Thay đổi góc nhìn để phát huy giá trị đa dụng của rừng
Thay đổi góc nhìn để phát huy giá trị đa dụng của rừng; Tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ; Hà Nội rà soát, đề xuất đưa 29 làng nghề ra khỏi danh sách làng nghề truyền thống; Tây Ninh có 31.106ha sắn bị khảm lá; TP.HCM có nguy cơ đứt gãy nguồn cung cấp thịt; Lo ngại nguồn nước sông ô nhiễm, người nuôi tôm không dám thả nuôi; Tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng đợt 1 thấp; Sâu cuốn lá gây hại tăng đột biến trên lúa xuân.
Quỳnh Anh | 08:26 08/05/2023
-
Thay đổi góc nhìn để phát huy giá trị đa dụng của rừng
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì buổi làm việc đóng góp ý kiến xây dựng "Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng" với các đơn vị trong và ngoài Bộ. Gợi mở cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần nhìn nhận giá trị của rừng dưới góc nhìn đa dạng, đa dụng và đa giá trị, thay vì chỉ tập trung vào gỗ, thủy điện… Bộ trưởng nhấn mạnh, khi thay đổi góc nhìn, chúng ta sẽ phát huy được giá trị của rừng, sẽ có hàng triệu việc làm mới được tạo ra, đem lại sinh kế bền vững cho rất nhiều người, góp phần bảo vệ, bảo tồn rừng một cách hiệu quả hơn. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ thông tin tới quý vị trong phần sau của chương trình.
Tùng Đinh
-
Tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ
Cũng trong tuần qua, tại TP Đông Hưng, Trung Quốc, Bộ NN-PTNT Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, đã có 30 giống thủy sản với hàng trăm triệu con giống được thả tại khu vực biển của TP Đông Hưng nhằm tái tạo nguồn lợi này. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức thành công 5 lần hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động thường niên dựa trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về “Hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ” giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc.
Tiến Thành
- Hà Nội: Rà soát, đề xuất đưa 29 làng nghề ra khỏi danh sách làng nghề truyền thống
Theo Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội vừa đưa ra danh sách 29 làng nghề đã bị mai một, cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu "làng nghề, làng nghề truyền thống" của UBND thành phố. Lộ trình thực hiện đến hết năm nay. Bên cạnh đó, theo Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hết năm nay, Hà Nội phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại mức độ, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận và bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định.
Quỳnh Anh
- Tây Ninh có 31.106 ha sắn bị khảm lá
Quý 1 năm nay, toàn tỉnh Tây Ninh phát sinh thêm hơn 22.200 ha diện tích trồng sắn bị khảm lá, tổng diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng là trên 31.100 ha. Hiện, Sở NN-PTNT Tây Ninh đang khảo nghiệm nhằm chọn ra giống khám bệnh ưu việt hơn, cho năng suất cao, chữ bột ổn định hơn. Được biết, đơn vị đang kết hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế khảo nghiệm hơn 500 dòng sắn, bước đầu chọn được hơn 20 dòng kháng bệnh khảm lá.
Trần Trung
- HCM có nguy cơ đứt gãy nguồn cung cấp thịt
Đồng Nai hiện có trên 3.000 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm buộc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trước 1/1/2025. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc di dời trong 2 năm là quá gấp gáp. Thời gian qua, các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp liên tục thua lỗ nên không có kinh phí di dời. Đồng thời, các công ty chăn nuôi lớn chiếm khoảng 60% nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Việc di dời, trong đó có nhiều trang trại phải dừng hoạt động ở nơi được xem là thủ phủ chăn nuôi có thể gây đứt gãy chuỗi cung cấp thực phẩm cho tỉnh lẫn TP. HCM. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ NN-PTNT và tỉnh Đồng Nai có lộ trình di dời kéo dài ít nhất 4-5 năm để cơ sở chăn nuôi có thời gian chuẩn bị, tránh thiệt hại.
