Khẩn trương ứng phó với sạt lở nghiêm trọng

Không chỉ ở Dầm Dơi mà nhiều địa phương khác như Năm Căn, Cái Nước, Phú Tân… sạt lở cũng liên tục đe dọa đến đời sống của người dân. Điểm cũ chưa kịp khắc phục thì những điểm sạt lở mới đã xuất hiện. Sạt lở liên tục khiến cho việc khắc phục hậu quả là bài toán khó đối với Cà Mau.

Kim Anh - Trọng Linh  | 14:50 10/07/2023

Khẩn trương ứng phó với sạt lở nghiêm trọng

Tự động

Cà Mau: khẩn trương ứng phó với sạt lở nghiêm trọng

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trơ lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai.

Thưa quý vị và bà con, hơn một tháng qua, tại các huyện ven biển Ðông trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Cái Nước, Ðầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và các công trình công cộng, nhất là lộ nông thôn. Để hiểu hơn về vấn đề này, Phóng viên Nông nghiệp Radio đã tìm đến địa bàn huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau, địa phương có nhiều nhà ven sông và công trình giao thông bị hư hại, đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng do những vụ sạt lởxảy ra liên tiếp trong vài ngày qua. Mời quý vị và các bạn cùng nghe ghi nhận của phóng viên Kim Anh và Trọng Linh.

MC 2:

Thời gian gần đây, trên những tuyến sông ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, những chiếc ghe máy có công suất lớn xuất hiện nhiều hơn, cùng với đó là tiếng sóng ập vào những “hàm ếch” ven bờ, kéo theo cả tâm trạng ngổn ngang của bà con sống ven sông… bởi sạt lở xuất hiện liên tục đã cướp mất nhiều phần nền đường, các phương tiện đường bộ không thể qua lại như thông thường. Lòng sông cũng cứ thế rộng, sâu hơn và thậm chí “nuốt chửng” cả những mái nhà của người dân nơi đây…

Vâng thưa quý vị, nếu như năm 2022, toàn huyện Đầm Dơi xảy ra gần 80 vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm thiệt hại tài sản khoảng 6,5 tỷ đồng, thì từ đầu năm 2023, con số này đã lên đến hơn 125 vụ, ước thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Sạt lở đã làm hư hỏng hoàn toàn hơn 220m kè bê tông, sập nhiều căn nhà của người dân, gây thiệt hại nhiều diện đất rừng, đất vuông, khiến hơn 70m lộ nhựa, 2.000m lộ đất và 3 cây cầu hư hỏng. Nhiều tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn huyện bị chia cắt.

Những trận sạt lở hầu hết xảy ra quá nhanh trong đêm khiến bà con không kịp trở tay. Ông Nguyễn Hữu Gấm, người dân ở xã Tân Dân, kể lại:

Băng

[BANG NGUYEN HUU GAM]: “Nhanh dữ lắm theo tôi đánh giá khoảng 20 phút là lở xong rồi và đêm 21 sáng 22 cũng lỡ thêm 4m nữa, trước đó đã lở vào 8m rồi”.

MC 2:

Cũng như ông Gấm, bà Thái Kim Tươi ở xã Quách Phẩm vẫn chưa hết hoang mang sau vụ sạt lở vừa diễn ra.

Băng

[BANG THAI KIM TUOI]:“Không có dấu hiệu gì, đường rất là tốt và phía ngoài còn lề 4-5m. Phần trên lộ thì còn 3m nữa chứ nó không có hẩm dưới chân.”

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, huyện Ðầm Dơi có vị trí nằm ven biển nên tốc độ dòng chảy các tuyến sông rất cao, cơ cấu đất có độ kết dính thấp, mực nước chênh lệch giữa triều cường và triều kiệt lớn - có nơi hơn 3m. Chính vì thế mà nhiều khu vực ở đây có nguy cơ sạt lở cao. Tiêu biểu và nguy hiểm nhất là các khu rừng phòng hộ ven biển, khu dân cư tại các cửa sông lớn hay dọc theo các tuyến sông có tốc độ dòng chảy cao, các khu chợ ven sông…

Và tại Cà Mau, không chỉ ở Dầm Dơi mà nhiều địa phương khác như Năm Căn, Cái Nước, Phú Tân,… sạt lở cũng liên tục đe dọa đến đời sống của người dân. Điểm cũ chưa kịp khắc phục thì những điểm sạt lở mới đã xuất hiện. Sạt lở liên tục khiến cho việc khắc phục hậu quả là bài toán khó đối với Cà Mau.

 

Ông Đỗ Văn Em, ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho hay:

[BANG DO VAN EM]: “Rất hoang mang cứ sợ và sống ngày nào hay ngày đó không biết khi nào tới lượt mình, nhất là khu vực sông lớn này”.

