Thành công và hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023
Thành công và hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023; Không tuân thủ khuyến cáo, hàng nghìn ha lúa ở Bạc Liêu phải chờ mưa 'giải cứu'.
Quỳnh Anh | 08:52 13/05/2024
Thành công và hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đang theo dõi bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Thành công và hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023
- Giải quyết cơ bản kiến nghị của các địa phương trong tháng 5
- Không tuân thủ khuyến cáo, hàng nghìn ha lúa ở Bạc Liêu phải chờ mưa 'giải cứu'
- Diêm dân Quảng Bình lại đối mặt với tình trạng ‘được mùa, mất giá’
- Mưa dông tàn phá xã du lịch cộng đồng ở Lào Cai
- Giảm 300 ha ruộng bỏ hoang nhờ tích tụ ruộng đất
- Hải Dương có 500 vùng sản xuất rau màu, trái cây rộng từ 5 ha trở lên
- Tiền Giang: Dừa tươi khan hàng, sốt giá
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Thành công và hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và nhiều Bộ, ngành liên quan, được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi lắng nghe các báo cáo, chia sẻ ý kiến của Bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2023 dù không có bão đổ bộ đất liền nhưng có nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở… Do đó, trong thời gian tới cần theo sát tình hình thời tiết, chủ động trong công tác chỉ đạo ứng phó. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
- Giải quyết cơ bản kiến nghị của các địa phương trong tháng 5
Cũng trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với 3 tỉnh An Giang, Cà Mau và Đồng Tháp về đôn đốc tình tình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Lắng nghe các ý kiến của địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết, các Bộ, ngành Trung ương đã, đang và sẽ tiếp nhận, giải quyết được những kiến nghị của địa phương. Những vấn đề còn tồn đọng sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận. Phần nào vượt thẩm quyền, đoàn công tác sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cùng phấn đấu giải quyết cơ bản các kiến nghị địa phương trong tháng 5 này, trước thời điểm Thủ tướng dự hội nghị điều phối vùng.
- Không tuân thủ khuyến cáo, hàng nghìn ha lúa ở Bạc Liêu phải chờ mưa 'giải cứu'
Hiện nay, hàng nghìn ha lúa vụ Hè Thu sớm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn, xâm nhập mặn. Đây là những diện tích lúa do nông dân 'xé rào' xuống giống dù đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên sản xuất vào mùa khô hạn. Ghi nhận tại huyện Hồng Dân, một trong những địa phương có diện tích lúa Hè Thu sớm của tỉnh, do giá lúa nguyên liệu khá cao nên một số nông dân ở vùng ngọt tam giác Ninh Quới không tuân thủ theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, tự phát xuống giống vụ lúa Hè Thu sớm, với khoảng 4.000 ha. Tuy nhiên khi các trà lúa đang trong giai đoạn từ 35 - 40 ngày tuổi. Các kênh tạo nguồn trên địa bàn đang xuống rất thấp, khiến việc cung cấp nước cho sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, nếu không có nguồn nước ngọt bổ sung, khả năng các trà lúa bị ảnh hưởng rất cao.
- Diêm dân Quảng Bình lại đối mặt với tình trạng ‘được mùa, mất giá’
Hiện nay, toàn xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có hơn 150 hộ dân làm nghề muối. Trung bình mỗi năm diêm dân Quảng Phú sản xuất khoảng 5.000 tấn muối hạt. Từ đầu vụ đến nay, trời nắng nhiều, đặc biệt có những ngày nắng nóng đỉnh điểm kéo dài từ sáng đến tối, có ngày nắng trên đồng lên đến 42 độ C. Nhờ vậy, muối kết tinh nhanh và chất lượng cao hơn. Bà con diêm dân thu hoạch ổn định, ruộng muối đạt năng suất cao. Đến thời điển đầu tháng 5, diêm dân đã sản xuất được gần 1.000 tấn muối. Tuy nhiên, giá muối năm nay giảm mạnh khiến nhiều bà con gặp khó khăn trong dự trữ và tiêu thụ. Theo đó, nếu giá muối bình quân của vụ muối năm ngoái đạt khoảng 2 triệu đồng/tấn thì tháng đầu vụ muối năm nay, giá giảm xuống 50%. Thương lái chỉ đến đặt mau với giá từ 900 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn.
