Những bản làng vươn tầm quốc tế

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang bắt đầu lan rộng và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng quê Việt Nam. Trong đó, nhiều mô hình đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách nước ngoài và được các tổ chức quốc tế công nhận.

Quỳnh Anh  | 10:40 31/10/2023

Những bản làng vươn tầm quốc tế

Tự động

Những bản làng vươn tầm quốc tế

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Tầm nhìn nông nghiệp.

Thưa quý vị và bà con, trong hành hình thực hiện các chiến lược phát triển để hội nhập với thế giới, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn luôn đề cao vai trò và giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. Và để vừa phát triển bắt kịp với nhịp sống hiện đại lại vừa giữ gìn, phát huy tốt những nét đẹp đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn được xem là mắt xích quan trọng. Hình thức du lịch này đang bắt đầu lan rộng ở các vùng quê nước ta và trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn. Không những vậy, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhiều bản làng của Việt Nam đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách nước ngoài và được các tổ chức quốc tế công nhận.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, trong những minh chứng về giá trị, vai trò quan trọng của việc gắn kết cộng đồng trong phát triển kinh tế, vừa hội nhập với xu thế hiện đại vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - Xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên là một mô hình đã và đang gặt hái được thành công lớn.

Từ mục đích ban đầu xây dựng với mong muốn bảo tồn, giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống cùng văn hóa nhà sàn của dân tộc Tày, năm 2011, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chính thức đi vào hoạt động du lịch. Đến nay, bản làng này trở thành ngôi nhà chung của hàng chục gia đình với hơn 150 người thuộc các dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Sán Chay, Kinh,... Tại đây, họ tự bảo tồn trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đúng quy trình đặc trưng của dân tộc Tày, nhằm duy trì nguồn thực phẩm sạch và không gây tác động đến môi trường. Bản làng đã tạo dựng được quần thể với 30 ngôi nhà sàn, phục dựng gần như nguyên bản những cốt nhà cũ từ vùng An toàn khu Định Hóa. Đặc biệt, nơi đây có cả một cộng đồng sinh sống trong sắc áo chàm, nghề truyền thống, lễ hội, các trò chơi dân gian, có những gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải – người đặt nền móng đầu tiên xây dựng nên Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chia sẻ, ý tưởng làm du lịch cộng đồng đến với bà từ khoảng 20 năm trước, khi người Tày vẫn còn đó nhưng trang phục và những ngôi nhà sàn không còn giữ được hồn cốt như xưa. Bà âm thầm lặn lội làm công việc mà nhiều người nói là “lấy muối bỏ biển”, chắt chiu tài sản cá nhân mua lại những ngôi nhà sàn, sưu tầm hiện vật, sưu tầm vốn văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một hoặc thất truyền. Trời không phụ lòng, ban đầu có một vài người, sau một vài nhà, chẳng mấy mà được cả một làng và đến nay là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã 4 lần được vinh dự đón nhận giải thưởng Du lịch ASEAN.

Bằng kinh nghiệm của mình, bằng sự thấu hiểu về mong muốn của người nông dân khi làm du lịch cộng đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ:

Băng bà Nguyễn Thị Thanh Hải

MC 2:

Từ những đồi chè xanh mát với văn hóa truyền thống của người Tày, Nông nghiệp Radio mời quý vị cùng đến với cực Bắc của Tổ quốc, nơi không chỉ giữ gìn biên cương mà còn là cái nôi bảo tồn những nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Với những thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, tính nguyên sơ, bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội, được bảo tồn lưu giữ, những năm qua, Hà Giang đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch, bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng tiềm năng. Hiện nay, toàn tỉnh có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng được xác định và có 16 làng văn hóa được UBND tỉnh Hà Giang công nhận đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách. Mỗi bản làng đều có đặc thù riêng nhưng tinh thần chung là du lịch cộng đồng xung quanh các sản phẩm OCOP, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số. Nhờ đó mà những bản người Mông, thửa ruộng bậc thang, rừng thông hay mỗi cánh đồng tam giác mạch nơi đây luôn nhộn nhịp du khách trong và ngoài nước tới thăm. Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ:

Băng ông Hoàng Gia Long

MC 2:

Nhắc tới những mô hình có sự tham gia của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh những HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản, những mô hình du lịch cộng đồng mang đậm nét đặc trưng văn hóa Việt Nam, còn phải kể đến hoạt động sôi nổi của các Hiệp hội, Hội quán.

