Giữ ổn định diện tích, tăng sản lượng cây trồng vụ đông
Giữ ổn định diện tích, tăng sản lượng cây trồng vụ đông; Thay đổi công nghệ lồng nuôi để giải quyết thách thức của nuôi trồng thủy sản; Mưa lớn kèm lốc xoáy làm tốc mái 137 căn nhà ở Long An; Nhiều diện tích lúa khô cháy vì nhiễm rầy nâu; Không để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra khơi.
Quỳnh Anh | 08:49 11/09/2023
-
Giữ ổn định diện tích, tăng sản lượng cây trồng vụ đông
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất vụ đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 các tỉnh thành phía Bắc. Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, diện tích cây trồng vụ Đông đạt 373.000 ha, tổng sản lượng cây trồng đạt hơn 4,7 triệu tấn, tổng giá trị đạt hơn 36.000 tỷ đồng. Trong vụ đông năm nay, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu, ổn định diện tích khoảng 380.000 ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, sản xuất vụ đông năm 2023 cần tập trung vào các cây trồng chủ lực, giữ ổn định diện tích nhưng tăng sản lượng các cây trồng. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục thông tin tới quý vị trong phần sau của chương trình.
Thanh Thủy
- Thay đổi công nghệ lồng nuôi để giải quyết thách thức của nuôi trồng thủy sản
Cũng trong tuần qua, Cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo 'Phát triển giống và thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển năm 2023'. Theo ông Lê Văn Hoan, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, ngành nuôi biển hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế trong công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường nuôi trồng. Đa số ngư dân nuôi biển vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, quy mô nhỏ và công nghệ lồng nuôi bằng gỗ không thích hợp cho điều kiện biển cả. Để giải quyết các thách thức này, ngành NN-PTNT cần đổi mới và thay đổi nhanh công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới, đầu tư vào công nghệ sản xuất thức ăn, hợp tác sâu rộng giữa người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học cũng là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi biển.
-
Mưa lớn kèm lốc xoáy làm tốc mái 137 căn nhà ở Long An
Trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An vừa xảy ra mưa lớn, kèm theo lốc xoáy, làm tốc mái gần 140 nhà dân và một trường học, làm gãy đổ nhiều trụ điện cùng nhiều cây cối dọc các tuyến đường An Thạnh, đường 827B, đường Nguyễn Thông… Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, các địa phương hiện đang tập trung lực lượng để khắc phục, dọn dẹp cây xanh gãy đổ trên các tuyến đường nhằm đảm bảo giao thông, ngành điện lực cũng tập trung khắc phục thay mới các trụ điện trung thế, hạ thế bị gãy đổ.
- Nhiều diện tích lúa khô cháy vì nhiễm rầy nâu
Hiện nay, lúa mùa ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An nói chung đang phát triển ổn định, chỉ riêng huyện Quế Phong có nhiều diện tích bị nhiễm rầy nâu nặng. Cụ thể, vụ mùa này, toàn huyện Quế Phong gieo cấy hơn 2.000 ha lúa nhưng đến thời điểm này đã có 350 ha bị nhiễm rầy nâu, trong đó, diện tích nhiễm nặng, bị khô cháy lên đến hàng trăm ha. Nguyên nhân lúa mùa bị nhiễm rầy nâu nặng, đại diện Phòng NN-PTNT huyện cho là do bà con nông dân phun thuốc không đúng cách, hơn nữa, thời tiết năm nay khác mọi năm, sáng nắng, chiều mưa và việc phun thuốc không đồng loạt, nên sau khi phun thuốc không có hiệu lực, ngoài ra, một số hộ do không có nhân lực nên không phun thuốc, dẫn đến rầy lây lan ra vùng khác.
- Không để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra khơi
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa làm việc với 9 địa phương có biển, yêu cầu đẩy nhanh việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác của toàn bộ tàu cá theo quy định. Đặc biệt, xử lý nghiêm các chủ tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Các địa phương này cần nắm bắt sát diễn biến khai thác thuỷ sản, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về IUU. Được biết, kể từ ngày 1/9, ngư dân, chủ phương tiện không chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, khai báo theo quy định thì sản phẩm thủy sản khai thác được coi là bất hợp pháp, sẽ tịch thu phương tiện, sản phẩm theo đúng quy định.
