Khảo sát 10.000 nông dân, xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa ĐBSCL
Khảo sát 10.000 nông dân, xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa ĐBSCL; Thúc đẩy ‘Sử dụng phân bón đúng’ tại Việt Nam; Cẩn trọng trước tình trạng đặt cọc mua lúa non; Quảng Ninh: Cấm lưu hành các tàu cá vi phạm khai thác IUU từ ngày 1/9; Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục tái phát tại Lạng Sơn; Xử lý dứt điểm tình trạng xác tàu cá nằm bờ.
Quỳnh Anh | 10:58 21/08/2023
Khảo sát 10.000 nông dân, xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa ĐBSCL
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Thúc đẩy ‘Sử dụng phân bón đúng’ tại Việt Nam
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về Dự án “Sử dụng phân bón đúng” tại Việt Nam. Đây là dự án được triển khai với mục đích giảm phát thải khí nhà kính bắt nguồn từ việc tăng năng suất, hiệu quả phân bón, phát triển các giải pháp thay thế cho phân bón hóa học, cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất và dự kiến kéo dài 4 năm với tổng ngân sách khoảng 4 triệu USD do phía Hoa Kỳ tài trợ. Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao những hỗ trợ chuyên môn, khoa học kỹ thuật từ Chính phủ Hoa Kỳ để tạo điều kiện nâng giá trị hạt gạo trong “thời điểm vàng” của ngành lúa gạo Việt Nam. Đồng thời, mong muốn tiếp tục phối hợp làm rõ thủ tục, xây dựng kế hoạch cụ thể, nhanh chóng nghiên cứu và triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
Quỳnh Chi
- Khảo sát 10.000 nông dân, xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa ĐBSCL
Góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế - gọi tắt là IRRI, đang phối hợp với Cục Trồng trọt và các địa phương vùng ÐBSCL thực hiện khảo sát, thu thập thông tin nhằm xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa ở ÐBSCL.Theo đó, các đơn vị sẽ thực hiện Chương trình khảo sát 10.000 nông dân trồng lúa tại ĐBSCL. Khảo sát nhằm điều tra về thực trạng phương thức canh tác lúa trong vùng, phục vụ việc đánh giá mức độ phát thải, chi phí sản xuất và lợi nhuận, mức độ cơ giới hóa, cách quản lý rơm rạ và sâu bệnh, nhận thức về Biến đổi và phát thải khí nhà kính... Qua đó, thu thập các thông tin và số liệu cần thiết để xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa tại ÐBSCL.
Quỳnh Anh
-
Cẩn trọng trước tình trạng đặt cọc mua lúa non
Cũng liên quan tới ngành hàng lúa gạo, những tuần gần đây, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCLnhích lên. Hoạt động thu mua lúa gạo tại nhiều địa phương diễn ra sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh thu mua lúa hàng hóa vụ hè thu, tiểu thương và doanh nghiệp còn tìm đến tận ruộng của nông dân để đặt hàng mua lúa vụ thu đông 2023 từ khá sớm khi lúa mới bắt đầu làm đòng và trổ. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp một số tỉnh, thành tại ĐBSCL đã có khuyến cáo tới nông dân không nên chạy theo giá lúa đang tăng cao mà phá vỡ các hợp đồng liên kết có sẵn giữa nông dân, doanh nghiệp và HTX để bán lúa non vì sẽ nảy sinh hệ lụy về sau. Trong tuần qua, Nông nghiệp Radio cũng đã có những ghi nhận cụ thể về nội dung này gửi tới quý vị và con.
Kim Anh
- Quảng Ninh: Cấm lưu hành các tàu cá vi phạm khai thác IUU từ ngày 1/9
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn về việc tập trung chỉ đạo, triển khai khắc phục triệt để các tồn tại về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU ban hành trên địa bàn tỉnh. Đáng lưu ý, từ ngày 1/9, tỉnh Quảng Ninh sẽ mở đợt cao điểm tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả các tàu cá vi phạm khai thác IUU theo quy định. Xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi không đăng ký, đăng kiểm, không lắp thiết bị giám sát hành trình, tàu cá đã lắp nhưng mất tín hiệu giảm sát hành trình trên biển.
