Gỡ khó cho các công trình thủy lợi ở Gia Lai
Tại buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Gia Lai mới đây, vấn đề then chốt được đưa ra là điều chỉnh vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr.
Tuấn Anh | 14:10 12/08/2024
Gỡ khó cho các công trình thủy lợi ở Gia Lai
Nhạc hiệu:
Nhạc nền:
MC:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình thủy lợi và phát triển.
Thưa quý vị và bà con! Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Trong đó, vấn đề then chốt là đẩy nhanh tiến độ hồ chứa nước Ia Thul (huyện Ia Pa) và điều chỉnh vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) để phát huy hết công năng tưới của các công trình.
MC: Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư đồng bộ dự án hồ chứa nước Ia Thul từ đầu mối đến hệ thống kênh nội đồng để dẫn nước phục vụ sản xuất khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, trong quá trình triển khai dự án, đề nghị phân kỳ đầu tư hệ thống kênh đồng bộ từ kênh chính đến kênh nội đồng để sớm đưa công trình từng phần vào khai thác.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị bố trí đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Bến Mộng, đoạn đường giao thông vào vùng tưới của dự án, đường quản lý vận hành kết hợp đường giao thông nông thôn để thuận lợi cho người dân trong vùng tưới của 2 huyện Ia Pa và huyện Krông Pa.
Bên cạnh đó, người dân huyện Krông Pa, Ia Pa cũng có nhu cầu lớn với nguồn nước sạch. Vì vậy, đề nghị trong thiết kế xây dựng công trình có tính toán thiết kế van lấy nước để xây dựng đấu nối nhà máy xử lý nước sạch cho người dân.
Cũng theo UBND tỉnh gia Lai, việc đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi thực hiện theo hướng đa mục tiêu để khai thác hiệu quả công trình. Vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị xem xét bổ sung nhiệm vụ về du lịch của dự án.
Trả lời về vấn đế này, Ông Lê Hồng Linh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự án hồ chứa nước Ia Thul thuộc nhóm A, với mục tiêu tạo ra kho nước 83 triệu m3 để phục vụ vùng tước cho 2 huyện Ia Pa và Krông Pa. Hồ chứa nước cũng sẽ xây dựng 90km kênh, tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ được khởi công xây dựng cuối năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029. Về những kiến nghị của tỉnh Gia Lai, ông Lê Hồng Linh chia sẻ:
Băng 1: Phỏng vấn ông Lê Hồng Linh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình:
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo rất rõ, công trình thủy lợi Ia Thul phải được điều chỉnh theo hướng đa mục tiêu không chỉ phục vụ lĩnh vực nông nghiệp mà còn các ngành khác. Cái thứ 2 bổ sung hệ thống van nước để phục vụ cho sinh hoạt thì cũng đương nhiên phải có. Và một số bổ sung để phát huy giao thông nông thôn, trong vùng tưới… cũng đã có. Trong thời gian tới, khi có thiết kế chi tiết sẽ phối hợp với các Sở, ban ngành và các huyện để bổ sung các nội dung này vào trong kế hoạch.
MC: Đối với hồ thủy lợi Ia Mơr, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt phương án điều chỉnh vùng tưới thủy lợi Ia Mơr, chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát, đề xuất giải pháp công trình, xác định kinh phí xây dựng các hạng mục liên quan khi đưa nước hồ Ia Mơr tới các vùng tưới mới.
