Làng trồng 'ngọc xanh' cho Tết
Thôn Tràng Cát, xã Kim An (Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng lá dong đã có từ 400 năm trước và được mệnh danh là nơi trồng 'ngọc xanh' của đất trời.
Quỳnh Anh | 09:40 19/01/2024
Làng trồng 'ngọc xanh' cho Tết
“Bên ngoài xanh lá dong xanh
Bên trong nếp đỗ mỡ hành hạt tiêu
Gói nghĩa tình, gói yêu thương
Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ”
Vâng thưa quý vị, khi những giọt sương đọng trên cánh hoa đào đang dần thắm sắc cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Những ngày này, khắp các nẻo đường của tổ quốc, sắc mai đào, quất cảnh đã ngập tràn và trong các khu chợ ở miền Bắc, ta còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chiếc lá dong xanh. Tự bao giờ, ngày Tết cổ truyền của Việt Nam được đại diện một phần bởi bánh chưng – món bánh gắn với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Và để tạo nên hương sắc của món bánh truyền thống này, không thể thiếu sự góp mặt của lá dong – loại lá duy nhất được bà con miền Bắc dùng để gói bánh chưng. Hôm nay, mời quý vị và bà con cùng Nông nghiệp Radio về với vùng đất ven đô, thăm ngôi làng đã tồn tại hơn 400 năm với nghề truyền thống trồng lá dong.
Nằm cách trung tâm TP khoảng 30km, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh oai, Hà Nội nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng lá dong đã có từ thế kỷ XVI - XVII. Nơi đây được xem là vựa lá dong lớn nhất nhì miền Bắc và được mệnh danh là nơi trồng “ngọc xanh” của đất trời.
Đến Tràng Cát vào một ngày mưa phùn, mặc cho tiết trời âm u với cái lạnh của mùa đông miền Bắc, không khí sản xuất nơi đây vẫn nhộn nhịp, vui tươi, bà con đang bước vào những ngày thu hoạch lá dong, rau màu cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đâu đó trong những đám lá dong cao ngang đầu xuất hiện những bóng người lúc ẩn lúc hiện, thoăn thoắt cắt những tàu lá xanh tươi…
Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy và sở dĩ lá dong Tràng Cát được ví như ‘ngọc xanh’ bởi nhờ mạch nước ngầm tinh khiết của dòng sông này, từ xa xưa, lá dong Tràng Cát vừa to, vừa đẹp, cây lại xanh mướt. Loại lá này khi gói bánh chưng luộc lên cho màu xanh cốm đẹp mắt lại thơm ngon. Cũng vì thế mà lá dong của Tràng Cát hiện nay không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được xuất ngoại đến với bà con kiều bào ở nhiều nước trên thế giới. Theo người dân nơi đây, lịch sử ngôi làng đến nay đã được gần 600 năm, người dân bắt đầu trồng lá dong để phục vụ gói bánh chưng Tết hơn 400 năm và có gia đình làm nghề này qua những 5 đời.
Có khoảng 4 sào lá dong, những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Khuyên tất bật từ sáng tới tối để cắt và bó lá cho khách hàng. Mỗi ngày với 2 nhân công, gia đình chị cắt được khoảng 20.000 tàu lá. Lá dong sau khi cắt sẽ được bó lại, mỗi bó khoảng 50 lá và chờ thương lái tới vận chuyển đi. Không giống như cây lúa hay chè có thể thu hoạch bằng máy, lá dong phải được cắt thủ công bằng tay. Thông thường vào những tháng trong năm, bà con thường cắt những lá nhỏ trước, những lá to, dày và đẹp nhất sẽ để dành phục vụ thị trường Tết.
Nhanh tay cắt những tàu lá dong to và đều để kịp giờ giao cho khách hàng, chị Nguyễn Thị Kim Khuyên không giấu nổi niềm vui cho biết, thời tiết năm nay thuận lợi, lá dong Tràng Cát vì thế mà tươi tốt hơn.
Băng bà Nguyễn Thị Kim Khuyên
Cây dong khá dễ trồng, không quá kén chọn, một năm có khoảng 3 đến 4 lần cắt lá. Sau mỗi lần cắt, bà con nơi đây đều tỉ mẩn chăm sóc, tưới nước, bón phân lại cho cây để chờ ra lứa lá tiếp theo. Mỗi sào lá dong, các hộ gia đình ước tính thu được khoảng 20-30 triệu đồng mỗi năm. Và từ lâu, những tàu lá được mệnh danh là ‘ngọc xanh’ này đã giúp bà con Tràng Cát từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị Nguyễn Thị Kim Khuyên khẳng định.
Băng bà Nguyễn Thị Kim Khuyên 2
Dù có những thời điểm khó khăn, giá lá dong bấp bênh hay xuất hiện những cây trồng mới có giá trị cao hơn, song chảy theo dòng chảy của thời gian, người dân Tràng Cát vẫn luôn giữ và mở rộng diện tích trồng lá dong. Đến nay, tổng diện tích trồng lá dong của thôn khoảng hơn 20ha, chủ yếu là trồng trên đất vườn, đất ở của người dân bởi cây dong ưa ẩm, mát nên người dân Tràng Cát thường xen canh dong với nhiều loại cây tán cao trong vườn chứ không trồng tập trung thành ruộng lớn.
Ngay từ đầu tháng Chạp, nhất là độ giữa tháng trở đi, các thương lái đã tìm về Tràng Cát thu mua lá dong để kịp bán tại các chợ Tết. Cứ thế, lá dong Tràng Cát theo chân thương lái đi đến khắp mọi miền của tổ quốc và đi đến cả gian bếp của kiều bào ta ở nước ngoài, sắc xanh của lá dong Tràng Cát làm cho hương vị Tết của mỗi gia đình thêm trọn vẹn. Ông… chủ tịch xã.. tự hào chia sẻ:
Băng CT xã
Vâng thưa quý vị và bà con, mỗi độ Tết đến xuân về, những chiếc bánh chưng xanh gắn với truyền thống lịch sử của dân tộc là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng gia tiên cũng như trên bàn ăn gia đình. Và với sắc xanh cùng mùi thơm đặc trưng, lá dong đã trở thành một phần hồn của món bánh truyền thống, như gói cả phong vị Tết cổ truyền của dân tộc vào trong chiếc bánh nhỏ. Về Tràng Cát những ngày này, không khí Tết dường như đã hiện hữu, những tàu lá dong trải trước mắt một thảm xanh mướt đầy sức sống, bà con nói cười, tất bật cắt, bó lá dong cho kịp chợ, không xa là những ngôi nhà kiên cố, khang trang cho thấy cuộc sống ấm no của bà con nơi đây. Có mặt từ 400 năm trước và được gìn giữ, phát triển với những bí quyết chăm sóc riêng biệt, lá dong Tràng Cát đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ hương vị độc đáo của bánh chưng xanh ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Làng trồng 'ngọc xanh' cho Tết
Thôn Tràng Cát, xã Kim An (Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng lá dong đã có từ 400 năm trước và được mệnh danh là nơi trồng 'ngọc xanh' của đất trời.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Hoa cúc Ninh Giang đã tạo được thương hiệu ở khu vực Nam Trung bộ vì màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn tượng trưng cho sự sum vầy trong ngày Tết.
Từ trồng lúa và rau màu trên đất bãi, Phù Đổng nay đã trở thành vùng sản xuất hoa giấy lớn nhất nhì miền Bắc và tự chủ từ giống gốc tới cây thành phẩm.