MC 2:

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 102 vụ sạt lở bờ sông, bờ kè và kênh; tổng chiều dài gần 3.000m, ước tính thiệt hại hơn 221 tỷ đồng. Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai xem xét, hỗ trợ kinh phí để địa phương xử lý khắc phục khẩn cấp các vị trí bị sạt lở, giúp người dân ổn định cuộc sống. Đánh giá tình hình, diễn biến sạt lở trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết:

 

[BANG HUYNH QUOC VIET]: “Tình hình sạt lở hiện nay rất phức tạp, rất nhiều điểm và nguồn lực của tỉnh và nhân dân đóng góp thì chỉ đáp ứng được một phần. Rất mong các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ cho Cà Mau vì đây là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.”

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, tỉnh Cà Mau vơi đặc thù 3 mặt giáp biển vốn được xem như một bán đảo, địa phương có đường bờ biển dài tới 254km. Do đó, tình trạng xói lở bờ biển, đã và đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cả về mức độ và phạm vi, đe dọa lớn đến dân sinh, kinh tế, xã hội của địa phương chính là một trong những thách thức lớn nhất của biến đổi khí hậu mà Cà Mau phải đối mặt. Mong rằng trong thời gian tới, bằng công tác dự tính, dự báo thiên tai, bằng sự chuẩn bị kỹ lượng các phương án ứng phó cũng như sự nhanh chóng trong công tác khắc phục hậu quả, ảnh hưởng của thiên tai tới Cà Mau sẽ ít hơn, hệ thống đê sẽ được bảo vệ, những khu rừng phòng hộ ven biển được khôi phục và tính mạng, tài sản, hoạt động của người dân được đảm bảo tốt hơn.

 

TRỌNG LINH – KIM ANH

MC 2:

Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về tình hình thiên tai vừa diễn ra trên cả nước.

MC 1:

Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT vừa đưa ra báo cáo tổng kết tình hình thiệt hại do thiên tai 6 tháng đầu năm ở nước ta. Báo cáo cho biết, từ đầu năm đến nay nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai. Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.

MC 2:

Vào ngày 7/7 vừa qua, Viện Vật lý địa cầu, liên tục có thông báo tin động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cập nhật đến 14 giờ chiều cùng ngày, địa phương này đã xảy ra liên tiếp 10 trận động đất, độ lớn từ 2.5 đến 4.2. Từ đầu tháng 7 đến nay, khu vực này cũng xảy ra ba trận động đất, độ lớn từ 2.6 đến 3.7. Trước đó, Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất ở Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích, xảy ra do hoạt động của hồ chứa thủy điện tích nước, gây áp lực với hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên. Động đất tại đây không phải mới xảy ra từ đầu tháng 7 mà xảy ra liên tục với tần suất dày đặc khoảng hai năm trở lại đây.

MC 1:

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, địa phương vừa xảy ra vụ sạt lở ở khu vực phía sau nhà xưởng Công ty TNHH Dương Lộc Tiến, ấp 4, thị trấn Gành Hào làm hư hại tài sản, gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Vị trí sạt lở đất có xây dựng kè bê tông dài 50m, rộng 40m, làm thiệt hại 1 căn nhà xưởng xây dựng tiền chế bằng vật liệu lợp bằng tol lạnh, kẽm. Nhận được tin báo, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đông Hải cùng các ngành đoàn thể, UBND thị trấn Gành Hào nhanh chóng đến hiện trường sạt lở khảo sát, ghi nhận thiệt hại, tìm giải pháp pháp khắc phục hậu quả sạt lở và tổ chức thăm hỏi, động viên những trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai. Đồng thời, khẩn trương thực hiện công tác di dời tài sản đến nơi an toàn.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình phòng chống thiên tai phát sóng trên Nông nghiệp radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại!

Tự động

Khẩn trương ứng phó với sạt lở nghiêm trọng

Không chỉ ở Dầm Dơi mà nhiều địa phương khác như Năm Căn, Cái Nước, Phú Tân… sạt lở cũng liên tục đe dọa đến đời sống của người dân. Điểm cũ chưa kịp khắc phục thì những điểm sạt lở mới đã xuất hiện. Sạt lở liên tục khiến cho việc khắc phục hậu quả là bài toán khó đối với Cà Mau.

Kim Anh - Trọng Linh

Tin liên quan

Các chương trình

Gìn giữ bản sắc từng ngôi làng để phát triển du lịch nông thôn
Thời sự

Gìn giữ bản sắc từng ngôi làng để phát triển du lịch nông thôn; Trồng rừng bảo vệ nguồn nước, mang lại sinh kế cho bà con; Cá chết trắng mặt hồ rộng 36 ha.

Gìn giữ bản sắc từng ngôi làng để phát triển du lịch nông thôn
Thời tiết nông vụ ngày 12/12/2024: Miền Bắc rét tê tái, miền Trung mưa lớn
Thời sự

Rét đậm, rét hại sẽ bao trùm khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nên bà con cần chú ý giữ ấm để bảo vệ sức khỏe.

Thời tiết nông vụ ngày 12/12/2024: Miền Bắc rét tê tái, miền Trung mưa lớn