Đinh Mười
- Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục tái phát tại Lạng Sơn
Tại Lạng Sơn, sau khoảng 3 tháng bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan ra diện rộng, mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp khống chế, nhưng đến giữa tháng 8, trên địa bàn tỉnh vẫn có 7 huyện có ổ bệnh chưa qua 21 ngày và quan ngại nhất là các ổ bệnh mới vẫn tiếp tục tái phát. Nguyên nhân chính khiến việc ngăn bệnh dịch tả lợn châu Phi gặp khó khăn chủ yếu là do người chăn nuôi vẫn chưa chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Tính từ ngày 11/5 đến hết ngày 14/8, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 450 hộ chăn nuôi lợn có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi bắt buộc phải thực hiện tiêu hủy. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 1.800 con.
Đào Thanh
- Xử lý dứt điểm tình trạng xác tàu cá nằm bờ
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 30 xác tàu cá nằm bờ, đều là những tàu cá chỉ còn lại phần vỏ, hiện đã hư hỏng, mục nát, chủ yếu nằm ở các cảng cá và cửa sông. Tình trạng xác tàu bị bỏ lại không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn cản trở luồng lạch, gây khó khăn cho việc ra vào cảng, neo đậu của các tàu cá khác. Trong khi đó, chủ tàu lại không có đủ điều kiện để trục vớt các xác tàu lên bờ. Trước thực tế này, Tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các huyện, thị xã có xác tàu cá nằm bờ sử dụng nguồn kinh phí của địa phương để trục vớt, xử lý dứt điểm các tàu cá này trước ngày 15/10 tới. Trong trường hợp địa phương không đủ kinh phí thực hiện, phải sớm kiến nghị UBND tỉnh.
Lê Khánh
- Lai Châu đặt mục tiêu phát triển 80.000 ha mắc ca vào năm 2050
Có mặt tại Lai Châu từ năm 2011 và được xác định là cây đa mục đích, phù hợp phát triển theo quy hoạch vùng, đến nay cây mắc-ca đã và đang khẳng định được lợi thế của mình, trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con phát triển kinh tế. Toàn tỉnh Lai Châu hiện có hơn 5.400 ha mắc ca. Với lợi thế sẵn có của mình, Lai Châu nói riêng và các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang tiến hành thực hiện các giải pháp chuyển đổi cây trồng, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn. Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích cây mắc-ca theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô đạt khoảng 35.000 ha vào năm 2030 và khoảng 80.000 ha vào năm 2050.
Hải Đăng
- Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học
Thái Nguyên là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng thứ 2 trong khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Sự tăng trưởng và phát triển của ngành chăn nuôi kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải. Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, các địa phương đã quy hoạch, bố trí đất đai dành cho phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Cùng với đó, người dân cũng đầu tư chăn nuôi khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học, giun quế, ruồi lính đen... góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng khả năng kháng bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.
Phạm Hiếu
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, tại Việt Nam, cộng đồng là tập thể xã hội đặc trưng bởi không gian địa lý, các tương tác trực tiếp, liên kết nhau bằng tình cảm, giá trị đồng nhất và chuẩn mực ràng buộc chung. Cộng đồng nông thôn ở nước ta sống và làm việc gắn với địa bàn làng, thôn, bản, ấp... cùng phát triển sinh kế. Với kết cấu tổ chức đặc biệt và các ưu điểm vượt trội như cần cù, tự lực, gắn bó gia đình, đoàn kết xóm giềng, cộng đồng được coi là đơn vị tổ chức căn bản đưa đất nước lên các bước phát triển cao hơn. Vậy trong bối cảnh đất nước, thế giới có nhiều biến động, chúng ta nên làm gì để hỗ trợ, nhân rộng những mô hình hay, sự thành công, đoàn kết của cộng đồng ở khắp các địa phương, thôn bản của đất nước, Chuyên gia nông nghiệp – Hoàng Trọng Thủy chia sẻ:
Quỳnh Anh
Băng
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Khảo sát 10.000 nông dân, xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa ĐBSCL
Khảo sát 10.000 nông dân, xây dựng bộ dữ liệu sản xuất lúa ĐBSCL; Thúc đẩy ‘Sử dụng phân bón đúng’ tại Việt Nam; Cẩn trọng trước tình trạng đặt cọc mua lúa non; Quảng Ninh: Cấm lưu hành các tàu cá vi phạm khai thác IUU từ ngày 1/9; Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục tái phát tại Lạng Sơn; Xử lý dứt điểm tình trạng xác tàu cá nằm bờ.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Cải tiến chất lượng, tạo cơ hội xuất khẩu bền vững cho sản phẩm OCOP; Bám sát đồng ruộng, bảo vệ sản xuất trong dịp Tết; Bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết.
Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm IUU; Rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn thực phẩm; Sương muối gây ảnh hưởng nhiều diện tích cà phê.