Làm hữu cơ, mơ sống khỏe, thoát cái nghèo

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mở ra những cơ hội mới cho vùng đất Yên Mô, Ninh Bình. Hiện nay, hàng trăm, hàng nghìn nông dân tại đây đang từng ngày tiến tới giấc mơ sống khỏe, thoát nghèo từ nơi từng được xem là vùng đất khó nhờ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Bảo Thắng  | 14:35 14/11/2023

Làm hữu cơ, mơ sống khỏe, thoát cái nghèo

Tự động

Chương trình phát thanh

Làm hữu cơ, mơ sống khỏe, thoát cái nghèo

Băng 1

“Sau khi đi lính về năm 88 thì về nhà cũng tham gia sản xuất tại địa phương. Cũng không có ngành nghề gì. Cái mà tôi làm nông nghiệp thuần túy.

Trong quá trình lao động sản xuất thì qua những lúc đó thì về cơ chế nó khó khăn. Đồng đất thì đất Mai Sơn thì chua phiền, ruộng bậc thang. Cho nên cây trồng thuần nông không đạt được kinh tế cho người dân. Gia đình lúc đấy là nghèo, đói lắm thì cũng đi tìm đường cứu nước là đi ra mãi Thường Tín, Hưng Yên”

MC2: Thưa quý vị và bà con!

Đó là những chia sẻ của ông Tống Viết Vinh, 62 tuổi, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình khi nhớ lại thời điểm cách đây hơn 30 năm. Khi ấy, ông vừa xuất ngũ, chưa lập gia đình. Về với đồng đất quê hương chỉ với hai bàn tay trắng. Không vốn liếng, không nghề trong tay. Những gì ông thừa hưởng chỉ là mấy sào ruộng khoán luôn trong cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai.

Quê ông Vinh những năm đầu thập niên 90 chỗ nào cũng nhộn nhịp. Năm 1992, tỉnh Ninh Bình chính thức tái lập sau hơn 15 năm sáp nhập với Hà Nam, Nam Định. Cái cũ, cái mới đan xen. Mô hình làm việc theo phương thức hợp tác xã cũng dần nhường chỗ cho kinh tế thị trường. Ruộng đất nhiều nhưng thảng hoặc nông dân như ông vẫn lâm cảnh đói ăn.

Khi lập gia đình rồi đón thêm niềm vui từ người con trai đầu lòng, ông Vinh không đành sống mãi trong nghèo khó. Xác định cây lúa khó giàu trên vùng đất phèn Mai Sơn, ông vay vốn, tập tành buôn nông sản rồi ngược xuôi khắp nơi. Cứ dự đoán su hào, cà chua hay cải bắp sẽ được giá là ông lại đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm buôn đi bán lại, ông chỉ đủ ăn.

Tính đi tính lại, ông Vinh trở lại làm nông dân. Bước ngoặt đến vào năm 2016, sau khi được Trung tâm Khuyến nông tinh Ninh Bình hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, ông tin và đi theo làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp công nghệ cao, canh tác theo hướng chuyên sâu.

Khởi đầu chỉ có khoảng 1 mẫu ruộng, sau ông Vinh làm ăn hiệu quả dần nên thuê thêm ruộng của bà con xung quanh. Đến nay, ông đã xây dựng được một cơ ngơi có diện tích khoảng 5ha với diện tích nhà màng khoảng 5 nghìn mét vuông, tổng chi phí đầu tư ngót nghét 2 tỷ đồng.

Tính trung bình mỗi năm, gia đình ông Vinh thu nhập từ 3 đến 4 tỷ đồng. Đỉnh cao nhất là vào năm 2019, ông Vinh trúng đậm vụ rau màu nên tậu được cả ô tô.

Băng 2

“Nói là công nghệ cao thì cũng phục vụ cái mới thì bao giờ chúng tôi cũng bỡ ngỡ. Đến giờ này mà nói là khẳng định chúng tôi vẫn đảm bảo được. Trong việc sản xuất và phát triển.

