Thanh thải yếu tố hóa học khỏi đồng ruộng để trồng lúa hữu cơ hiệu quả

Trong một thời gian rất dài, sản xuất lúa ở ĐBSCL đi theo hướng truyền thống, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khiến đất đai bị bạc màu, suy thoái. Do đó, hầu hết các địa phương trong vùng hiện đang đẩy mạnh phát triển trồng lúa hữu cơ gắn với xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để phục vụ xuất khẩu.

Kim Anh  | 14:30 17/11/2023

Thanh thải yếu tố hóa học khỏi đồng ruộng để trồng lúa hữu cơ hiệu quả

Tự động

Thanh thải yếu tố hóa học khỏi đồng ruộng để trồng lúa hữu cơ hiệu quả

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.

Thưa quý vị và bà con, phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và đối với ngành hàng lúa gạo nói riêng đang có nhiều tiềm năng. Hiện nay, hầu hết các địa phương, đặc biệt là vùng ĐBSCL đã và đang đẩy mạnh phát triển trồng lúa hữu cơ gắn với xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để phục vụ xuất khẩu. Tại ĐBSCL, trong một thời gian rất dài sản xuất lúa đi theo hướng truyền thống, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khiến đất đai bị bạc màu, suy thoái. Việc chuyển đổi sang trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ là chặng đường còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay và trách nhiệm từ nhiều bên liên quan.

MC 2:

Thưa quý vị, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó có nhiệm vụ hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ.

Là địa phương không nằm trong phạm vị đề án này, nhưng Sở NN-PTNT TP Cần Thơ vẫn đặt mục tiêu và quyết tâm xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ, quy mô dự kiến lên đến 4.000ha.

Bước đi đầu tiên, địa phương đang tiến hành khảo sát một số vùng có tiềm năng đưa vào quy hoạch phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ. Với các tiêu chí kỹ thuật khá khắt khe như: Đảm bảo 100% không sử dụng và ngăn chặn các yếu tố hóa học đầu vào; không sử dụng giống biến đổi gen; thiết kế lại hệ thống thủy lợi độc lập để đảm bảo đồng bộ nguồn nước…

Sau khi xác định được vùng quy hoạch, bằng nhiều hình thức, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tác động các biện pháp canh tác để đảm bảo thanh thải yếu tố hóa học ra khỏi đồng ruộng.

Tuy nhiên để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với HTX và bà con nông dân cùng chia sẻ rủi ro. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ông Trần Thái Nghiêm bộc bạch:

[Bang TRAN THAI NGHIEM]: “Trong giai đoạn khoảng từ 2 – 3 năm, chuyển từ kiểu truyền thống sang hữu cơ thì giai đoạn đó gọi là giai đoạn thanh thải. Sản phẩm nông sản không được chứng nhận là hữu cơ và công nghệ chưa phát triển. Tức là sản xuất người dân, doanh nghiệp chỉ sản xuất theo kiểu không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV hóa học, năng suất sẽ giảm rất sâu. Như vậy việc giảm đó ai chịu nổi, phải có mối liên kết rất chặt giữa người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đi đường dài, phải tâm huyết mới làm được”.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Nông nghiệp radio, vào năm 2022, tại TP Cần Thơ đã có doanh nghiệp đặt vấn đề và đầu tư thực hiện mô hình lúa hữu cơ, quy mô khoảng 50ha. Cách thức triển khai của mô hình này là doanh nghiệp “bao” lợi nhuận cho bà con nông dân 50 triệu đồng/ha. So với giá lúa gạo vào thời điểm đó, khoảng đầu tư này được đánh giá khá cao, nông dân có lợi nhuận rất tốt. Tuy nhiên sau vụ thử nghiệm đầu tiên, doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì và mở rộng. Bởi theo tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ, ngoài vấn đề không sử dụng hóa chất tại chỗ trong quy trình canh tác. Doanh nghiệp khi lấy nước từ sông, phải xây dựng hệ thống công nghệ xử lý nước trước khi đưa vào từng thửa ruộng. Thế nhưng, trải qua quá trình vận động lại chưa có vùng nào đáp ứng đủ vài trăm hecta để doanh nghiệp đầu tư hệ thống.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, huyện Vị Thủy được xem là địa phương đang phát triển mạnh mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, trung bình mỗi năm trên dưới 1.500 – 2.000ha lúa được nông dân canh tác theo hướng hữu cơ. Địa phương này cũng đã sở hữu 240ha lúa được chứng nhận VietGAP, tập trung tại 3 HTX là: HTX nông nghiệp Tân Long (xã Vĩnh Tường), HTX nông nghiệp Vị Thủy 1 (xã Vị Thủy) và HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành (xã Vị Bình). Nói về định hướng phát triển lúa hữu cơ trên địa bàn huyện, ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vị Thủy cho biết:

[Bang TRUONG VAN TRI]: “Thực hiện cái này mục tiêu là để làm các sản phẩm chủ lực. Các địa phương này đã có những sản phẩm OCOP về gạo hết rồi, thứ hai nữa là cũng như lá bùa hộ mệnh để kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện liên kết, nên rất thuận lợi”.

Hiện tổng diện tích lúa trên địa bàn huyện Vị Thủy đã liên kết với doanh nghiệp thu mua đạt 3.000ha và dự kiến mở rộng thêm khoảng trên 1.000ha trong thời gian tới.

Trao đổi thêm với đại diện Công ty Đại Dương Xanh, một trong những doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu gạo hữu cơ vững chắc trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp này mạnh dạn cho biết, nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa hữu cơ, không lo chi phí đầu tư và doanh nghiệp cam kết thu mua với mức giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng vùng nguyên liệu lại gặp khó, xuất phát từ thực tế 3 – 4 năm trở lại đây, chỉ khoảng 30% nông dân tham gia liên kết sản xuất tuân thủ theo quy chuẩn công ty đưa ra. Nhất là thời điểm giá lúa biến động như hiện nay, nông dân lựa chọn quay lại với cách làm cũ.

Ông Mai Văn Tùng, Quản lý vùng Công ty Đại Dương Xanh cho rằng, chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ là vấn đề lớn. Bởi điều kiện về hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL chưa đảm bảo, đặc biệt là nông dân chưa tin tưởng. Nếu quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ, chỉ cần 1 nông dân không đồng ý xem như không thể triển khai. Ông Mai Văn Tùng cho biết:

[Bang MAI VAN TUNG]: “Bước đầu chuyển đổi phải có nhà nước hỗ trợ, mương ao, hệ thống thủy lợi phải thiết kế lại hết để làm hữu cơ vì vùng sử dụng hóa chất dễ bị nhiễm”.

Hiện nay, Công ty Đại Dương Xanh đã liên kết với các HTX ở tỉnh Kiên Giang và Cà Mau xây dựng được vùng nguyên liệu lúa hữu cơ quy mô 800ha. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 100 nghìn tấn gạo các loại, trong đó, có 700 – 800 tấn gạo hữu cơ, chủ yếu tại các thị trường: Anh, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông. Thực tế kinh doanh, ông Tùng cho biết, giá gạo hữu cơ khi xuất khẩu cao hơn 40 – 50% so với gạo sản xuất truyền thống, nhu cầu thị trường cũng tăng dần trong 2 năm trở lại đây. Đầu tư phát triển trồng lúa hữu cơ là định hướng cho tương lai trong bối cảnh thế giới đang ưu chuộng các sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường.

Vừa qua, các mô hình thực nghiệm của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) triển khai cho thấy, 9 tấn rơm sẽ cho ra được 7 tấn phân bón hữu cơ. Công với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ sinh học, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL có thể tận dụng, tác động vào quy trình canh tác lúa hữu cơ. Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Chuyên gia cơ giới hóa ủ phân hữu cơ, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI chia sẻ:

[Bang NGUYEN VAN HIEU]: “Hiện nay ởĐBSCLlượng rơm rạ thu hoạch đến thời điểm này thu hết tầm 30% thôi đó là lượng rơm rạ còn thừa trên đồng ruộng rất nhiều. Sắp tới trong khuôn khổ dự án của IRRI cũng có trình diễn những công nghệ để thu gom rơm vụ ướt, rơm vụ khô sử dụng cho bò và một số lĩnh vực trong trồng cây ăn trái. Tuy nhiên những loại rơm phế phẩm không sử dụng được thì tận dụng để làm phân bón hữu cơ”.

Hiện thị trường thế giới đang quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm hữu cơ, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển, nhất là Mỹ và châu Âu. Người tiêu dùng ở các khu vực khác cũng bắt đầu nhận thức, hiểu được giá trị sản phẩm hữu cơ, vừa bảo vệ sức khoẻ, môi trường và hệ sinh thái bền vững.