Theo phương án mới này, Gia Lai sẽ không chuyển mục đích sử dụng hơn 4.700ha rừng tự nhiên để làm vùng tưới như phương án ban đầu, mà đưa nước về những vùng khác là đất nông nghiệp hiện hữu của xã Ia Mơr và các vùng cây trồng mới, được chuyển đổi từ đất trồng cây cao su kém hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thống nhất với đề nghị của tỉnh Gia Lai, cho rằng phương án mới vẫn đảm bảo mục đích phát triển rừng, bảo vệ biên giới và mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Khi có kết quả khảo sát thực địa, có đề xuất giải pháp công trình chính thức, Bộ sẽ phối hợp cùng UBND 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, mở rộng vùng tưới và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mục tiêu đặt ra là hoàn thiện hệ thống kênh trong giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo Dự án Thủy lợi Ia Mơr phát huy được toàn bộ năng lực tưới. Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết:
Băng 2: Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan:
Giữa Bộ và tỉnh Gia Lai đã thống nhất lại là sẽ tìm vùng tưới khác để khai thác tối đa hiệu quả dung tích của thủy lợi Ia Mơr. Phải đánh giá lại toàn bộ độ phủ của thủy lợi Ia Mơr để thực sự tạo ra nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu, cho ngành nông nghiệp của Gia Lai thể hiện tầm ảnh hưởng của thủy điện Ia Mơr.
MC: Thưa quý vị và bà con! Hồ thủy lợi Ia Mơr là dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005, với nhiệm vụ cấp tưới nước cho hơn 14.300ha đất canh tác tại 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk. Tuy nhiên, sau khi hồ chứa Ia Mơr được xây dựng xong, tổng diện tích cây trồng trong phạm vi tưới của hồ trên địa bàn Gia Lai mới chỉ 3.600ha, thiếu hơn 4.700ha so với thiết kế. Nhiều năm qua, Gia Lai dự tính chuyển hơn 4.700ha đất rừng sang đất nông nghiệp, lấy vùng tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr. Phương án này đã không nhận được sự ủng hộ vì lo ngại đến việc mất rừng.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực thủy lợi.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Theo Cục Thủy lợi từ đầu mùa mưa đến nay, mưa lớn đã xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước, làm tăng nguy cơ mất an toàn công trình thủy lợi và gây ngập lụt, úng ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía bắc. Vì vậy, Cục Thủy lợi vừa có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước để thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời tổ chức khoanh vùng, xác định cụ thể các diện tích cây trồng có nguy cơ ngập, úng; tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, bảo đảm hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra; xác định công trình trọng điểm có nguy cơ mất an toàn để chuẩn bị cụ thể phương án bảo đảm an toàn công trình; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không bảo đảm an toàn cần xem xét không tích nước.
MC 2: tin 2
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 856 công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, tỉnh có 02 tuyến đê bao dài hơn 2.400 km, đến nay đã kiên cố hóa được gần 1.600 km kênh mương các loại. Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương và các cấp lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trong đầu tư kinnh phí nâng cấp, sửa chữa, nhờ đó các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh được kiên cố, hoàn thiện, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho công tác quản lý vận hành. Năm 2023, phát triển hạ tầng thủy lợi đảm bảo tỷ lệ tưới ước đạt gần 84% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 96,5%, đạt 100% kế hoạch đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
MC 1: tin 3
Để lập lại trật tự trong việc duy trì, giữ gìn, bảo vệ an toàn nguồn nước, đồng thời làm căn cứ để xử lý, giải tỏa và ngăn chặn các trường hợp vi phạm mới trong bảo vệ nguồn nước và công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật, cách đây gần 1 năm, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản triển khai thực hiện phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Đến nay, các đơn vị liên quan đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới bảo vệ và mốc bảo vệ nguồn nước đối với 15 công trình hồ chứa và hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới bảo vệ của 3 công trình khác. Trong đó, 5 hồ sơ phương án cắm mốc chỉ giới đã được các đơn vị thẩm định và đang xem xét phê duyệt.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Gỡ khó cho các công trình thủy lợi ở Gia Lai
Tại buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Gia Lai mới đây, vấn đề then chốt được đưa ra là điều chỉnh vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr.
Tuấn Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều nghệ nhân dân tộc Dao Thanh Y miệt mài truyền dạy cho thế hệ sau làn điệu dân ca, thêu may thổ cẩm.
Trên những mảnh ruộng từng phát triển kém hiệu quả, người nông dân tại ĐBSCL đã mạnh dạn thử nghiệm những loại cây trồng mới.