Những vườn keo lai đang lụi tàn
Những năm qua, keo là loại cây có vai trò không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương vùng núi của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, hệ lụy của việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch và ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đang khiến những vườn keo lai tại địa phương này gặp thách thức lớn, đứng trước nguy cơ lụi tàn.
Lê Khánh | 09:39 21/07/2023
Những vườn keo lai đang lụi tàn
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển Lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con! Những năm qua, cây keo là loại cây có vai trò không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương vùng núi của tỉnh Quảng Ngãi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ. Thế nhưng, thực tế hiện nay đang cho thấy hiệu quả của loại cây này đang có dấu hiệu bị suy giảm. Đây là hệ lụy của việc phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch. Cùng với đó, ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh cũng đang khiến cho người trồng keo ở tỉnh này gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức. Ghi nhận của phóng viên Lê Khánh tại Quảng Ngãi.
Nhạc nền:
MC 2: Cầm chiếc dao phát rừng tự tay mình chặt bỏ những câykeo còn sót lại trên cả vạt rừng, ông Đinh Văn Biểu, trú xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi không khỏi sót xa. Trên diện tích gần 10.000m2 đất rừng sản xuất. 2 năm trước, ông dành tất cả vốn liếng để đầu tư trồng keo. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, vườn keo của gia đình ông bất ngờ bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt, thiệt hại hơn 40% nhưng không có cách nào để cứu chữa. Keo còn nhỏ nên cũng không thu hoạch, vớt vát được gì.
Băng 1: Ông Đinh Văn Biểu
Cỡ 2 năm bắt đầu nó chết, còn nhỏ. Ban đầu mình trồng thì không sao, nó lên xinh lắm nhưng khi nó được khoảng 2 tuổi mới bị chết, bị nấm, ra đen rồi chết trụi. Giờ cũng không thu hoạch được vì keo chỉ nhỏ bằng cổ tay. Cái đó không biết bị gì, không riêng gì của nhà tôi mà của ai cũng bị hết, rất nhiều.
MC 2: Qua quá trình lấy mẫu kiểm tra, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi xác định, nguyên nhân gây ra bệnh keo chết hàng loạt ở các địa phương trong tỉnh là do nhiễm nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp. Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, ngoài nguyên nhân do nấm bệnh thì nguyên nhân sâu xa khác là do cách canh tác của người dân chưa đúng kỹ thuật. Cùng với đó việc việc người dân sử dụng giống thoái hóa, giống không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng cũng dẫn đến tình trạng keo bị bệnh, từ đó suy giảm giá trị rừng trồng. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết:
Băng 2: Nguyễn Thế Vĩnh
Vừa rồi Sở NN-PTNT cũng đã làm việc với phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ các địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống kê rà soát hết lại, sắp tới xin chủ trương để in ấn tờ rơi tuyên truyền, chọn giống sạch bệnh và chỉ mua ở các cơ sở được cấp phép; đẩy mạnh công tác quản lý giống, trồng đúng mật độ. Những vùng bị bệnh rồi thì khuyến cáo người dân chặt, thu gom tiêu hủy, không vận chuyển đi nơi khác tránh phát tán bệnh. Còn giải pháp lâu dài thì chọn những vùng có lập địa phù hợp có thể luân canh các cây trồng khác.
MC 2: Đối với cây keo, giống là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Thực tế ở tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, việc cải thiện chất lượng nguồn giống đã góp phần tăng năng suất trung bình của rừng trồng keo từ 10m3/ha/năm lên 17 - 19m3/ha/năm, nhất là loại keo giâm hom.
Ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận rằng, tại tỉnh này, phần lớn người dân tham gia trồng rừng bằng cây keo chưa chú trọng chăm sóc nuôi dưỡng, mà chỉ quan tâm đến chu kỳ khai thác từ 3 đến 5 năm để bán nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm. Cùng với đó, theo tập quán của người dân địa phương hiện nay vẫn canh tác keo với mật độ quá dày. Đa số các chủ rừng đều trồng với mật độ khoảng 5.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 8.000 cây/ha. Trong khi mật độ khuyến cáo chỉ từ 1.500 – 2.000 cây/ha hoặc cao nhất là 2.500 cây/ha. Điều này dẫn đến chất lượng gỗ không đảm bảo, giá trị của rừng trồng rất thấp, bình quân chỉ đạt từ 60 - 80 triệu đồng/ha, dẫn đến thu nhập cũng chỉ từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.
Băng 3: Phạm Duy Hưng
Nói về định hướng của tỉnh cũng vừa định hướng của ngành về keo nguyên liệu luật quy định các chủ rừng được giao đất người ta có đầy đủ quyền để tự định đoạt. Với phương diện quản lý nhà nước chỉ nằm trong phần tuyên truyền, khuyến khích. Phương án dài lâu là kêu gọi doanh nghiệp vào để liên kết với các chủ rừng thành chuỗi để từ từ thay đổi chứ tập quán của người ta lâu nay là họ trồng rất dày để bán gỗ. Đó vẫn là nguyên liệu nhưng nguyên liệu này chủ yếu chỉ phục vụ cho băm dăm thôi.
MC 1 dẫn kết: Thưa quý vị và bà con! với những khó khăn mà người trồng keo ở Quảng Ngãi đang đối mặt như hiện nay, để ngành keo nguyên liệu phát triển bền vững thì ngành chức năng tỉnh này cần sớm đưa ra những giải pháp đúng hướng, thiết thực. Cùng với sự đồng thuận của người dân trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ sẽ từng bước nâng cao được giá trị rừng trồng. Từ đó giúp bà con gia tăng hiệu quả kinh tế, thoát nghèo bền vững trong thời gian đến.
Nhạc
MC 2: Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp vừa diễn ra.
MC 1:
Mới đây, 1 con voi chết vừa được người dân phát hiện tại khu vực rừng tiểu khu 33, Khe Bùn, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Khu vực voi chết thuộc rừng sản xuất do Công ty TNHH Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý. Lãnh đạo Công ty cho biết, thời điểm phát hiện, con voi đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối, rất khó nhận dạng các bộ phận. Việc tiếp cận xác voi cũng gặp nhiều khó khăn, do bên cạnh còn có những con voi khác rất hung dữ. Đàn voi này có 4 con, qua nhận định ban đầu một trong số này chết do tuổi già. Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an vào hiện trường để tiếp cận xử lý và tìm nguyên nhân voi chết.
MC 2:
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 11 vụ khai thác rừng và 8 vụ phá rừng. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý các vụ việc theo quy định. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 65 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Qua xử lý, các đơn vị đã tịch thu gần 24m3 gỗ tròn, gần 130m3 gỗ xẻ hộp các loại, nhiều kg củi, và 10 xe gắn máy, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 540 triệu đồng.
MC 1:
Theo báo cáo mới đây của ngành chức năng huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2018 – 2022, huyện đã trồng được gần 1.500 ha rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện đến năm 2022 đạt trên 48%. Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này huyện này tiến hành giao rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình quản lý, bảo vệ 1.580 ha. Việc giao đất, giao rừng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng phát triển rừng theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các đơn vị chủ rừng trong thời gian qua được tăng cường, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng giảm.
MC 1: Nội dung vừa rồi cũng kết thúc chương trình Phát triển Lâm nghiệp của Nông nghiệp radio hôm nay. Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con!
Những vườn keo lai đang lụi tàn
Những năm qua, keo là loại cây có vai trò không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương vùng núi của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, hệ lụy của việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch và ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đang khiến những vườn keo lai tại địa phương này gặp thách thức lớn, đứng trước nguy cơ lụi tàn.
Lê Khánh
Tin liên quan
Các chương trình
Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon trong lâm nghiệp; Thịt bò Việt chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu; Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản có thời hạn 2 khu vực.
Không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày hôm nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng.