Nông dân Mê Linh trồng rau vụ đông sớm. Phà xóm Chài tạm dừng hoạt động, hàng ngàn hộ dân gặp khó khăn. Thu nhập ổn định từ nghề vá lưới, vá lú đánh bắt cá. Vipesco trao hơn 2 tỷ đồng tri ân khách hàng.
Vừa qua do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều diện tích rau của người dân trên địa bàn huyện Mê Linh bị ảnh hưởng. Để đảm bảo năng suất mùa vụ, người dân đã chủ động vệ sinh đồng ruộng, làm đất, để trồng cây vụ đông sớm.
Để phòng chống úng cho rau màu, việc lên luống cao được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều hộ gia đình đã huy động nhân lực, máy móc tập trung để hoàn thành sớm kế hoạch trồng cây vụ đông.
Một số loại rau đông sớm như cải đông dư, bắp cải, su hào được gia đình bà Hoàng Thị Thảo lựa chọn trồng để phù hợp với thời tiết.
Theo kinh nghiệm của bà Thảo, rau vụ đông sớm thường sẽ tốn công chăm sóc hơn so với chính vụ nhưng sẽ được giá và dễ tiêu thụ, với việc chủ động trồng rau vụ đông sớm, mong rằng người trồng rau Mê Linh sẽ có một mùa bội thu.
Phà xóm Chài tạm dừng hoạt động, hàng ngàn hộ dân gặp khó khăn
Phà Xóm Chài nằm gần cửa sông TP.Cần Thơ hoạt động gần 30 năm, kết nối phường Hưng Phú, quận Cái Răng với phường Tân An, quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, những ngày qua phà bất ngờ dừng chạy, khiến việc đi lại của hàng ngàn người dân rất khó khăn.
Theo Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, tại Xóm Chài hiện có ba chiếc phà loại 8, 12 và 16 tấn. Mỗi ngày, phà hoạt động gần 20 giờ, phục vụ khoảng 2.000 lượt người qua lại. Khi phà bất ngờ tạm dừng hoạt động, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đi xuồng nhỏ tự phát để vượt sông nên rất nguy hiểm.
Ông Trần Văn Hiếu, Phó phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều cho biết, trên địa bàn có năm bến khách ngang sông. Trong đó, có ba bến phải tạm ngưng do chưa đủ các điều kiện để hoạt động , trong đó có bến phà Xóm Chài. Hiện tại, bến phà Xóm Chài còn vướng các thủ tục về quản lý đất đai nên khi nào được bổ sung đầy đủ hồ sơ sẽ được cấp phép hoạt động trở lại như bình thường để phục vụ người dân.
Thu nhập ổn định từ nghề vá lưới, vá lú đánh bắt cá
Trung Chánh – Văn Quang sản xuất
Tại 2 ấp Vàm Rầy, Thuận An, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, hàng chục năm nay đã hình thành nghề vá lưới, vá lú (là những dụng cụ đánh bắt cá) và đã được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2022.
Tại các cơ sở có từ 70 - 80 người dân hàng ngày đến vá lú. Theo chia sẻ của người dân, đây là nghề truyền thống đã có từ lâu đời.
Những người thợ ở đây có độ tuổi từ 30 đến 70 tuổi. Tùy vào mức độ rách ít hay rách nhiều của lưới, lú, người thợ có thể vá từ 4 đến 5 cái mỗi ngày. Nhờ có nghề vá lưới, vá lú mà bình quân mỗi ngày một người thợ có mức thu nhập ổn định khoảng từ 170.000 – 200.000 đồng, trang trải cuộc sống gia đình.
Vipesco trao hơn 2 tỷ đồng tri ân khách hàng
Minh Sáng sx
Tại sự kiện “Vipesco đồng hành cùng khách hàng năm 2024” với chủ đề “Vững bước đồng hành, tiếp bước thành công” vừa diễn ra tại thành phố biển Vũng Tàu, Vipesco đã công bố chương trình quay số trực tiếp trúng thưởng có 82 giải thưởng, với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Giải thưởng được quay số trực tiếp, trước sự chứng kiến của đại diện các đơn vị đối tác và khoảng hơn 400 khách hàng, đại lý cấp 1 và cấp 2 đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam.
Ông Hồ Thái Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam – Vipesco cho biết: Đây là dịp để Vipesco tri ân khách hàng thân thiết đã luôn tin dùng sản phẩm và đồng hành với công ty trong suốt nhiều năm qua.
Kết quả có một khách hàng đã may mắn trúng giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng; hai khách hàng trúng giải nhất, mỗi giải 60 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao năm giải Nhì, mỗi giải 40 triệu đồng cùng nhiều giải có giá trị và hàng trăm giải khuyến khích cho những khách hàng tham dự trong đợt quay số trúng thưởng này.
TIN DỰ PHÒNG
Khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ vi sinh
Thanh Nga sx
Từ hiệu quả của các mô hình thí điểm chăn nuôi theo hướng hữu cơ vi sinh, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang khuyến khích các địa phương tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm nhân rộng mô hình này ra chăn nuôi nông hộ nhằm gia tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn, giảm phát thải tối đa khí độc, chất thải ra môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Theo tổng hợp của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xây dựng thêm được 3 mô hình, nâng tổng số mô hình chăn nuôi hữu cơ vi sinh lên con số 18; tập trung tại các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc và Lộc Hà. Trong đó, 16 mô hình chăn nuôi lợn với số lượng 120 con nái/năm, 2.400 con lợn thịt; 1 mô hình chăn nuôi gà và 1 mô hình nuôi bò thịt.