- Nỗ lực bảo tồn loài Sao La tại Trung Trường Sơn
Các hoạt động của Dự án “Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng” vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình triển khai trên địa bàn tỉnh này thông qua Ban Quản lý Dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học tỉnh Quảng Bình thuộc Sở NN-PTNT. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc triển khai Dự án nhằm phát hiện và bảo tồn loài Sao La trong tự nhiên ở vùng Trung Trường Sơn Việt Nam, tăng cường hoạt động tìm kiếm, phát hiện trên toàn khu vực này. Dự án sẽ hỗ trợ khẩn cấp và trực tiếp để xác định, giảm thiểu mối đe dọa với Sao La tại khu vực ưu tiên trong phạm vi khu vực Trung Trường Sơn. Đồng thời, dự án phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm tăng khả năng phát hiện Sao La trong phạm vi cư trú của loài này.
- Giá lúa hè thu tăng 20% so với năm ngoái
Dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa hè thu nhưng giá lúa được thương lái thu mua tại Hà Tĩnh thời điểm này đã tăng gần 20% so với vụ hè thu năm ngoái. Tại một số địa phương có diện tích lúa gieo cấy sớm, bố trí giống ngắn ngày, nông dân đang tất bật thu hoạch trong niềm vui được mùa, được giá. Qua khảo sát, hiện giá lúa tươi thu mua tại chân ruộng tăng bình quân 700 – 1.000 đồng/kg so vụ hè thu năm 2022. Trong đó giống chất lượng cao, gạo ngon có giá 6.500đ/kg, còn các giống đại trà khoảng 6.200 đ/kg. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh này gieo cấy gần 45.000 ha lúa, hiện đã thu hoạch trên 2.200 ha, năng suất trung bình đạt từ 51 - 53 tạ/ha. Với giá lúa tươi đang được thu mua hiện nay, sau khi trừ chi phí bà con thu lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/ha.
- Giá sầu riêng tăng hơn 40%
Thời điểm này, giá sầu riêng tại Đắk Lắk đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại một số địa phương, nếu như thời điểm này năm ngoái, giá thu mua tận vườn cao nhất là 55.000/kg, còn năm nay đã hơn 80.000/kg. Thậm chí có nhiều vườn được thương lái chốt mức giá 90 - 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính khiến sầu riêng đội giá như vậy là vì nhu cầu thu mua tăng đột biến. Mặc dù giá sầu riêng tăng cao là tín hiệu đáng mừng, nhưng trước tình hình diện tích vùng trồng sầu riêng tăng đột biến liên tục trong 3 năm qua, hệ lụy nguồn cung vượt cầu xảy ra trong những vụ mùa tới là rất đáng lo ngại. Cùng với đó, hiện tại nông dân đang chủ động chọn thương lái là kênh mua bán chính - trong khi đây lại là kênh mua bán tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, vụ đông năm 2022 cả nước gieo trồng 373.000ha, tổng sản lượng đạt hơn 4,7 triệu tấn và giá trị sản xuất đạt 99 triệu đồng/ha. Cả diện tích, sản lượng và giá trị đều tăng so với năm 2021. Một trong những nguyên nhân chính giúp giá trị cây vụ đông 2022 cao hơn so với vụ đông 2021 là do có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và ít chịu áp lực về thời vụ như nhóm hoa cây cảnh, rau ăn củ, rau ăn quả, rau chất lượng cao, ngô thực phẩm phục vụ ăn tươi, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi... Từ những thành công của vụ đông năm ngoái, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đưa ra mục tiêu và những giải pháp để sản xuất vụ Đông năm nay.
Thanh Thủy
Băng
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Giữ ổn định diện tích, tăng sản lượng cây trồng vụ đông
Giữ ổn định diện tích, tăng sản lượng cây trồng vụ đông; Thay đổi công nghệ lồng nuôi để giải quyết thách thức của nuôi trồng thủy sản; Mưa lớn kèm lốc xoáy làm tốc mái 137 căn nhà ở Long An; Nhiều diện tích lúa khô cháy vì nhiễm rầy nâu; Không để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra khơi.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam dần trở thành trung tâm xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực; Hoạt động văn phòng cần sáng tạo, chuyên nghiệp và chủ động hơn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 15-16/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và giông.