Trước khi làm công nghệ cao thì cũng xác định là gia đình tiếp cận. Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện cũng nói rõ. Huyện cũng hỗ trợ phân hữu cơ và tập huấn các lớp tập huấn. Hai nữa là về cách làm như thế nào đó để đảm bảo được dần dần đi đến một bước nữa về thương hiệu của mình ở khu vực này”.

Gần gũi và hiểu cách làm của nhà ông Vinh, có lẽ không ai thân cận hơn ông Đinh Xuân Nguyễn, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Mai Sơn.

Theo lời ông Nguyễn, đất Yên Mô cực kỳ phù hợp với sản xuất rau màu. Nhiều hộ gia đình tại xã đã giàu lên nhờ chuyển dịch từ đất hai lúa sang một vụ lúa hai vụ màu như nhà ông Vinh.

Nếu như trước đây, các hộ nông dân chỉ quanh quẩn trồng khoai, rau củ, hay các loại rau màu thông thường, thì nay nhiều thành viên HTX, trong đó có gia đình ông Vinh, đã mạnh dạn đầu tư nhà màng để phát triển các loại cây nghịch vụ, cho giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn, cà chua nghịch vụ bán tại ruộng có thể được bán với giá từ 12 đến 13 nghìn đồng 1 kg.

Băng 3

“Bà con đang chuyển từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa. Mục tiêu là để tăng cái thu nhập, giảm chi phí.

Đảng và chính quyền đã tổ chức để nhân dân tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ và tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa. Nông nghiệp phải chuyển sang hàng hóa thì để giá trị kinh tế nông mới cao”.

Đánh giá về mô hình sản xuất của gia đình ông Vinh nói riêng và HTX nông nghiệp Mai Sơn nói chung, anh Phạm Hồng Sơn, cán bộ khuyến nông Sở Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình, người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho rằng những điển hình như vậy rất đáng quý.

Anh Sơn nhận xét, chính nhờ kinh nghiệm sản xuất lâu năm, quyết tâm triển khai thực hiện quy trình canh tác hữu cơ và có trình độ quản lý nên hộ gia đình ông Vinh cho thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương.

Một yếu tố nữa là sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan. Tất cả cùng chung tay, tạo lập ra một hệ sinh thái, giúp những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn tìm được đầu ra ổn định và đến được với đông đảo người tiêu dùng.

Băng 4

“Chúng tôi là khuyến nông nhưng trong tình hình mới là khuyến nông dịch vụ, tức là cùng với bà con để khuyến khíach bà con sử dụng dịch vụ và liên kết trong sản xuất, làm sao mà bà con tham gia vào cái chuỗi liên kết để cho người thu mua đáp ứng cái nhu cầu của thị trường, về chất lượng, về sản lượng, về mẫu mã.

Người nông dân như bác Vinh và những hộ sản xuất theo hướng hữu cơ. Đối với cây rau màu thì chúng tôi cũng thường xuyên bám sát, tập huấn kỹ thuật và phải làm sao người nông dân phải đảm bảo cái quy trình đấy.

Sau này các cấp, các ngành hỗ trợ cho tem mác, thương hiệu để truy xuất nguồn gốc và đảm bảo được quy trình hữu cơ, tạo ra cơ sở hóa an toàn để đáp ứng cái nhu cầu thị trường”.

Thưa quý vị và bà con!

