Tăng cường bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh hại trong vụ đông

Vụ đông năm nay được kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp khôi phục và giữ đà tăng trưởng khi nước ta vừa trải qua một đợt thiên tai khốc liệt.

Trung Quân - Quỳnh Anh  | 08:28 18/10/2024

Tăng cường bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh hại trong vụ đông

Tự động

Tăng cường bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh hại trong vụ đông

Thưa quý vị và bà con, trong những năm gần đây, Bộ NN-PTNT cũng như các tỉnh phía Bắc nước ta đều xác định vụ đông là một vụ sản xuất chính. Đây là vụ sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và cả xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh các sản phẩm nông sản của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng. Thời điểm này, toàn ngành nông nghiệp đang rốt ráo thực hiện vụ sản xuất mới. Vụ đông năm nay có sự khác biệt khi nước ta vừa trải qua một đợt thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại nặng cho nông nghiệp, do đó, vụ sản xuất này được kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp khôi phục và giữ đà tăng trưởng.

MC 2:

Vâng thưa quý vị và bà con, được coi là vụ sản xuất chính nên hiện nay, ở các tỉnh phía Bắc nước ta đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau vụ đông, từ đó hình thành chuỗi giá trị, liên kết từ cung cấp giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho tới làm đất, thu hoạch và thậm chí là hình thành một mạng lưới tiêu thụ phân phối cho tất cả các vùng miền trong nội địa cũng như để xuất khẩu. Với sự nỗ lực từ nhiều phía, những năm qua, giá trị sản xuất cây vụ đông ngày càng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân và đóng góp vào giá trị chung của ngành nông nghiệp.

Năm nay, sản xuất vụ đông càng được người dân tại nhiều địa phương kỳ vọng sẽ bù đắp lại những thiệt hại lớn sau cơn bão số 3. Tại Hà Nội, dù là nơi có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng nhưng diện tích đất nông nghiệp hiện vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên của Thủ đô. Vụ đông năm nay, bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, toàn TP đã tiến hành gieo trồng khoảng 35.000ha, tăng hơn 5.000ha so với năm 2023, trong đó chủ yếu là các loại rau. Công tác sản xuất vụ Đông được ngành nông nghiệp chỉ đạo từ sớm và bà con triển khai hiệu quả.

Băng bà Lưu Thị Hằng

MC 2:

Đối với toàn ngành nông nghiệp nói chung, những năm trước đây, kế hoạch sản xuất vụ đông thường đạt khoảng 370.000 đến 380.000 hecta. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơn bão số 3 vừa xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tăng lên khoảng 50.000 hecta, như vậy, diện tích sản xuất vụ đông năm nay sẽ đạt khoảng 420.000 hecta. Theo đó, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương để xây dựng kế hoạch về cơ cấu giống, cơ cấu thời vụ phù hợp theo thị trường. Bên cạnh đó là đảm bảo ổn định vật tư đầu vào, đặc biệt là giống.

Ngoài ra, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, để mở rộng diện tích sản xuất hiệu quả, công tác vệ sinh đồng ruộng là rất quan trọng.

Băng ông Nguyễn Như Cường.

MC 2:

Sản xuất vụ đông là một nhiệm vụ quan trọng được ngành nông nghiệp các địa phương quan tâm, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Hàng năm, ngay từ trước vụ sản xuất, kế hoạch triển khai cụ thể về diện tích gieo trồng, cơ cấu giống, khung lịch thời vụ luôn được Bộ NN-PTNT và từng địa phương ban hành sớm để bà con thực hiện.

Năm nay, với phương châm tăng cường sản xuất vụ đông để bù thiệt hại cho vụ mùa trước đó, nhiều địa phương đã triển khai sớm vụ đông, tận dụng mọi diện tích đất sản xuất. Thế nhưng bão lũ vừa đi qua cùng với điều kiện thời tiết vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa, cây trồng vụ đông được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh gây hại. Trước bối cảnh đó, ngoài những khuyến cáo về việc vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị tốt quỹ đất cùng với kế hoạch sản xuất cụ thể, Bộ NN-PTNT thông qua Cục BVTV cũng đã có những dự báo cụ thể và tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh hại trong vụ đông. Ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin về một số loài sinh vật gây hại bà con cần lưu ý phòng trừ:

