| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Ruộng khô, lúa héo, sông hồ cạn

Thứ Ba 18/07/2023 , 19:08 (GMT+7)

Tại Nghệ An, nắng nóng kéo dài đang khiến lúa hè thu có nguy cơ bị hạn. Hiện hệ thống các trạm bơm của tỉnh đang hoạt động hết công suất để cứu lúa.

Trạm bơm cấp tập cứu lúa

Thời gian qua, nắng nóng như đổ lửa, lại thêm gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh càng làm tăng mức độ khô nóng, khiến cho nhiều diện tích lúa hè thu ở Nghệ An bị khô hạn nghiêm trọng, nhất là vùng cuối kênh. Đến thời điểm này, đã có gần 2.000ha lúa hè thu bị khô nẻ. Vì vậy các trạm bơm đang phải gồng mình hoạt động hết công suất để chống hạn giúp bà con nông dân cứu lúa.

Trạm bơm nước xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) đang hoạt động hết công suất. 

Trạm bơm nước xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) đang hoạt động hết công suất. 

Tại trạm bơm điện 4AC tại xã Kim Liên (huyện Nam Đàn), máy đang chạy hết công suất cả ngày đêm để đưa nước lên đồng ruộng chống hạn cho cây lúa. Ông Nguyễn Trung Chính – Trạm trưởng trạm bơm 4AC cho biết: Trạm quản lý 10 trạm bơm trong hệ thống, trong đó có 3 máy đạt công suất 3.600m3/giờ.

Hệ thống trạm bơm 4AC bơm tưới cho hơn 1.000ha lúa hè thu ở các xã Kim Liên, Hùng Tiến, Xuân Lâm (huyện Nam Đàn) và một phần xã Hưng Đạo của huyện Hưng Nguyên. Những ngày qua, cả 10 trạm bơm trong hệ thống đều phải hoạt động liên tục từ 18 – 20 giờ/ngày. Toàn bộ cán bộ công nhân viên phân công nhau, một số người túc trực chạy máy, số còn lại bám sát từng con kênh để dồn ép nước vào từng chân ruộng.

Do nắng hạn kéo dài, nguồn nước lấy từ sông Lam chảy qua bara Nam Đàn về kênh đào Hoàng Cầm nguồn nước không ổn định, có khi xuống thấp khiến các máy bơm có khi phải ngừng hoạt động để chờ nước triều lên mới tiếp tục bơm được. Có những ngày nắng nóng như đổ lửa, gió Tây Nam thổi mạnh, nước vừa bơm xong trong buổi sáng, buồi chiều đã khô cạn mặt ruộng.

Hệ thống máy bơm nhiều nơi ở Nghệ An được xây dựng từ rất lâu nên đã cũ kỹ, tốn điện, hoạt động kém. Ảnh: Quang An.

Hệ thống máy bơm nhiều nơi ở Nghệ An được xây dựng từ rất lâu nên đã cũ kỹ, tốn điện, hoạt động kém. Ảnh: Quang An.

Ông Nguyễn Sơn Trà – Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Nam Đàn cho biết: Xí nghiệp có 19 trạm bơm điện nằm dọc sông Lam tưới cho 2.500ha lúa của huyện Nam Đàn. Những ngày qua, anh chị em công nhân đều ăn ở tại trạm để vận hành máy bơm liên tục. Có thời điểm do mực nước sông Lam xuống quá thấp nên công tác bơm gặp nhiều khó khăn, anh em công nhân vận hành máy phải túc trực chờ đợi nước thủy triều dâng lên để bơm tiếp.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Nam Đàn, toàn huyện có trên 100 trạm bơm điện đang hoạt động hết công suất suốt cả ngày đêm để có nước tưới cho 5.400ha lúa hè thu. Do nắng nóng kéo dài nhiều ngày, nguồn nước bơm không ổn định, lại thêm gió Tây Nam hoạt động mạnh nên một số nơi cách xa trạm bơm như các xã Nam Anh, Nam Xuân, Hùng Tiến, Xuân Lâm, Kim Liên… có khoảng 500 – 600ha lúa chắc chắn sẽ khó có đủ nước tưới và nguy cơ lúa bị khô cháy khó tránh khỏi nếu những ngày tới trời không mưa.

Tại huyện lúa Yên Thành, ông Nguyễn Kiên, cụm trưởng cụm thủy nông Đại Thành thuộc Xí nghiệp thủy lợi huyện Yên Thành cho biết, cụm thủy nông Đại Thành có 9 công nhân, có trách nhiệm vận hành 2 trạm bơm tưới nước cho 465ha lúa của 5 xã Đại Thành, Lý Thành, Mỹ Thành, Liên Thành, Minh Thành. Suốt thời gian qua, tất cả anh chị em công nhân thay phiên nhau duy trì vận hành máy hoạt động liên tục 24/24 giờ mới có đủ nước tưới cho cây lúa ở 5 xã nói trên.

