| Hotline: 0983.970.780

Chính trị

Câu chuyện Hải Dương

Câu chuyện Hải Dương

Hải Dương không xem nông nghiệp như một ngành sản xuất, mà là một ngành kinh tế, theo đuổi tạo ra giá trị tăng thêm, bên cạnh việc quan tâm đến sản lượng, năng suất.

Mỗi khi đến với một địa danh, mọi người thường tìm hiểu gốc tích, ý nghĩa, cũng giống như lời hỏi han tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp những người bạn lần đầu gặp gỡ. Nhờ đó, biết đâu hôm nay còn là khách lạ, rồi ngày mai lại trở thành người nhà.

Hôm nay chỉ là “sơ”, chỉ vừa biết nhau, rồi một ngày nào đó lại trở thành “thân”. Về thăm Hải Dương nhiều lần, nhưng chưa có dịp tìm hiểu danh xưng Hải Dương có từ thuở nào, có ý nghĩa gì, có chuyện xưa tích cũ nào gắn với tên gọi thân thương này không? Vậy là bắt đầu hành trình tìm kiếm về địa danh Hải Dương, con người Hải Dương.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Bộ Công thương, UBND tỉnh Hải Dương thăm vườn vải mẫu chuẩn bị thu hái, xuất khẩu tại Hải Dương vào ngày 18/5/2022. Ảnh: Chí Tuệ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Bộ Công thương, UBND tỉnh Hải Dương thăm vườn vải mẫu chuẩn bị thu hái, xuất khẩu tại Hải Dương vào ngày 18/5/2022. Ảnh: Chí Tuệ.

Không biết, thì cứ hỏi "ông thầy" Google. À đây rồi, trang Wikipedia giải thích: “Tên gọi Hải Dương chính thức có từ năm 1469. Hải là biển. Dương là ánh sáng, ánh mặt trời. Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng Đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy, Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời Biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”. Nhưng Hải Dương đâu có biển? Đó là do sau khi chia cắt một số huyện ven biển để thành lập thành phố Hải Phòng, thì Hải Dương không còn giáp biển nữa.

Truyền thống lịch sử, văn hoá địa phương là cội nguồn, là hồn cốt trong mỗi người. Quê hương - địa danh khiến người cùng làng, cùng xóm như có sợi dây vô hình nối kết với nhau, dù xa cách về khoảng cách địa lý, dù khác biệt về vị trí xã hội.

Vì vậy, mới có hội đồng hương, hội của những người cùng quê hương. Con người sống đâu chỉ cần đến cái ăn cái mặc, ngôi nhà che nắng che mưa. Con người sống còn cần đến nhiều điều vô hình: tình cảm, mối quan hệ, niềm tự hào…

Trong bộn bề cuộc sống, đôi khi ta chỉ nhìn thấy những gì có thể nhìn thấy được. Nhưng có những điều không nhìn thấy được, mà chỉ cảm nhận được. Con người còn có cảm xúc, một đặc ân của tạo hoá trao tặng. Cảm xúc cũng có phần tích cực, phần tiêu cực. Có người luôn có cảm xúc tích cực dạt dào, sống lạc quan, hài hoà với mọi người. Có người luôn đeo đẳng cảm xúc tiêu cực, sống bi quan, biệt lập một mình, chỉ biết đến mình. Đôi khi trong một người lại đan xen cả hai cảm xúc, khi thì tích cực, khi khác lại tiêu cực.

Con người sống đâu chỉ cần đến cái ăn cái mặc, ngôi nhà che nắng che mưa. Con người sống còn cần đến nhiều điều vô hình: tình cảm, mối quan hệ, niềm tự hào…

 

 

Huyền tích kể rằng, đời vua Mai Hắc Đế, thế kỷ thứ 8, cây vải được chuyển đến trồng ở vùng Hồng Châu (Hải Dương). Vùng Thanh Hà với thổ nhưỡng được bồi đắp bởi dòng sông Hồng và sông Thái Bình, hay lụt lội nhưng giàu phù sa. Được kết tinh từ phù sa hai dòng sông, cùng với sự cần mẫn của con người, vùng đất nơi đây đã cho ra trái vải ngọt thơm, quý hiếm được đặt tên “Phi tử tiếu” - “nụ cười Dương Phi”. Huyền tích đó có thể đã được lịch sử lưu truyền lại, cũng có thể là những câu chuyện dân gian, nhưng đã làm nên thương hiệu không chỉ cho trái vải mà cho cả mảnh đất và con người Hải Dương, thương hiệu Hải Dương.

Để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, người ta nghĩ đến thương hiệu sản phẩm. Từ thương hiệu sản phẩm, người ta tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp, tổ chức, góp phần tạo dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu quốc gia.

