Nông nghiệp Lai Châu: Tiếng gọi từ rẻo cao

Trên Quốc lộ 4D, bên cạnh những chiếc xe ca chở du khách thập phương, người ta còn thấy cả những chiếc xe tải chở nguyên vật liệu và mủ cao su, thứ vàng trắng được người dân Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung hun đúc suốt 15 năm qua.

Bảo Thắng  | 12:32 08/05/2023

Nông nghiệp Lai Châu: Tiếng gọi từ rẻo cao

Tự động

Nông nghiệp Lai Châu: Tiếng gọi từ rẻo cao

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Đầu tư nông nghiệp!

Thưa quý vị và bà con!

Lai Châu những ngày đầu tháng Năm, hoa đỗ quyên khoe sắc bên dãy Hoàng Liên. Dọc đường lên đỉnh Pu ta leng, đâu đâu cũng thấy một màu rực rỡ. Dưới chân đồi, những thửa ruộng bậc thang vào mùa nước đổ, sáng lóng lánh như gương. Thảng hoặc, những cuộn khói bốc lên từ một mái nhà liêu xiêu của đồng bào người Thái, người Mông, báo hiệu một mùa vụ mới lại về. Và từ độ 6 7 năm nay, tháng Năm còn là giai đoạn bắt đầu cho một vụ cạo mủ cao su mới tại Tây Bắc. Ở bên những miệng cạo được bôi mỡ vào cuối tháng Giêng, công nhân các Công ty Lai châu 1 2, lại thì thầm những lời chúc cho một vụ thu hoạch mới bội thu.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, tháng Năm này, Lai Châu vẫn nhộn nhịp đón khách du lịch, Quốc lộ 4D dài gần 100 km kéo từ thành phố Lào Cai, vắt qua đèo Ô Quy Hồ nườm nượp người xe. Bên cạnh những chiếc xe ca chở du khách thập phương, người ta còn thấy cả những chiếc xe tải chở nguyên vật liệu và mủ cao su, thứ vàng trắng được người dân Lai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc hun đúc suốt 15 năm qua.

Là người tham gia làm cao su nhiều năm, chị Điêu Thị Hoài, công nhân người Thái ở bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ vừa cất xong căn nhà mới. Với đồng bào người Thái, xây nhà là một chuyện lớn. Người thường phải mất 4,5 năm, thậm chí cả chục năm lặn lội, nhưng chị Hoài, tính từ lúc trồng cây cột đầu tiên đến khi dọn lên nhà mới chỉ mất độ hai năm.

Hỏi bí quyết, người phụ nữ ngoài 40 tuổi chị cười xòa rồi chỉ ra anh chồng đang cặm cụi cho lợn, gà ăn bên cạnh. Chị bảo, cả nhà chị giờ làm cao su nên tiền ăn hầu như chỉ dùng một lương. Phần còn lại dư ra thì tích góp lại, lâu dần nên cơ ngơi hiện tại.

Băng 1

Trước khi làm công nhân cao su, còn làm nương, làm rẫy thì vất vả, khó khăn lắm. Làm được bao nhiêu cũng không đủ. Bao nhiêu thóc, lúa thì cứ mang đi đổi mắm, muối, thức ăn. Kể cả quần áo cũng mang đi đổi, giá rất là rẻ. Rất là vất vả.

Nếu không làm công nhân cao su thì chắc không nuôi được con cái đi ăn học. Từ lúc làm công nhân, cuộc sống không lo về đồng tiền. Cái căn nhà này cũng tích góp được mà nên”.

MC 2:

Chị Hoài chỉ là một trong số hơn 1 nghìn công nhân tại Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu 2 đổi đời nhờ thứ “vàng trắng” miền biên giới. Quanh bản Chiềng Chăn của chị, những bóng nhà sàn xây theo lối bê tông, cốt thép đã không còn là hiếm. Người dân phấn khởi, sống khỏe ngay trên chính quê hương từng được xem là vùng đất khó.

Từ những gốc cây ban đầu, giờ cao su đã vươn mãi ra khắp các mảng rừng, khoảnh đồi Lai Châu. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu 2 thống kê, toàn bộ diện tích cao su của công ty trải rộng trên 3 huyện. Đến hết năm 2022, 4 nông trường Chăn Nưa, Nậm Na, Pú Đao, Nậm Nhùn và đội sản xuất Nậm Khao của Công ty đã trồng được 3.300 ha cao su và khai thác được hơn 3.200 tấn mủ, vượt chỉ tiêu tập đoàn giao.