MC1: Thực hiện Đề án 04, huyện Yên Mô đã tập trung hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng một số mô hình nhà màng ở các xã: Yên Phong, Yên Từ, Mai Sơn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 30 nghìn m2 diện tích canh tác trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao. Ước tính giá trị canh tác cây trồng đạt trên 4 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất truyền thống nhiều lần.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã từng bước mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy người dân sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh ông Vinh, hàng trăm, hàng nghìn nông dân tại huyện Yên Mô vẫn đang từng ngày, từng giờ mơ sống khỏe, thoát nghèo từ trên chính đồng đất của mình, nơi từng được xem là vùng đất khó./.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con, Nếp tài là giống lúa bản địa được người dân thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn trồng ở những thửa ruộng bậc thang men theo chân núi. Giống lúa này gắn bó với người dân từ nhiều đời nay. Trước đây năng suất thấp, trồng lúa không đủ ăn. Nhưng vài năm gần đây, bà con trồng theo phương pháp hữu cơ chỉ sử dụng phân chuồng đã được ủ theo quy trình nên ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng hạt gạo cải thiện rõ rệt. So với trước đây, trồng lúa hữu cơ cho hiệu quả cao gấp 2 đến 3 lần. Và năm nay, niềm vui của bà con ở Phiêng Phàng càng được nhân lên khi tháng 10 vừa qua, quy trình trồng và sản phẩm gạo nếp Tài đã được Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

MC 2: tin 2

 HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An,  xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang được thành lập từ năm 2016 với 13 thành viên, diện tích sản xuất chưa đến 20ha. Kể từ năm 2018, HTX vận động xã viên chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm – lúa, đồng thời thực hiện ký kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ xuất khẩu. Cột mốc này đánh dấu bước phát triển mới trong đời sống và sản xuất của bà con xã viên. Đến nay, số lượng xã viên của HTX đã đạt 61 thành viên, quy mô sản xuất 300ha. Tất cả xã viên đều đi theo mô hình tôm - lúa lúa hữu cơ và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giống lúa chủ lực là ST5. Theo HTX Tôm - cua - lúa Thạnh An, đến năm 2022, HTX cung ứng 1.100 tấn lúa hữu cơ cho doanh nghiệp trên diện tích gieo trồng là 350ha. Trong năm 2023, vùng sản xuất được mở rộng lên gần 400ha lúa đạt chuẩn hữu cơ.

MC 1: tin 3

Từ khu rừng thuộc dự án phát triển kinh tế rừng được nhà nước giao vào hơn 30 năm trước, ông Trần Văn Tấn - 72 tuổi ở ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã trồng 30ha điều, 20ha cây ăn trái và xây dựng trại gà đẻ trứng. Trong những diện tích cây ăn trái mà ông Tấn trồng, có 10ha quýt được ông canh tác theo hướng hữu cơ. Để chăm sóc vườn cây, ông Tấn tự ủ phân bón, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ thỉnh thoảng dùng chế phẩm sinh học được ủ từ các loại thảo dược để tưới, cỏ thì dùng tay, máy cắt. Nhờ vậy, dù không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng vườn quýt của ông Tấn vẫn phát triển rất tốt. Năng suất đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Do quýt canh tác sạch nên sau khi thương lái biết rõ nguồn gốc, vườn quýt của ông Tấn chưa từng “ế” lần nào. Chỉ đôi khi phải theo thị trường, nên giá cũng có những lúc trồi sụt.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Làm hữu cơ, mơ sống khỏe, thoát cái nghèo

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mở ra những cơ hội mới cho vùng đất Yên Mô, Ninh Bình. Hiện nay, hàng trăm, hàng nghìn nông dân tại đây đang từng ngày tiến tới giấc mơ sống khỏe, thoát nghèo từ nơi từng được xem là vùng đất khó nhờ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Bảo Thắng

Tin liên quan

Các chương trình

Giải pháp vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới
Chính sách

Nâng cao năng lực quản lý, nâng cấp hệ thống công trình và áp dụng công nghệ hiện đại là giải pháp để vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.

Giải pháp vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới
Đường lâm nghiệp chưa đảm bảo, các chủ rừng gặp khó
Chính sách

Nghệ An cần ưu tiên đầu tư vào hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và khai thác rừng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Đường lâm nghiệp chưa đảm bảo, các chủ rừng gặp khó