Băng ông Nguyễn Quý Dương

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, theo đánh giá của ngành chức năng, nhiều loại cây trồng trong sản xuất vụ đông có thể đem lại giá trị cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Năm nay, dù chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai nhưng bà con các tỉnh phía Bắc đã nhanh chóng thực hiện công tác vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất vụ đông. Cùng với sự nỗ lực của người nông dân, ngành NN-PTNT từ trung ương tới địa phương cũng đã có kế hoạch hướng dẫn sản xuất và tổ chức các lớp tập huấn phòng trừ những loại sâu bệnh thường gặp hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông thắng lợi. Thời gian tới, bà con cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin về thời tiết, khí hậu, về tình hình sâu bệnh hại và các hướng dẫn phòng trừ từ phía cơ quan chuyên môn để bảo vệ, chăm sóc tốt cây trồng.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực bảo vệ thực vật.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con,

Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng mới đây có công văn gửi đến các sở, ban, ngành có liên quan, các địa phương trong tỉnh đề nghị tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trong tỉnh, đặc biệt là tại 3 địa phương gồm: Huyện Bảo Lâm, Đức Trọng và TP Bảo Lộc. Ngành chức năng tỉnh này cho biết sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình việc thu gom, xử lý bao bì hóa chất BVTV, xác định vị trí lắp đặt bể chứa; đầu tư xây dựng kho chứa chất thải nguy hại để lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại khi các bể chứa đầy nhằm nâng cao hiệu quả việc thu gom bao bì hóa chất BVTV đã qua sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

MC 2:

Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích dừa là 22.400 ha, ước sản lượng 246.600 tấn/năm. Tính đến đầu tháng 10 năm nay, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh là gần 280 ha. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNN tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội thảo Giải pháp quản lý sâu đầu đen gây hại trên cây dừa, thông tin về tình hình gây hại và các giải pháp phòng trừ trong thời gian tới. Theo ngành chức năng tỉnh này, để bảo vệ tốt vườn dừa, các địa phương và bà con, cần tổ chức ra quân đồng loạt phòng trừ sâu đầu đen để tránh lây lan ra bên ngoài. Tăng cường công tác dự tính - dự báo, điều tra, phát hiện tình hình gây hại của sâu đầu đen, thống kê diện tích nhiễm, mức độ gây hại; đồng thời, ghi nhận tình hình áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa của người dân.

MC 1:

Hiện nay diện tích lúa mùa của tỉnh Nam Định đang giai đoạn trỗ chín, trà lúa mùa sớm thu hoạch cho năng suất từ 54-56 tạ/ha, diện tích lúa còn lại tập trung thu hoạch từ ngày 15 đến 25/10/2024. Để tập trung bảo vệ sản xuất lúa mùa từ nay đến cuối vụ và đẩy mạnh phát triển sản xuất cây trồng vụ đông, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, phát hiện và tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh trên lúa cuối vụ, nhất là rầy nâu. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch sớm. Kiểm tra, xác định diện tích đất bãi, đất lúa mùa thu hoạch sớm, có điều kiện tưới, tiêu chủ động để triển khai gieo trồng các loại cây trồng vụ đông, mở rộng diện tích sản xuất vụ đông trên chân đất 2 lúa, tập trung sản xuất các loại cây trồng ưa lạnh, có thị trường tiêu thụ lớn.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Tăng cường bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh hại trong vụ đông

Vụ đông năm nay được kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp khôi phục và giữ đà tăng trưởng khi nước ta vừa trải qua một đợt thiên tai khốc liệt.

Trung Quân - Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc giữa lòng di sản
Phóng sự

Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều nghệ nhân dân tộc Dao Thanh Y miệt mài truyền dạy cho thế hệ sau làn điệu dân ca, thêu may thổ cẩm.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc giữa lòng di sản
Na sầu riêng: Giải pháp mới tăng thu nhập từ vùng đất lúa kém hiệu quả
Phóng sự

Trên những mảnh ruộng từng phát triển kém hiệu quả, người nông dân tại ĐBSCL đã mạnh dạn thử nghiệm những loại cây trồng mới.

Na sầu riêng: Giải pháp mới tăng thu nhập từ vùng đất lúa kém hiệu quả