Thương hiệu địa phương được tập hợp từ những câu chuyện kể từ quá khứ cho đến hiện tại và những thông điệp về viễn cảnh tương lai của địa phương đó. Những câu chuyện kể đánh thức cảm xúc và từ cảm xúc đó sẽ thu hút du khách đến viếng thăm, trải nghiệm, mua sản phẩm, kinh doanh, hoặc thậm chí chọn là nơi sinh sống, gắn bó tình cảm như quê hương thứ hai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan xem sản phẩm OCOP đăng ký 5 sao bánh đậu xanh của Hải Dương. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan xem sản phẩm OCOP đăng ký 5 sao bánh đậu xanh của Hải Dương. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương tạo nhiều bất ngờ, ấn tượng với khách dự về sự chỉn chu, chuyên nghiệp. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã có bước tiến dài, đáng để những người khởi tạo tự hào, khách phương xa thán phục. Những sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu trang trọng trên các gian hàng trưng bày, từ rau củ quả tươi xanh, bắt mắt cho đến những sản phẩm OCOP phong phú.

Sản phẩm đa dạng, thiết kế, bao bì, mẫu mã độc đáo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương tự tin hiện diện trên các sàn thương mại điện tử, trên các kệ hàng sang trọng trong các trung tâm thương mại hiện đại.

Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương tự hào vượt trùng khơi, tiến vào các thị trường khó tính nhất. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương, từ làng nghề truyền thống, được chế biến, được chăm chút nhờ bàn tay, khối óc, từng bước vươn mình, đại diện cho thương hiệu mảnh đất, con người Hải Dương.

Vậy là thương hiệu Hải Dương được kết tinh từ sản phẩm của làng quê, từ tâm huyết của người nông dân. Người Hải Dương đã không xem nông nghiệp như một ngành sản xuất, mà là một ngành kinh tế, theo đuổi tạo ra giá trị tăng thêm, bên cạnh việc quan tâm đến sản lượng, năng suất. Những sản phẩm gắn liền với những địa danh hào hùng vốn hiện hữu trong tiềm thức của bao thế hệ: Thanh Hà, Bạch Đằng, Kinh Môn, Chí Linh, Côn Sơn, Kiếp Bạc, sông Kinh Thầy…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ấn tượng với các nông sản Hải Dương. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ấn tượng với các nông sản Hải Dương. Ảnh: Tùng Đinh.

Tạo dựng thương hiệu địa phương là cả một hành trình với sự đóng góp của bao thế hệ người Hải Dương. Thương hiệu đã nhận được sự tin yêu, và để thương hiệu bay cao, vươn xa, cần đến sự dày công chăm chút tỉ mẩn, tinh tế, để vừa luôn mới mẻ, vừa phù hợp với xu thế thời đại. Tài hoa và khát vọng con người kết tinh thành giá trị cho Hải Dương.

Muốn bay cao, vươn xa, câu chuyện tạo dựng thương hiệu phải hằn sâu vào nếp nghĩ, vào mối lưu tâm thường nhật của người Hải Dương. Sự tự hào của người Hải Dương về thương hiệu Hải Dương sẽ khơi gợi tâm thức của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.

Những sự kiện văn hoá lịch sử, những ngày hội làng xuống giống đầu vụ, thu hoạch cuối vụ sẽ kích hoạt sự năng động của làng quê nông thôn. Một làng quê bừng sáng, giàu sức sống sẽ thu hút khách phương xa đến khám phá, trải nghiệm.

Muốn bay cao, vươn xa, câu chuyện tạo dựng thương hiệu phải hằn sâu vào nếp nghĩ, vào mối lưu tâm thường nhật của người Hải Dương.

 

 

Giá trị một sản phẩm nếu biết cách tạo lập sẽ vượt nhiều lần giá cả của sản phẩm đó. Giá trị một sản phẩm được tạo nên từ thương hiệu sản phẩm gắn với thương hiệu địa phương. Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm đến giá trị, chứ không chỉ chú ý về giá cả. Giá trị sản phẩm, giá trị dịch vụ là sự kết tinh từ tài nguyên bản địa, tinh hoa văn hoá và sự sáng tạo của con người.

Chào tạm biệt Hải Dương, lòng vẫn vấn vương những câu thơ: “Hạt gạo làng ta. Có vị phù sa của sông Kinh Thầy. Có hương sen thơm trong hồ nước đầy. Có lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay”. Những câu thơ mộc mạc đã tích hợp giá trị hữu hình là hạt gạo, hương sen, vị phù sa với giá trị vô hình là câu hát, là tình cảm thân thương của người mẹ.

Khi hạt gạo thấm đượm tình cảm “làng ta” thân thương, gắn kết với địa danh sông Kinh Thầy, chuyển tải tấm lòng nâng niu, trân quý của vùng đất hào sảng và con người nghĩa tình, giá trị sâu sắc sẽ được lan toả. Tự hào giá trị “Hải Dương - Ánh mặt trời Biển Đông”!

Lê Minh Hoan
Xem thêm

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm