Phấn đấu giá trị sản xuất cây vụ đông 2023 đạt trên 40.000 tỷ đồng. Khuyến nông là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp. Giám sát sự lưu hành virus Tembusu trên vịt. 10 tấn cá chết trắng đầm An Trung.
PHẤN ĐẤU GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÂY VỤ ĐÔNG 2023 ĐẠT TRÊN 40.000 TỶ ĐỒNG
Thanh Thuỷ - Sản xuất
Sáng 8/9, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuấtvụ đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 các tỉnh thành phía Bắc. Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, diện tích cây trồng vụ Đông đạt 373.000 ha, tăng khoảng 9.000 ha so với vụ Đông 2021. Tổng sản lượng cây trồng vụ đông 2022 đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với vụ đông 2021. Tổng giá trị cây vụ đông 2022 đạt hơn 36.000 tỷ đồng.
Trong vụ đông 2023, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu: ổn định diện tích khoảng 380.000 ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, sản xuất cây vụ đông năm 2023 cần tập trung vào các cây trồng chủ lực. Bên cạnh đó, giữ ổn định diện tích nhưng tăng sản lượng các cây trồng, phấn đấu giá trị tăng 20%. Vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp, liên kết chuỗi cần đảm bảo bền vững, chặt chẽ. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để đa dạng thị trường xuất khẩu hơn, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm cà rốt, ớt và ngô...
KHUYẾN NÔNG LÀ CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Văn Vũ - Sản xuất
Sáng 8/9, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn (2004-2023) gắn với kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Việt Nam giai đoạn (1993-2023). Hiện, toàn tỉnh đã thành lập 52 Tổ khuyến nông cộng đồng tại 51 xã thuộc 8 huyện, thị, thành phố. Các xã, phường, thị trấn, thành phố có diện tích sản xuất nông nghiệp đều có Tổ Kỹ thuật nông nghiệp, mỗi tổ có 1 viên chức khuyến nông.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Minh Long, Giám Đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, khuyến nông đã đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới, trở thành cánh tay đắc lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, giúp người dân nâng cao sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao hơn. Đã thành công đưa các mô hình cơ giới hóa ngày càng tăng lên và được người dân đón nhận. Trong thời thời gian tới khuyến nông hậu giang cần tiếp tục phát huy những truyền thống đã đã được và cần có thêm nhiều sáng kiến hiệu quả góp phần quan trọng và sự phát triển nền nông nghiệp tỉnh Hậu Giang.
GIÁM SÁT SỰ LƯU HÀNH VIRUS TEMBUSU TRÊN VỊT
Minh Sáng - Phương Thảo - Sản xuất
Sáng 8/9, Hội thảo khoa học “Tembusu – Thách thức và Giải pháp” do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Theo Cục Chăn nuôi, việc chẩn đoán phát hiện virus Tembusu có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh virus này được phát hiện trên các mẫu bệnh phẩm vịt nuôi tại nước ta trong khi chưa có quy trình và vaccine chính ngạch. Trước thách thức cần phải có biện pháp phát hiện sớm vịt nhiễm virus Tembusu, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P đã nghiên cứu và trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thành công trong ứng dụng phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI) để giám sát sự lưu hành virus Tembusu trên vịt.
Theo ông Ngô Quốc Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P, Tembusu là bệnh diễn biến rất phức tạp gây ra những hậu quả nặng nề cho nền chăn nuôi nói chung là đặc biệt là chăn nuôi vịt nói riêng. Việc công bố phương pháp mới phát hiện sớm và chính xác virus Tembusu sẽ giúp người chăn nuôi vịt chủ động được các biện pháp an toàn sinh học bảo vệ đàn vật nuôi và hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình sản xuất do loại dịch bệnh nguy hiểm này mang lại.
10 TẤN CÁ CHẾT TRẮNG ĐẦM AN TRUNG
Võ Dũng - Sản xuất
Theo ông Trần Đình Ba, người trực tiếp đấu thầu nuôi cá tại đầm An Trung, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, từ 5 ngày nay, cá trong đầm chết trắng, dạt vào bờ. Nguyên nhân được xác định là do mực nước biển dâng cao, tràn qua đê xâm nhập vào đầm. Nhiều loại cá như mè, trắm, chép, rô phi, lóc, thát lát… thả nuôi 1 năm nay đều bị nổ mắt, chết trắng đầm.
Hiện tại, gia đình ông Ba đã vớt khoảng 10 tấn cá chết đem chôn nhưng tình trạng cá chết hàng loạt chưa có dấu hiệu dừng lại. Ước tính, thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng.