Sáng 3/10, Cục Lâm nghiệp phối hợp Hội Khoa học Kinh tế NN-PTNT tổ chức Hội thảo “Carbon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng”, với sự tài trợ của Tổ chức Forest Trends và UK PACT.
Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 150 đại biểu trực tiếp và gần 250 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, lâm nghiệp hiện là lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm, nhờ vào quá trình bảo vệ và phát triển rừng và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, thị trường carbon rừng ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn ban đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) nhờ chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Hiện Bộ NN-PTNT hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng xem xét đàm phán, ký kết Thỏa thuận mua bán giảm phát thải cho 11 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent).
"Thị trường carbon rừng có tiềm năng mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường", ông Bảo nói và thừa nhận, các nguồn lực tài chính cho hoạt động lâm nghiệp còn thiếu ổn định, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế.
Cục Lâm nghiệp cũng xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ carbon rừng thời gian tới. Đó là: (1) Rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định lĩnh vực lâm nghiệp; (2) Nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương;
(3) Hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng; (4) Xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon của rừng; hướng dẫn xây dựng và triển khaithí điểm một số dự án tiềm năng;
(5) Tuyên truyền, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về carbon rừng; (6) Tiếp tục triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với WB; tham mưu đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ với Tổ chức Emergent; (7) Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế và khối tư nhân.
Đối với địa phương, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đề nghị chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp thực hiện giảm phát thải, tăng hấp thụ trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia tích cực của các bên liên quan nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của thị trường carbon rừng.
"Sự hợp tác và cam kết của tất cả các bên liên quan sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của ngành lâm nghiệp trong bối cảnh mới", ông Bảo nhấn mạnh.
TS Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế NN-PTNT đề nghị cơ quan quản lý xây dựng, ban hành nhiều hơn những cơ chế tài chính ban đầu hỗ trợ cho chủ rừng, nhất là nhóm chủ rừng yếu thế. Đây là cách để đối tượng này được tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các quỹ carbon rừng.