Hợp tác xã làm nông nghiệp tuần hoàn ở Vĩnh Phúc
Sau hơn 3 năm Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tư duy làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn đã lan rộng trên nhiều cánh đồng ở Vĩnh Phúc, tạo nên những mùa vụ thắng lợi.
Hoàng Anh | 14:49 20/09/2023
Hợp tác xã làm nông nghiệp tuần hoàn ở Vĩnh Phúc
MC 1: Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.
Thưa quý vị và bà con, sau hơn 3 năm kể từ khi Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 -2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tư duy làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp trách nhiệm với cộng đồng và chính người nông dân đang giống như làn gió mát lành thổi luồng sinh khí mới trên những cánh đồng ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong chương trình hôm nay, Nông nghiệp Radio xin mời quý vị và bà con đến với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để cùng trải nghiệm cách làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp không bỏ đi bất cứ thứ gì của bà con nơi đây.
MC 2:
Nắng Thu êm dịu, gió mơn man, xào xạc thổi trên cánh đồng lúa xã Tân Phong sắp đến ngày thu hoạch. Lúa năm nay đẹp quá. Bông trĩu, hạt chắc mẩy. Cả cánh đồng vàng rực lên như muốn khoe sắc dưới nắng Thu, hứa hẹn một vụ Mùa thắng lợi.
Tiếng bà con trò chuyện
Chúng tôi gặp những xã viên Hợp tác xãdịch vụ nông nghiệp Tân Phong đang đi thăm lúa. Bà con vui lắm. Họ nói, năm nay lúa được như thế này là nhờ hợp tác xã cùng nhau thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Tự bao đời nay, Tân Phong là vùng lúa trọng điểm của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng diện tích canh tác mỗi năm trên 500 ha, trong đó vụ Chiêm Xuân hơn 300 ha và vụ Mùa hơn 200 ha. Quá trình công nghiệp hóa Bình Xuyên đã phải nhường một phần lớn diện tích đất lúa để làm nhà máy, khu công nghiệp cho nên những vùng lúa còn lại như Tân Phong bà con canh tác theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Bài toán làm thế nào để cơ giới hóa, xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hay chí ít là vận động bà con tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp không phải chuyện đơn giản.
Vậy mà vụ Mùa năm 2023 này, khi Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Phong triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ đã có hơn 140 hộ dân tham gia với diện tích 15 ha. Đấy là nhờ vào những người tiên phong thay đổi. Bà Trần Thị Thanh, thành viên HTX Tân Phong chia sẻ:
Băng 1: Bà Trần Thị Thanh và Nguyễn Thị Ty
Tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bà con hợp tác xã Tân Phong được hỗ trợ 50% kinh phí lúa giống. Đặc biệt, liên kết với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm đã giúp nông dân Tân Phong có nguồn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật ủ phân bằng phụ phẩm của trồng trọt, chăn nuôi để đưa vào chăm sóc cho cây lúa.
Từ làm đất, xử lý gốc rạ bằng chế phẩm vi sinh, ủ phân vi sinh, những thứ trước đây tưởng chừng như bỏ đi thì nay lại biến thành phân bón, tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.
Nói về quy trình này, Tiến sĩ Thế Trường Thành, Trưởng Ban nông nghiệp hữu cơ miền Bắc của Tập đoàn Quế Lâm cho biết:
Băng 2: Tiến sĩ Thế Trường Thành
Khi mô hình trồng lúa hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn ở Tân Phong thành công, hơn ai hết ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong là người vui nhất. Bởi mô hình này không những mang lại hiệu quả về hiệu quả kinh tế, môi trường mà còn đem đến giá trị cộng đồng cho hợp tác xã và bà con xã viên.
Liên kết trồng lúa hữu cơ, ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón để sản xuất lúa, sau khi trừ hết chi phí tính ra một sào lúa người dân lãi khoảng tầm 1 tạ thóc.
