Nền tảng phát triển nông nghiệp 'đất Chín Rồng' từ những mô hình thuận thiên

Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, những mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên là giải pháp phù hợp để bảo vệ vựa lúa ĐBSCL.

Kim Anh - Quỳnh Anh  | 09:22 07/08/2024

Nền tảng phát triển nông nghiệp 'đất Chín Rồng' từ những mô hình thuận thiên

Tự động

Nền tảng phát triển nông nghiệp đất 'chín rồng' từ những mô hình thuận thiên

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio

Thưa quý vị và bà con, từ một đất nước đã từng xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực thì nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản, đặc biệt là lúa gạo hàng đầu thế giới. Những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi tư duy sản xuất, hội nhập với xu thế về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thế nhưng, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nông nghiệp Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức từ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự thay đổi đến từ những mô hình sản xuất mới và cả các giải pháp công trình lẫn phi công trình để thích ứng.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, nông nghiệp Việt Nam nổi tiếng với 2 vựa lúa chính, trong đó ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp phần lớn vào việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước và một phần cho thế giới. Vùng đất ‘chín rồng’ của Việt Nam được biết đến là đồng bằng châu thổ màu mỡ với tài nguyên đa dạng và nhiều thuận lợi cho sản xuất lúa nước. Với những tiềm năng đó, so với cả nước, sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL trong những năm gần đây chiếm trên 50%; sản lượng lương thực xuất khẩu chiếm trên 90%, thủy sản và cây ăn trái trên 70%.

Thế nhưng, trong bối cảnh chung của biến đổi khí hậu, ĐBSCL cũng là nơi chịu nhiều tác động của thiên tai nhất cả nước với các loại hình khác nhau và đã gây ra những thiệt hại nặng nề trong thời gian qua. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất từ 300 - 500ha đất do tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Riêng trong mùa khô 2024, gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng cũng khiến nhiều diện tích sản xuất của bà con mất trắng…

Chính vì vậy, trong suốt thời gian dài, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các địa phương và cả người dân trong vùng đã chú trọng trong việc thay đổi cơ cấu sản xuất, phát triển các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ vựa lúa ĐBSCL. Chủ trương hướng nền nông nghiệp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã mở ra cơ hội cho các tỉnh, thành trong khu vực phát triển theo hướng thuận thiên. Từ nền tảng đó, sản xuất thuận thiên đã đem lại hiệu quả thiết thực, có thể kể đến như mô hình lúa - tôm, mô hình tưới ướt khô xen kẽ… giúp nông dân tận dụng chế độ nước mặn, ngọt để canh tác nông nghiệp hiệu quả.

Gần đây nhất, để đưa ra được các giải pháp có tính toàn diện và bền vững nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án “Phòng chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL”. Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Nam, đơn vị được Bộ giao xây dựng chỉ rõ những tác động của đề án này:

Băng

MC 2:

Vâng thưa quý vị, giải pháp thuận thiên là những dự án vừa bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên/hoặc đã bị biến đổi một cách hiệu quả và linh hoạt; giải quyết những thách thức xã hội và tác động của BĐKH; đồng thời cung cấp phúc lợi cho con người và giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học. Trên thực tế đã có một số giải pháp thuận thiên được triển khai góp phần thích ứng với BĐKH như: Bảo tồn rừng để khôi phục đất bạc màu, cung cấp thực phẩm, phòng chống hạn hán và bảo vệ cộng đồng trước những đợt gió mạnh; Khôi phục các đồng bằng và vùng đất ngập nước để giảm tác động của lũ lụt và thúc đẩy nông nghiệp bền vững để phòng hạn hán; Phục hồi rừng ngập mặn và rạn san hô để tạo hàng rào bảo vệ tự nhiên khỏi bão lũ và cung cấp lương thực cho cộng đồng, môi trường sống cho sinh vật biển…

Tại ĐBSCL, cùng với chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp, việc xây dựng những hàng rào chắn sóng, bảo vệ vùng đất, nước và con người cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó phải kể đến những nỗ lực phát triển rừng ngập mặn ven biển của ĐBSCL trong suốt nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục lâm nghiệp, để bảo vệ tốt cho ĐBSCL trước tác động của biến đổi khí hậu, để sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng theo hướng thuận thiên, trong xây dựng đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai ở khu vực này, phát triển Lâm nghiệp với hệ thống rừng ngập mặn cũng là yếu tố quan trọng.

Băng

Cà Mau là một trong những địa phương vùng ĐBSCL chịu sự tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai bất kể mùa nào trong năm. Để ổn định và phát triển, không còn cách nào khác phải sống “thuận thiên”, dựa vào những biến đổi của tự nhiên. Từ đó, địa phương đã hình thành nhiều giải pháp công trình, mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn.

Các mô hình kinh tế dưới tán rừng, đặc biệt là tôm rừng đang phát triển mạnh tại các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi. Mô hình được đánh giá tạo sinh kế bền vững, hiệu quả và gần gũi với tự nhiên, bảo vệ môi trường.

Không chỉ dừng lại ở con tôm và cây rừng, người dân địa phương còn kết hợp nuôi sò, cua… tạo ra những sản phẩm đặc trưng, giảm thiểu rủi ro sản xuất độc canh, gia tăng thu nhập.