Có được thành công ấy là nhờ bên cạnh công ty cao su Lai châu có rất nhiều nguồn động lực. Phó tổng Phước chia sẻ.

Băng 2

“Có rất nhiều chương trình hỗ trợ như chương trình hỗ trợ công ty chi phí vốn đối ứng để làm nhà ở cho công nhân, các hệ thống đường, điện trường trạm, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho công ty.

Bên cạnh đó, là tạo cơ chế cho công ty ký kết hợp đồng góp đất, ăn chia sản phẩm với người dân. Theo đó, người dân được hưởng 10% trên tổng giá trị đất góp. Bên cạnh thu nhập tiền lương, người dân còn được hưởng khoản thu nhập này, nên đời sống ngày càng được nâng cao”.

MC 2:

Từ những năm 2015, 2016, đứng xen cạnh những gốc cao su ở đất trời Lai châu còn có mắc ca. Vốn theo chân từ thời cố Phó thủ tướng Nguyễn Công tạn, nhưng phải tới khi cho ra những trái ngọt đầu tiên cách đây đôi, ba năm, cây mắc ca mới khẳng định được chỗ đứng trong lòng đồng bào.

Được xếp vào nhóm cây lâm nghiệp đa mục đích, cây mắc ca vô cùng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng hai tỉnh Lai Châu, Đặc biệt do chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, không có sương muối, và độ cao phù hợp từ 600 mét trở lên, nên cây mắc ca vừa có thể đảm bảo sinh kế cho bà con, vừa giúp đảm bảo thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca cho biết

Băng 3

“Chính phủ đã tổ chức hệ thống giao thông tốt nên Lai Châu đang thành điểm thu hút đầu tư rộng lớn, đất đai rộng lớn, đặc biệt  khí hậu phù hợp. Trước đây, chúng ta chỉ có Đà Lạt nhưng Lai Châu không khác gì Đà Lạt. Ở đây, chúng ta có thể phát triển rất nhiều đối tượng cả nhiệt đới, cả ôn đới.

Trong thực tiễn, Lai Châu đang đi lên những bước vững mạnh. Chúng tôi cho rằng tiềm năng của Lai Châu rất lớn. Nhưng giai đoạn hiện nay cần nhất điều gì? Đó là các doanh nghiệp. Làm thế nào để các doanh nghiệp thấy được tiềm năng của Lai Châu, và thậm chí phát huy được các sản phẩm có thể phát triển tại Lai Châu”.

MC 2:

Với cơ chế người đất góp đất, doanh nghiệp đầu tư giống, công nghệ, chính quyền tạo cơ chế, chính sách, rất nhiều những ‘đại bàng” đã tìm về Lai Châu để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất mắc ca, thậm chí đầu tư cả hệ thống dây chuyền chế biến cao cấp, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Ông Dương Công Chính, Tổng giám đốc Công ty TNHH Him Lam Lai Châu nằm trong nhóm những nhà đầu tư đầu tiên tìm về Lai châu. Sau quá trình khảo sát, ông đã được UBND tỉnh Lai châu cấp phép đầu tư để triển khai dự án, trước mắt tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, kế đến là hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca nơi miền biên viễn.

Phấn khởi, háo hức, nhưng ông Chính vẫn còn một số tâm tư để việc phát triển mắc ca ở Lai Châu trở nên bền vững. Ông bày tỏ

Băng 4

“Khi chúng tôi đi vào khảo sát, thực tế là đất bà con đã bỏ hoang lâu năm rồi, đất là đất trống đồi trọc. Nhưng khi thực hiện thì vẫn vướng nhiều cái, chẳng hạn như quy hoạch về đất rừng. Có vùng ngoài thực địa thì không có rừng, nhưng khi nhà đầu tư kiểm tra hồ sơ, sơ đồ thì lại phát hiện ra nằm trong quy hoạch lâm nghiệp.

