Người Hải Dương thoát khỏi tư duy manh mún
Người Tứ Kỳ nói riêng và người Hải Dương nói chung đã dũng cảm bước ra khỏi cách nghĩ quen thuộc, cách tư duy truyền thống khi làm nông...
Lê Minh Hoan | 16:16 25/06/2022
Lần giở trang sách cũ, thấy người xưa nói Hà Nội là xứ kinh kỳ, là trung tâm vùng đồng bằng Bắc bộ. Bao quanh trung tâm là 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Và ở xứ Đông đó có một địa danh gắn với chữ “tứ”, đó là Tứ Kỳ, nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình. Theo tra cứu từ nguyên, Tứ Kỳ theo âm Hán - Việt có nghĩa là “4 đường rẽ (ngã rẽ)”. Thực hư ra sao, chắc những nhà địa danh học mới tường tận hơn.
Một buổi sáng đầu tuần tháng 6, được về Tứ Kỳ, cùng “ra đồng” với bà con nông dân thu hoạch vụ “lúa - rươi” đầu mùa. Tiếp nối ngày hội thu hoạch cà rốt ở Cẩm Giàng cách đây 4 tháng, Hải Dương tổ chức sự kiện trải nghiệm sản xuất, gắn bó với đồng quê nông thôn, thông qua các hoạt động đa dạng khi vào vụ mùa thu hoạch.
Trên con đường đê yên bình, một sự kiện nhỏ, lại chứa đựng thật nhiều ý nghĩa. Đó là kích hoạt sự năng động cho cuộc sống làng quê, giới thiệu, quảng bá cách làm nông nghiệp bài bản, chỉn chu với du khách gần xa. Cảm xúc biết bao khi nhìn ngắm những ruộng lúa trĩu bông đang vào vụ thu hoạch, bên dưới là rươi, là cáy. Cảm xúc biết bao khi được hoà mình vào một lễ hội bình dị, vui tươi, mà không kém phần độc đáo. Một không gian thật gần gũi, chan hoà giữa người với người, bừng lên sức sống mới, luồng gió mới, với cách làm nông nghiệp hướng tới “đa tầng”, “đa giá trị” của người Tứ Kỳ, như trong những câu thông điệp nhẹ nhàng, súc tích, điểm xuyết dọc đường đê.
“Đa tầng, đa giá trị” và triết lý nông nghiệp “vị nhân sinh”, như lời phát biểu mở hội của lãnh đạo huyện, là điều mang đến rất nhiều ý nghĩa, nhiều chiều sâu không dễ nhận ra. Sẽ có ý kiến cho rằng, làm nông là để thu hoạch sản lượng nhiều nhất, mang lại thu nhập cao nhất, thì có gì mà cao xa đâu mà cần đến triết lý, phương châm.
Nhưng người Tứ Kỳ nói riêng và người Hải Dương nói chung đã dũng cảm bước ra khỏi cách nghĩ quen thuộc, cách tư duy truyền thống đó. Đi theo đường cũ nhiều người đã đi, thì dễ. Mở ra con đường mới, để hướng đến mục tiêu mới, cần sự kiên trì và quyết tâm. Người Cẩm Giàng, người Thanh Hà, người Kinh Môn hôm qua và người Tứ Kỳ hôm nay dám chấp nhận thử thách, để tạo nên sự khác biệt.
Chọn một hướng đi, cũng giống như người Tứ Kỳ đứng giữa “4 ngã rẽ con đường”. Người Tứ Kỳ không ngã bên trái, không nghiêng bên phải, và chắc chắn càng không muốn tụt lại phía sau. Người Tứ Kỳ chọn tiến lên phía trước, theo cách riêng của mình. Từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ tăng trưởng dựa trên “đơn giá trị” sang tích hợp “đa giá trị” và cộng với mô hình sản xuất “đa tầng” là chặng đường tìm tòi, khám phá những giá trị gắn bó với mảnh đất quê mình.
Thì đó, tầng đầu là đất đai, thổ nhưỡng giàu chất dinh dưỡng nhờ con rươi, con cáy, tầng kế đến là cây lúa trĩu hạt, chất lượng cao, tầng tiếp theo là các hoạt động trải nghiệm đồng quê sinh động. Theo tính toán của bà con nông dân, nhờ mô hình kinh tế “đa tầng”, thu nhập trên một đơn vị diện tích đã tăng lên năm, bảy lần và còn có thể cao hơn.
Và chắc chắn rằng, giá trị gia tăng từ “đa tầng”, “đa giá trị” đâu chỉ dừng lại đó. Ngoài tầng doanh thu, lợi nhuận kinh tế hữu hình, còn những tầng lợi ích, giá trị vô hình. Tài nguyên bản địa độc đáo, cùng với văn hoá, lịch sử địa phương và kết cấu cộng đồng xã hội nông thôn, sẽ kết tinh thành nhiều tầng giá trị hơn nữa.
Nhiều người hay than phiền: “Địa phương tôi chẳng có gì!”, và từ đó, đôi khi cứ tìm kiếm cái mình không có. Nhưng ngày nay, người ta phát hiện ra rằng, mỗi địa phương đều có “ba nguồn lực”: “nguồn lực từ thiên nhiên” ban tặng như đất đai trù phú hay cảnh quan xinh đẹp; “nguồn lực mềm” như văn hoá đa dạng, kinh nghiệm dân gian và tri thức bản địa, truyền thống lịch sử; “nguồn lực con người” đậm tính cá nhân như ý tưởng, ý chí, tinh thần, ước mơ,… Trong ba nguồn lực đó, có những sức mạnh “phát lộ” nhìn thấy được, nhưng có những sức mạnh cần phải liên tục “đào xới”, “vun trồng” để làm bật lên những điều tiềm ẩn vô hình nhưng chính là những tầng giá trị cao nhất.
Qua quan sát, người ta đúc rút ra một điều rằng, ngày nay, người tiêu dùng không đơn thuần tìm mua sản phẩm hữu hình, mà quan tâm, ấn tượng, cảm xúc nhiều hơn về câu chuyện kể ghi nhận quá trình tạo nên sản phẩm từ ba nguồn lực đó. Và người Hải Dương đang bắt đầu kể những câu chuyện về quả vải, củ hành, củ tỏi, củ cà rốt và hôm nay về cây lúa, con rươi, con cáy, gắn với những giá trị tiềm ẩn đó. Người Hải Dương kiên trì, chăm chút cùng nhau tạo nên giá trị tăng thêm từ những điều vô hình, những điều ít được quan tâm, những điều dễ bị lướt qua.
Chuyện kể rằng, người Hải Dương biến những mảnh đất nhỏ thành những cánh đồng lớn nhờ thoát khỏi tư duy manh mún. Chuyện kể rằng, người Tứ Kỳ biến đặc điểm riêng có của mình, thành lợi thế so sánh, chứ không tự bằng lòng với cách làm nông truyền thống bao đời, vốn không còn phù hợp với xu thế thay đổi không ngừng. Chuyện kể rằng, người Tứ Kỳ đang xây dựng thương hiệu nông sản của mình qua triết lý “nông nghiệp vị nhân sinh”, vì sự sống con người, thân thiện với môi trường, tự nhiên.
Về dự ngày hội ở Tứ Kỳ, còn có những chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý,... Mọi người vừa khám phá, vừa chung vui với người Tứ Kỳ. Doanh nghiệp về với Tứ Kỳ để kết nối đưa nông sản đi xa. Mong rằng, doanh nghiệp về làng, không chỉ dừng lại ở chuyện “thuận mua, vừa bán” đơn thuần, mà hãy cùng với bà con nông dân tạo ra giá trị cao nhất cho sản phẩm bằng những tầng giá trị gắn kết từ những điều còn tiềm ẩn. Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bắt đầu từ những người nông dân, nhưng cần đến vai trò đồng hành, định hướng của doanh nghiệp, cũng như sự chung tay đóng góp của toàn hệ sinh thái.
Một nhà kinh tế nổi tiếng chia sẻ rằng, khi bạn chỉ nhìn vào một giá trị duy nhất, bạn đã bỏ qua nhiều giá trị ẩn đằng sau, mà đôi khi còn có giá trị nhiều lần hơn, giá trị ban đang nhìn thấy. Người Hải Dương đang đi tìm những giá trị vô hình đó để tích hợp “đa tầng, đa giá trị” cho từng nông sản của người nông dân, từng sản phẩm của doanh nghiệp. Người Hải Dương chứng minh rằng “Vấn đề không phải ở chỗ bạn có thể làm hay không, mà chính là bạn có làm hay không”. Và người Hải Dương đang bắt tay làm, cùng nhau làm. Lại có câu: “Vấn đề không phải là bạn có thể làm, quan trọng là bạn đã làm”. Và người Hải Dương đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm.
Cám ơn Hải Dương, cám ơn xứ Đông, một buổi sáng trong lành, bên ruộng lúa rươi Tứ Kỳ, mọi người nô nức, gửi gieo nhiều cảm xúc phấn khởi. Đường đê như rộn vang tiếng hát “ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng”.
Người Hải Dương thoát khỏi tư duy manh mún
Người Tứ Kỳ nói riêng và người Hải Dương nói chung đã dũng cảm bước ra khỏi cách nghĩ quen thuộc, cách tư duy truyền thống khi làm nông...
Lê Minh Hoan
Tin liên quan
Các chương trình
Tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm; Hơn 2 ngày khống chế cháy rừng ở Sin Suối Hồ; Hồ chứa 'no nước' khi bước vào mùa khô.
Trước khi đợt rét đậm, rét hại quay trở lại, miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi gió Đông Nam mang nhiều hơi ẩm, gây nên hiện tượng sương mù vào sáng sớm.