Với giá liên kết bao tiêu bình quân 6.500 đồng/kg, người dân lãi 650.000 đồng mỗi sào. Cũng nhờ trồng giống lúa DT39 đồng bộ, có chung thời vụ và quy trình canh tác nên người dân giảm được tối đa tiền thuê nhân công, máy móc. Ngoài ra, trong quá trình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, bà con được hướng dẫn làm phân bón vi sinh, thuốc BVTV thảo mộc giúp để tận dụng được nguồn phân bón từ chăn nuôi nên tiết kiệm thêm một khoản chi phí đầu vào, hiện thực mô hình kinh tế tuần hoàn quy mô nông hộ.
Băng 3: Ông Đặng Văn Tắc
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh và chương trình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian qua tại Vĩnh Phúc một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Trong đó Tập đoàn Quế Lâm là doanh nghiệp tiên phong với diện tích liên kết với bà con nông dân, hợp tác xã khoảng hơn 300 ha. Những mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ như ở Hợp tác xã Tân Phong đã mang lại nhiều lợi ích và thay đổi tập quán sản xuất đối với người nông dân, từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Nền nông nghiệp Việt Nam đang thay đổi từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, cùng nhau xây dựng lòng tin, xây dựng chất lượng nông sản Việt, cùng nhau vì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn không bỏ đi bất cứ thứ gì. Câu chuyện Nông nghiệp Radio kể hôm nay ở Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phong chỉ là một lát cắt nhỏ, nhưng đó chính là chỉ dấu về sự thay đổi. Người nông dân Việt Nam hôm nay đã trách nhiệm hơn với cánh đồng, trách nhiệm hơn với hạt lúa, lá rau, con lợn, con gà… Và trách nhiệm hơn với chính bản thân mình.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.
MC 1: thưa quý vị và bà con,
Nông nghiệp hữu cơ bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trở lại đây. Đến nay, cả nước đã có khoảng 119.000 ha đất sản xuất hữu cơ, chiếm 0,4% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn quốc. Với trên 7.300 nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ, 60 đơn vị kinh doanh và phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hiểu được vai trò then chốt của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ, nhân kỉ niệm Ngày Hữu cơ châu Á và Ngày Hữu cơ Việt Nam 19/9, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam vừa phối hợp với Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh tổ chức chuỗi sự kiện kết nối hướng đến các doanh nghiệp bao gồm: Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ phía Nam - Việt Nam; Hội thảo phân biệt và nhận diện sản phẩm hữu cơ; Gian hàng trưng bày sản phẩm hữu cơ và sản phẩm tự nhiên.
MC 2:
Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - gọi tắt là IRRI tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm”. Mô hình được triển khai trong vụ lúa hè thu 2023 tại một hộ gia đình ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ với diện tích 1,7ha, trong đó có 1ha xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ và diện tích còn lại làm đối chứng được canh tác theo phương pháp truyền thống, sử dụng 100% phân bón, thuốc BVTV hóa học. Qua kết quả đánh giá, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm giúp nông dân giảm từ 35 - 40% chi phí sử dụng phân, thuốc hóa học và lợi nhuận tăng thêm 10% trên cùng diện tích so với sản xuất truyền thống.
MC 1:
Hiện nay, trong 340ha lúa - rươi đang triển khai ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, có 90ha do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2018 và đã được cấp chứng nhận hữu cơ đối với sản phẩm lúa. Cùng với đó, 36ha lúa - rươi của người dân Đông Triều nằm trong khuôn khổ liên kết sản xuất với HTX Đồng rươi Đông Triều cũng đang rà soát các điều kiện để mời đơn vị chuyên môn độc lập về thẩm định đánh giá và cấp chứng nhận lúa hữu cơ. Trước đó, toàn bộ gạo ruộng rươi mà HTX thu được đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao với nhiều tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn hữu cơ.
Nội dung vừa rồi đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Hợp tác xã làm nông nghiệp tuần hoàn ở Vĩnh Phúc
Sau hơn 3 năm Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tư duy làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn đã lan rộng trên nhiều cánh đồng ở Vĩnh Phúc, tạo nên những mùa vụ thắng lợi.
Hoàng Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024; Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên - Huế.
Từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 250mm, có nơi cao hơn 350mm.