- Mưa dông tàn phá xã du lịch cộng đồng ở Lào Cai
Mưa dông xảy trong tuần qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã khiến tài sản, hoa màu của bà con nông dân trên địa bàn bị hư hỏng. Đáng chú ý, trong các địa phương, xã du lịch cộng đồng của bà con người Tày ở Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên bị ảnh hưởng nặng. Trong đó, 15 nhà dân hư hỏng do mưa lũ, nhiều hộ bị nước, bùn đất tràn vào nhà; khoảng gần 12ha hoa màu, lúa, thủy sản của người dân bị hư hỏng, mất trắng... Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hư hỏng 1 công trình thủy lợi, 5 công trình đường giao thông, sạt lở bờ suối... Một số tuyến đường bê tông xi măng của xã bị cây đổ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Ước tổng thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
-
Giảm 300 ha ruộng bỏ hoang nhờ tích tụ ruộng đất
Để thu hẹp diện tích đất canh tác bị bỏ hoang, các địa phương thuộc TP.Hải Phòng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, động viên bà con nông dân canh tác trở lại, đẩy mạnh quá trình dồn điền đổi thửa để dễ canh tác, tạo điều kiện cho quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác. Tại huyện Kiến Thụy, đầu năm 2023, trên địa bàn có khoảng 700 ha trong tổng số 4.500 đất lúa bị bỏ hoang. Trước tình trạng này, địa phương đã thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung… nhờ đó, đến nay, số diện tích đất bỏ hoang được đưa vào sản xuất khoảng 300 ha.
- Hải Dương có 500 vùng sản xuất rau màu, trái cây rộng từ 5 ha trở lên
Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, toàn tỉnh có hơn 500 vùng sản xuất rau màu, trái cây tập trung rộng từ 5 ha/vùng trở lên với tổng diện tích 8.500 ha. Hải Dương là địa phương đứng đầu đồng bằng sông Hồng về việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung với các cây trồng chủ lực mang tính đặc trưng như cà rốt, cải bắp, vải thiều, na, bưởi… Ngoài vùng sản xuất tập trung, Hải Dương có hơn 15.500 ha rau màu, trái cây sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, có hơn 1.500 ha đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 150 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ. Toàn tỉnh xây dựng gần 290 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 2.000 ha.
- Tiền Giang: Dừa tươi khan hàng, sốt giá
Hiện đang vào cao điểm khô hạn, đầu ra trái dừa xiêm tại tỉnh Tiền Giang rất tốt, giá tăng cao, thương lái không đủ hàng giao cho đối tác đã săn lùng thu gom. Thời điểm này, tùy vào loại dừa xiêm mà nông dân tỉnh Tiền Giang bán tại vườn với giá từ 100.000 - 110.000 đồng/chục (12 quả), tăng hơn tháng trước trên 30.000 – 40.000 đồng/chục. Với mức giá này, nông dân bán mỗi chục dừa lãi 40.000 – 50.000 đồng/chục. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có khoảng 20.000 ha dừa các loại. Năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng trái dừa tươi phục vụ nhu cầu giải khát rất cao. Tuy nhiên, mùa khô năm nay lượng nước ngọt hạn chế nên năng suất dừa xiêm giảm, dẫn đến giá cao.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, Theo thông tin tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên taivà tìm kiếm cứu nạn năm 2024 vừa diễn ra, năm 2023, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 1.964 trận thiên tai, trên 5.300 sự cố làm 1.129 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dông lốc, nắng nóng làm 14 người chết, mất tích; thiệt hại về vật chất ước tính hơn 399 tỷ đồng. Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chia sẻ:
Băng
Quang Dũng
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Thành công và hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023
Thành công và hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023; Không tuân thủ khuyến cáo, hàng nghìn ha lúa ở Bạc Liêu phải chờ mưa 'giải cứu'.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.