Hay đứng trước tác động của xâm nhập mặn vào nội đồng, trong điều kiện hạ tầng thuỷ lợi chưa đảm bảo, mô hình lúa - tôm ra đời là điều tất nhiên để sản xuất “thuận thiên”.

Cái hay của mô hình là sự phù hợp với đặc trưng 2 mùa mưa - nắng, nhất là khi nông dân Cà Mau hoàn toàn dựa vào nguồn nước ngọt ở mùa mưa để sản xuất. Mùa mưa trồng lúa, đến mùa hạn thì nuôi tôm. Ðây là mô hình điển hình trước tác động của biến đổi khí hậu, không riêng Cà Mau mà có mặt tại hầu hết các tỉnh ven biển khu vực ÐBSCL. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết:

Băng

MC 2:

Là một trong những đơn vị liên quan trực tiếp với việc xây dựng và triển khai đề án này, Cục Thủy lợi cũng đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt, tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục Trưởng Cục Thủy lợi cho rằng, đề án “Phòng chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL” là đề án tổng thể nhưng cần được giải quyết từng vấn đề trong từng giai đoạn.

Băng

MC 2:

Trong bối cảnh nền nông nghiệp thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, những yêu cầu về tăng trưởng xanh, giảm phát thải, thân thiện với môi trường là điều mà ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó có vùng trọng điểm ĐBSCL nói riêng, phải thích ứng. Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đã được triển khai để qua đó, đáp ứng yêu cầu về nông nghiệp tuần hoàn, giảm thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa và các dịch vụ sản xuất thương mại liên quan. Và để hướng tới tương lai về 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đề án “Phòng chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL” là trợ lực quan trọng, giúp ĐBSCL bảo vệ được đất, nước và cả con người. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, để nông nghiệp vùng ĐBSCL có thể chuyển đổi hiệu quả, đề án tổng thể cho phòng, chống thiên tai cần đảm bảo giải quyết vấn đề cho từng tiểu vùng sinh thái, phù hợp với nhu cầu canh tác của từng địa phương.

Băng Bộ trưởng.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học lớn và được thiên nhiên ưu ái với nhiều tài nguyên phong thú, nổi bật là những vùng đất phù sa màu mỡ và hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Thế nhưng, bởi nhiều lý do khác nhau, Việt Nam đang phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, ĐBSCL là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tình trạng sụt lún nghiêm trọng và nguồn nước ngọt ngày càng hạn chế. Do đó, những giải pháp canh tác thuận thiên sẽ là nền tảng quan trọng để giải quyết tổng thể những thách thức mà các địa phương nơi đây đang phải đối mặt, bảo vệ vựa lúa lớn nhất cả nước, giúp cuộc sống của bà con và nền nông nghiệp ĐBSCL được bền vững hơn, phục hồi thiên nhiên, dựa vào tự nhiên để tồn tại, phát triển.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động chuyển giao mô hình, phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã luôn quan tâm, khuyến khích và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng các nguồn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng. Từ khi thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi tập quán sản xuất, diện tích sử dụng các loại giống lúa cấp xác nhận đạt từ 85-90% diện tích gieo trồng toàn tỉnh, diện tích gieo sạ hơn 150kg giống giảm mạnh xuống còn từ 100-120kg/ha, trong đó có nhiều mô hình cá biệt từ 80-90kg/ha. Đặc biệt, cơ cấu giống còn phù hợp với từng mùa vụ, chú trọng đến các loại giống chất lượng cao.. Khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nông dân cũng tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, qua đó, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế.

Mc 2: tin 2

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Thời gian qua, trung tâm đã tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. Các hộ dân được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân, tăng hiệu quả đơn vị diện tích trên đồng ruộng. Hiện, toàn thành phố hiện có 2.000ha trồng trọt hữu cơ và 10,1ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại.

MC 1: tin 3

Nhằm giảm thiểu sâu bệnh cho cây trồng và cho ra thị trường các sản phẩm sạch, chất lượng, đầu năm 2024 xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng nhà màng. Sau một thời gian triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu, mở ra triển vọng sản xuất mới. Theo đó, Bình Lư là địa phương phát triển nông nghiệp mạnh của huyện Tam Đường, đa dạng về chủng loại cây trồng, người dân nơi đây cũng mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất nông nghiệp bằng nhà màng, đến nay trên địa bàn xã Bình Lư đã có 6 hộ gia đình chuyển sang áp dụng mô hình này và thành lập Tổ hợp tác “Sản xuất rau VietGAP Tân Bình”, với diện tích gần 7.000m2 nhà màng.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Nền tảng phát triển nông nghiệp 'đất Chín Rồng' từ những mô hình thuận thiên

Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, những mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên là giải pháp phù hợp để bảo vệ vựa lúa ĐBSCL.

Kim Anh - Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề dệt thổ cẩm
Phóng sự

Người Bana tại nhiều ngôi làng của tỉnh Kon Tum đã cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các giá trị bản địa.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề dệt thổ cẩm
Hàng vạn quả bưởi Soi Hà đã lên đường sang Anh quốc
Phóng sự

Đây cũng mở ra cơ hội lớn giúp nâng cao giá trị và thương hiệu của giống bưởi Soi Hà, loại bưởi đặc sản thơm ngon số 1 xứ Tuyên.

Hàng vạn quả bưởi Soi Hà đã lên đường sang Anh quốc