Lại có những vùng bà con đã bỏ hoang nhiều năm, không canh tác gì. Nhưng đến lúc nhà đầu tư vào thực hiện dự án thì bà con vẫn lên nhận đất của mình. Trong khi trên bản đồ địa chính, thì đất là thuộc quyền quản lý Nhà nước”

MC 2:

Thấu hiểu những băn khoăn ấy, ông Đặng Văn Châu, giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, tỉnh đã tổ chức và tham gia rất nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, cả trên địa bàn tỉnh lẫn các chương trình của bộ, ban, ngành và tỉnh bạn. Mục đích là để tăng cường kết nối và cung cấp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đầu tư vào Lai Châu thông tin một cách đầy đủ nhất, nhiều nhất về các tiềm năng, lợi thế cũng như danh mục dự án đầu tư vào nông nghiệp.

Thừa nhận khó khăn khi thu hút đầu tư là khoảng cách địa lý, ông Châu cho biết tâm lý của hầu hết các nhà đầu tư khi mới đến Lai châu là hơi e dè. Tuy nhiên, tỉnh có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng chưa được khai thác như đa dạng về các tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Băng 5

“Rất là mong muốn, các bên tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong kết nối về tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh Lai Châu. Hiện thị trường tiêu thụ của Lai châu chưa được rộng lắm, chế biến cũng chưa thật sâu lắm, hoặc chế biến chưa phù hợp với tiêu chí của thị trường. Chúng tôi mong muốn được các bộ, ngành quan tâm để hỗ trợ nhiều hơn.

Lai châu đang tìm kiếm những nhà đầu tư, nhà tiêu thụ vào sản phẩm chè Lai Châu và một số sản phẩm khác như chuối, cao su. Làm sao để đưa các các sản phẩm thuận lợi vào các thị trường, đặc biệt thị trường Trung Quốc bây giờ đã mở”.

MC 2:

Với phương châm: “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”, tỉnh Lai châu đã thành lập Nhiều đơn vị hỗ trợ, cung cấp thông tin được thành lập như Trung tâm Tư vấn và xúc tiến đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch.

Trong định hướng đến năm 2050, Lai Châu đặt mục tiêu: Tăng trưởng GRDP trung bình 9-10%; Lượng khách du lịch tăng trưởng bình quân 20%/năm; Giá trị xuất nhập khẩu tăng 11,5%/năm…

Tỉnh cũng nhấn mạnh định hướng: “Một trục – Hai vùng – Ba trụ cột”. Đó là: một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế kết nối Than Uyên – Tân Uyên – TP. Lai Châu – Phong Thổ và Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Hai vùng là vùng kinh tế động lực (Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, TP. Lai Châu) và vùng kinh tế nông lâm sinh thái sông Đà (Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè). Ba trụ cột là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cam kết.

Băng 6

“Tỉnh Lai Châu luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của Nhà nước cũng như của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, giảm tối đa thời gian thủ tục hành chính về đầu tư thành lập doanh nghiệp. Cụ thể, cắt giảm thời gian để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không quá 1 ngày, cấp giấy phép xây dựng không quá 10 ngày, thủ tục thuế, hải quan thuận lợi, nhanh chóng”.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con!  Giữa trập trùng núi, bồng bềnh mây, quanh co dốc đèo, Lai châu vẫn đang vẫy gọi nơi miền cao biên giới. Xen giữa nét hùng vĩ của đỉnh Pu ta leng, sự nhộn nhịp của cửa khẩu Ma Lù Thàng hay cầu kính Rồng mây, Lai châu giờ còn chìm đắm trong niềm vui rộn ràng hướng tới tương lai ở những đồi cao su, mắc ca.  Trong vòng tay lớn của những người Thái, người Mông, người Giáy, bài ca xây dựng Lai Châu giàu đẹp như một tiếng khèn trầm ấm, ngân vang giữa đại ngàn.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình đầu tư nông nghiệp phát trong trên Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin kính chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Nông nghiệp Lai Châu: Tiếng gọi từ rẻo cao

Trên Quốc lộ 4D, bên cạnh những chiếc xe ca chở du khách thập phương, người ta còn thấy cả những chiếc xe tải chở nguyên vật liệu và mủ cao su, thứ vàng trắng được người dân Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung hun đúc suốt 15 năm qua.

Bảo Thắng

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