Được thành lập vào năm 2016 trên tinh thần tự nguyện, tự gắn kết để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và mua bán sản phẩm với nhau cùng các lĩnh vực khác trong cuộc sống, Minh Tâm hội quán xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã khẳng định được vai trò của mình trong việc tập hợp nông dân cùng nhau bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, xử lý xoài hữu cơ, nghịch vụ, cách phòng trừ sâu bệnh trên vườn xoài, nhất là áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, cùng hỗ trợ nhau nhiều mặt trong đời sống,... Theo Ông Trần Phú Hậu, thành viên Minh Tâm hội quán xã Mỹ Xương, Hội quán đã nhiều lần chuyển giao khoa học đến nông dân, giới thiệu những giải pháp để tổ chức sản xuất hiệu quả gắn với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Băng ông Trần Phú Hậu

MC 1:

Vâng thưa quý vị và bà con, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Hà Giang hay câu chuyện liên kết giúp đỡ sản xuất của Minh Tâm hội quán tại Đồng Tháp chỉ là một số ít những mô hình thành công trong việc phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đưa hình ảnh của những làng quê Việt Nam đến gần với bạn bè quốc tế. Mỗi tỉnh, thành, mỗi dân tộc, vùng miền trải dài trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta đều có những đặc điểm nổi bật, đã tạo nên bức tranh văn hóa đa màu sắc. Và trong tương lai, chúng ta cùng tin rằng với truyền thống đoàn kết, sự đồng hành của các đơn vị quản lý nhà nước, sự trợ lực từ các tổ chức quốc tế, bản đồ văn hóa Việt Nam sẽ ngày càng đa dạng phong phú, kinh tế của bà con sẽ ngày càng phát triển và mỗi miền quê Việt Nam đều là một miền quê đáng sống.

MC 2:

Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp.

MC 1:

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng cho các dự án xanh đạt giá trị tương đương hơn 21 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng gần 13% so với cuối năm 2021. Thực tế, những năm qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Riêng trong lĩnh vực trồng lúa, các dự án trồng lúa các-bon thấp cũng được dự kiến sẽ triển khai trên diện rộng thông qua Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, nông nghiệp hiện là một trong những lĩnh vực có nhu cầu lớn về nguồn tín dụng xanh.

MC 2: tin 2

Hướng đến mục tiêu thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, bên cạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, xây dựng không gian xanh trong lòng đô thị, TP. Pleiku tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch. Không những nâng cao giá trị kinh tế, sản xuất nông nghiệp sạch còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân. Trong năm 2022, thành phố đã đầu tư khoảng 1,9 tỷ đồng triển khai một số dự án nông nghiệp công nghệ cao như, đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng thực hiện 4 mô hình áp dụng đồng bộ nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư xây dựng 2 kho lạnh bảo quản củ lay ơn giống nhằm cung cấp cho nhu cầu sản xuất của người dân…

MC 1: tin 3

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xanh hóa các ngành kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thực hiện đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững. Xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp môi trường, thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp - văn minh. Đến năm 2030, 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, 60 - 80% tỷ lệ nước thải sinh hoạt của các đô thị được thu gom, xử lý,  tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt từ 65% trở lên…

MC 1:

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Tầm nhìn nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Những bản làng vươn tầm quốc tế

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang bắt đầu lan rộng và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng quê Việt Nam. Trong đó, nhiều mô hình đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách nước ngoài và được các tổ chức quốc tế công nhận.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM
Thời sự

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM
Thời tiết nông vụ ngày 20/12/2024: Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống miền Bắc
Thời sự

Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 20/12/2024: Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống miền Bắc