Lắng nghe tâm tư của các công ty lâm nghiệp
Sau nhiều năm thực hiện, quá trình sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động quản lý đất rừng kém hiệu quả.
Quỳnh Anh | 10:31 09/10/2024
Lắng nghe tâm tư của các công ty lâm nghiệp
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp radio trong chương trình phát triển lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, với lịch sử gần 70 năm hình thành và phát triển, các công ty lâm nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực nông thôn, miền núi. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, các công ty lâm nghiệp đã được sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, quá trình đổi mới sắp xếp vẫn còn gặp khó khăn, tồn tại, vướng mắc. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý, sử dụng đất đai tài nguyên rừng còn lãng phí, kém hiệu quả, đòi hỏi những nghiên cứu, đánh giá chi tiết để làm cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục hữu hiệu.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, được hình thành từ sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc vào năm 1955 với tiền thân là các lâm trường quốc doanh, các công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp nhiều năm qua đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đang trong quá trình đẩy mạnh đổi mới, hội nhập quốc tế với nhiều mô hình hiện đại.
Thời gian qua, việc phát triển rừng trồng sản xuất kinh doanh đã được các công ty thực hiện hiệu quả, nhiều giống cây trồng mới được áp dụng. Hiện nay, diện tích rừng trồng bằng giống có nguồn gốc xuất xứ được kiểm soát tại các địa phương đạt tới trên 85%. Do áp dụng các tiến bộ trong khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng rừng và giá trị kinh tế từ rừng trồng tăng dần, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao. Năm 2012, năng suất rừng trồng của các công ty lâm nghiệp chỉ đạt từ 10-15m3/ha/năm, từ năm 2017 đến nay đã tăng lên 15-20m3/ha/năm.
Không những vậy, nhờ tăng cường công nghệ chế biến nên doanh thu của các công ty tăng nhanh. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được đặc biệt chú trọng. Thống kê báo cáo của các địa phương đến nay, các công ty lâm nghiệp còn quản lý hơn 250.000 ha rừng phòng hộ, gồm hơn 220.000 ha rừng tự nhiên và hơn 30.000 ha rừng trồng, chiếm 15% tổng diện tích các công ty lâm nghiệp được quản lý và gần 14.000 ha đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của công ty lâm nghiệp vẫn còn có nhiều hạn chế, tồn tại, vướng mắc. Ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ Trưởng Vụ NN- PTNT - Ban Kinh tế Trung ương đánh giá:
Băng ông Vũ Mạnh Hùng
MC 2:
Từ tiền thân là Lâm trường Thác Bà, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà được thành lập vào năm 2010 theo Luật Doanh nghiệp với nhiệm vụ chính là kinh doanh trồng rừng nguyên liệu để cung cấp gỗ cho thị trường. Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất rừng công ty được giao thuê là hơn 1.000 ha và chủ yếu trồng rừng kinh tế theo hình thức thâm canh trên diện tích lớn là các đảo trên hồ Thác Bà.
Trong bối cảnh tái cơ cấu sản xuất tại các công ty lâm nghiệp, để có thể đứng vững, tồn tại và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó việc triển khai phương án giao khoán rừng với người lao động, các hộ gia đình và đồng bào là người dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả tích cực, được duy trì ổn định theo chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng. Giải pháp này đã huy động tối đa nội lực của cán bộ, công nhân viên và người lao động cùng với công ty bỏ vốn đầu tư thâm canh tăng năng suất chất lượng rừng. Người lao động được hưởng lợi và thực sự chủ động, có trách nhiệm cao trên diện tích đất rừng nhận khoán. Hạn chế được các chi phí bất hợp lý và các tiêu cực phát sinh trong quản lý…
Thế nhưng theo ông Vương Quốc Đạt – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà, quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh trồng rừng của công ty vẫn gặp phải những khó khăn về nguồn vốn khi chưa được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp trong khi chu kỳ trồng rừng kéo dài từ 5-7 năm, việc thu hồi vốn chậm hơn các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng tại các đơn vị quản lý rừng còn rất hạn chế so với nhu cầu, giá thuê đất chưa phù hợp và cả những vướng mắc trong quản lý đất trồng rừng. Do đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thác Bà kiến nghị:
Băng công ty thác bà
MC 2:
Thực hiện phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, Đắc Lắk hiện có 13 Công ty TNHH MTV, HTV Lâm nghiệp.
Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các công ty hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắk cho biết, phần lớn các Công ty Lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa có sự chuyển biến về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa phát huy được tính chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động của các Công ty chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, doanh thu từ sản xuất rừng trồng không đáng kể do thiếu vốn đầu tư, giá bán sản phẩm gỗ rừng trồng thấp.
Cùng với đó, Các Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt, phục hồi và hiện nay, các chủ rừng chỉ mới tổ chức quản lý, bảo vệ mà chưa được phép cải tạo hoặc đầu tư kinh phí để phục hồi lại loại rừng này. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác quản lý bảo vệ rừng hàng năm không đủ chi phí thực tế phát sinh. Đời sống người lao động làm công tác quản lý bảo vệ rừng đang gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm tại một số Công ty Lâm nghiệp chưa có hướng giải quyết. Đặc biệt, tình trạng người dân địa phương, người dân di cư ngoài kế hoạch xâm canh, lấn, chiếm sử dụng đất rừng của các Công ty Lâm nghiệp để trồng cây lâu năm, cây hàng năm và làm nhà ở vẫn còn xảy ra, tình hình ngày càng phức tạp, khó xử lý.
Trước bối cảnh đó, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tổ chức quản lý, thực hiện tốt các chính sách, quy định liên quan. Ông Nguyễn Thành Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh:
Băng ông Nguyễn Thành Văn
MC 1:
Vâng thưa quý vị và bà con, có thể thấy từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, các công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp đã nỗ lực phát triển, mang về kết quả hoạt động ấn tượng, góp phần kiến tạo nên một ngành kinh tế - kỹ thuật có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, đứng trước yêu cầu về sự đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều công ty còn lúng túng và đang gặp những khó khăn nhất định. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ trung ương tới địa phương và từng doanh nghiệp để các công ty nhanh chóng hoàn thiện việc sắp xếp, đổi mới, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai cùng nhiều vấn đề liên quan.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực Lâm nghiệp.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con,
Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết: Từ tin báo của người dân phản ánh xe tải chở gỗ trái phép đang lưu thông trên địa bàn huyện, chiều 7-10, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp Công an huyện triển khai lực lượng kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên thùng xe tải chất đầy gỗ rừng nhưng tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ có liên quan đến số gỗ này. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, đưa xe tải này về trụ sở Hạt Kiểm lâm để xác minh làm rõ nguồn gốc số gỗ trên xe. Hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông đang tiến hành đo đạc kiểm đếm số lượng gỗ để xử lý theo quy định của pháp luật và tiến hành xác minh vị trí cây gỗ bị cắt hạ để thống kê số lượng cây rừng bị thiệt hại.
MC 2:
Tại huyện Bã Chẽ, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ninh, thiên tai bất ngờ đã đặt ra thách thức mới trước mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương. Hơn 18.000ha rừng bị thiệt hại trên địa bàn huyện sau bão số 3 cũng là nguồn thu nhập chính của hơn 96% dân số của địa phương này. Ngoài những khó khăn về kỹ thuật, nhân lực để vệ sinh, tận thu rừng, UBND huyện Ba Chẽ cho biết, trên 18.000ha, chắc chắn cần ít nhất 2 năm mới trồng lại được. Trên địa bàn hiện nay có khoảng trên 30 cơ sở sản xuất giống, số lượng cây giống khoảng trên 2 triệu cây, chỉ đảm bảo đủ khả năng cung cấp giống cho khoảng 500ha. Đây cũng là một khó khăn, hiện địa phương đang báo cáo với tỉnh để phát triển thêm các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn cũng như là ngoài địa bàn huyện, cố gắng đủ khả năng cung cấp cây giống cho bà con trồng trong 2 năm tới.
MC 1
Theo kế hoạch, thực hiện Chương trình trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, huyện Bảo Lâm được tỉnh giao chỉ tiêu trồng 4,9 triệu cây xanh, huyện xây dựng kế hoạch trồng 5 triệu cây. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 5,1 triệu cây đạt trên 100% kế hoạch của huyện và kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, có gần 900 ha rừng được trồng mới, tương đương gần 1,8 triệu cây xanh các loại. Còn lại là cây xanh trồng xen cây nông nghiệp, cây phân tán, cây che bóng mát và trồng cây xanh trên diện tích đã khai thác bô xít. Như vậy, Bảo Lâm đã hoàn thành trước 1 năm và vượt chỉ tiêu được giao trồng 5 triệu cây xanh trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Lắng nghe tâm tư của các công ty lâm nghiệp
Sau nhiều năm thực hiện, quá trình sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động quản lý đất rừng kém hiệu quả.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.