Lê Bình
- Lo ngại nguồn nước sông ô nhiễm, người nuôi tôm không dám thả nuôi
Mọi năm vào thời điểm này, người nuôi tôm tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã thả nuôi vụ chính để kịp thu hoạch trước mùa mưa bão. Thế nhưng, năm nay, nhiều hồ nuôi tại đây vẫn đang bỏ không bởi người dân lo ngại nguồn nước lấy từ nhánh sông Sa Lung bị ô nhiễm. Những ngày nắng nóng, nước sông đổi màu, bốc mùi hôi thối và nổi bọt khí. Mới đây, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước hệ thống sông Sa Lung để kiểm tra. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, có 2 mẫu nằm trong giới hạn cho phép, 3 mẫu có các thông số vượt giới hạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Trước hình hình này, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản hướng dẫn cách lấy nước và xử lý nguồn nước khi đưa vào ao nuôi tập trung để người dân nuôi tôm áp dụng.
Võ Dũng
- Hết thời hạn, tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng đợt 1 vẫn thấp
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, đợt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2023 đã chính thức khép lại từ ngày 1/5. Tuy nhiên, đến nay, công tác tiêm phòng vắc-xin định kỳ tại các địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra. Toàn tỉnh mới tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho trâu bò đạt hơn 53%; dịch tả lợn trên 80%; tụ huyết trùng lợn hơn 80%; tiêm phòng dại chó đạt gần 60%; cúm gia cầm chỉ đạt gần 20%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp là do vắc-xin lở mồm long móng trên trâu bò về các địa phương bị chậm; vắc-xin phòng dại trên chó thiếu nguồn cung thương mại. Nhiều địa phương có tâm lý chờ vắc-xin lở mồm long móng rồi mới tổ chức tiêm cho tất cả các loại bệnh.
Thanh Nga
- Sâu cuốn lá gây hại tăng đột biến trên lúa xuân
Thời gian qua, thời tiết tại Hải Phòng nắng mưa xen kẽ, thuận lợi cho các trà lúa sinh trưởng và phát triển, đến nay, diện tích lúa đã trỗ ước đạt 40%. Tuy nhiên qua khảo sát, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã vũ hóa rộ và đẻ trứng trên các trà lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng - làm đòng, trỗ bông rải rác với mật độ cao gấp nhiều lần so với năm trước. Thời gian tới, sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, sâu non tiếp tục nở và gia tăng mật độ trên đồng ruộng, gây hại bộ lá đòng trên trà lúa giai đoạn phân hóa đòng - trỗ bông. Để bảo vệ lúa vụ xuân năm nay, Sở NN-PTNT đã có công điện đề nghị UBND các huyện, quận chỉ đạo tăng cường cán bộ kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thăm đồng, kiểm tra và phun trừ sâu cuốn lá nhỏ trên toàn bộ diện tích lúa trỗ sau từ 5/5.
Đinh Mười
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, hiện nay, các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người. Tuy nhiên, tài nguyên rừng hiện mới đang được khai thác một cách đơn lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng mà các hệ sinh thái rừng cung cấp. Vì vậy, chúng ta chưa tận dụng được tiềm năng của rừng, để tạo ra hoặc cải thiện sinh kế cho những người sống phụ thuộc vào rừng, trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng. Nhấn mạnh, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng là phát triển sinh kế của cộng đồng người dân dưới tán rừng và để làm được điều đó, chúng ta cần nhìn nhận giá trị của rừng dưới góc nhìn đa dạng, đa dụng và đa giá trị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa có những gợi mở về vấn đề này.
Băng
Thanh Thủy
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Thay đổi góc nhìn để phát huy giá trị đa dụng của rừng
Thay đổi góc nhìn để phát huy giá trị đa dụng của rừng; Tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ; Hà Nội rà soát, đề xuất đưa 29 làng nghề ra khỏi danh sách làng nghề truyền thống; Tây Ninh có 31.106ha sắn bị khảm lá; TP.HCM có nguy cơ đứt gãy nguồn cung cấp thịt; Lo ngại nguồn nước sông ô nhiễm, người nuôi tôm không dám thả nuôi; Tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng đợt 1 thấp; Sâu cuốn lá gây hại tăng đột biến trên lúa xuân.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.