Nhiều cánh đồng lúa hè thu ở vùng cuối kênh huyện Nghi Lộc đã khô nẻ đất.

Nhiều cánh đồng lúa hè thu ở vùng cuối kênh huyện Nghi Lộc đã khô nẻ đất.

"Để tưới nước có hiệu quả tốt, chúng tôi thực hiện phương châm vùng cao, vùng xa tưới trước; vùng thấp, vùng gần tưới sau, khi vận hành bơm không để nước tràn kênh gây lãng phí nước, hao tốn điện năng", ông Kiên nói.

Vụ hè thu năm nay Yên Thành gieo cấy 12.800ha lúa. Để chủ động phòng chống hạn xẩy ra nghiêm trọng, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi và các HTX dịch vụ nông nghiệp, các tổ chuyên trách thuỷ nông ở các xã chủ động bơm nước dự trữ vào các ao hồ, đầm đìa, sông cụt, hệ thống kênh mương và chỉ đạo tất cả các xã trong huyện tiến hành nạo vét kênh mương thông suốt, chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm dã chiến để phục vụ chống hạn khi cần thiết.

Chống hạn cứu lúa là nhiệm vụ hàng đầu

Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, việc cung cấp nước tưới cho vụ sản xuất hè thu năm nay chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do nắng nóng và hạn hán xảy ra nghiêm trọng. Trong khi đó, nguồn nước dự trữ ở 1.061 hồ đập và 22 hồ đập thủy điện đều có mực nước xuống thấp hơn so với bất cứ năm nào cùng kỳ này. Đặc biệt hồ thủy điện Bản Vẽ - hồ chứa nước lớn nhất khu vực bắc miền Trung có dung tích thiết kế lên đến 1,81 tỉ m3 nước nhưng hiện mực nước hồ chỉ đạt khoảng 156/155m, cao hơn 1m so với mực nước chết.

Nhiều con sông trên địa bàn Nghệ An mực nước đã xuống rất thấp. Ảnh: Quang An.

Nhiều con sông trên địa bàn Nghệ An mực nước đã xuống rất thấp. Ảnh: Quang An.

Để đảm bảo nước tưới cho vụ sản xuất hè thu, Chi cục Thủy lợi Nghệ An đã phân công cán bộ xuống tận từng xí nghiệp thủy lợi ở các huyện, thành, thị chỉ đạo trên 500 trạm bơm điện do các đơn vị thủy lợi và một số trạm do các HTX quản lý thực hiện hoạt động hết công suất với thời gian 24/24 để giúp bà con nông dân chống hạn, cứu lúa.

Sở NN-PTNT Nghệ An dành cả thời gian này tập trung vào công tác chống hạn, bảo vệ cây trồng, trong đó ưu tiên số 1 là chống hạn cho vụ lúa hè thu hiện nay với tinh thần khẩn trương và quyết liệt cứu lúa, không để lúa chết vì khô hạn.

Sở NN-PTNT đã huy động hầu hết cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật thuộc Văn phòng Sở và cán bộ các chi cục, trung tâm thuộc Sở quản lý về các huyện, thành, thị và các công ty TNHH thủy lợi để kiểm tra tình hình nguồn nước, mức độ hạn hán, khả năng xâm nhập mặn. Từ đó đề ra biện pháp ứng phó và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Trong đó, Sở NN-PTNT Nghệ An đặc biệt lưu ý các biện pháp như: Quản lý tốt nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước từ hồ đập đến kênh mương, phân phối nước tưới hợp lý, tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trên các dòng sông có cửa sông thông ra biển để thông báo kịp thời cho các trạm bơm dừng hoạt động.

Việc lấy nước bơm tưới cho lúa hè thu rất khó khăn do nước sông xuống thấp. Ảnh: Quang An.

Việc lấy nước bơm tưới cho lúa hè thu rất khó khăn do nước sông xuống thấp. Ảnh: Quang An.

Khó khăn lớn nhất đối với hệ thống bơm điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay là có nhiều trạm bơm được xây dựng từ những năm 70, 80, 90 của thế kỷ 20, nay đã xuống cấp, vừa tiêu tốn nhiều điện năng, vừa hoạt động kém hiệu quả.

Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra như hiện nay, khả năng vụ lúa hè thu năm nay ở Nghệ An khó tránh khỏi việc nhiều diện tích bị thiếu nước tưới vào giai đoạn lúa làm đòng từ hạ tuần tháng 7 trở đi, trong khi giai đoạn này cây lúa rất cần nước. Đây là thách thức lớn đang đặt ra cho ngành thủy lợi Nghệ An.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.