ: Miền Bắc giá rét, miền Trung mưa nhiều