MC 1: Thưa quý vị và bà con, qua ghi nhận vừa rồi có thể thấy, tiềm năng và dư địa phát triển lúa gạo hữu cơ rất lớn. Ngoài ra, phát triển lúa gạo hữu cơ cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương vùng ĐBSCL khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới hoạt động sản xuất Nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.

MC 1: Tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, kế hoạch phát triển vùng lúa hữu cơ, sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được phát động rộng rãi trong nông dân và bước vào mùa vụ thứ 2. Dự kiến, kế hoạch sẽ được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2023 – 2027 sẽ đầu tư phát triển sản xuất 200ha lúa sinh thái kết hợp vùng nuôi thả sếu tự nhiên tại 2 xã Phú Đức và Tân Công Sính. Đồng thời xây dựng và cho ra đời nhãn hiệu Gạo Sếu gắn với doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ. Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông sẽ triển khai hỗ trợ cho người dân ghi chép nhật ký đồng ruộng điện tử, tích hợp mã QR để truy xuất nguồn gốc, quá trình sản xuất. Giai đoạn 2 từ 2028 – 2032 sẽ kế thừa, nhân rộng diện tích canh tác sinh thái lên 950ha. Đồng thời thực hiện chuyển đổi vùng trồng lúa sinh thái thành công ở giai đoạn 1 sang tiêu chuẩn hữu cơ đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

MC 2: tin 2

Thành lập vào tháng 11/2021, HTX Nông nghiệp Vinh Lợi ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trịn, tỉnh Sóc Trăng được xem là HTX trẻ, đi theo con đường sản xuất lúa hữu cơ tiên phong của tỉnh. Trải qua 4 vụ trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU, sâu hại trên đồng ruộng giảm đáng kể, lúa cứng cây. Nhất là năng suất đã có chuyển biến tích cực, tăng dần lên khoảng 5,2 tấn/ha, tương đương với phương pháp sản xuất truyền thống. Với phương pháp sản xuất lúa sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, HTX đã liên kết tiêu thụ thành công với một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ với giá cao hơn thị trường 200 - 400 đồng/kg. Về lâu dài, khi đạt được chứng nhận hữu cơ, giá lúa sản xuất hữu cơ có thể tăng thêm 1.500 – 2.000 đồng/kg. Hiện nay, HTX đang đàm phán giá cả với doanh nghiệp để liên kết thu mua lúa hữu cơ cho xã viên. Nếu thương thảo thành công, sẽ mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ lên 60 – 70ha.

MC 1: tin 1

Tại xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, anh Đỗ Huy Tuyến - 39 tuổi là người tiên phong trong phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp hữu cơ. Bắt đầu với những mô hình trồng các loại rau, củ hữu cơ, nhưng đến năm 2020, khi nắm thông tin về thị trường anh mở rộng mô hình sản xuất, tiếp tục cải tạo khoảng 0,8ha vườn và tiến hành đặt mua 2 giống ổi gồm ổi nữ hoàng - ít hạt và ổi lê từ các nhà vườn ở miền Tây về trồng. Hiện nay, trên diện tích 0,8ha, anh Tuyến trồng khoảng 1.000 gốc ổi và thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Hoa Kỳ. Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh Tuyến cung cấp cho đối tác từ 1,5 – 2 tấn ổi với mức giá theo hợp đồng hơn 20 nghìn đồng/kg.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Thanh thải yếu tố hóa học khỏi đồng ruộng để trồng lúa hữu cơ hiệu quả

Trong một thời gian rất dài, sản xuất lúa ở ĐBSCL đi theo hướng truyền thống, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khiến đất đai bị bạc màu, suy thoái. Do đó, hầu hết các địa phương trong vùng hiện đang đẩy mạnh phát triển trồng lúa hữu cơ gắn với xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để phục vụ xuất khẩu.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Quy mô chăn nuôi bò thịt có xu hướng giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng
Thời sự

Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.

Quy mô chăn nuôi bò thịt có xu hướng giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng
Thời tiết nông vụ ngày 05/11/2024: Bắc bộ hết hanh khô, Trung bộ mưa diện rộng
Thời sự

Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.

Thời tiết nông vụ ngày 05/11/2024: Bắc bộ hết hanh khô, Trung bộ mưa diện rộng