| Hotline: 0983.970.780

Loại cây trồng một lần cho thu hàng chục năm

Chủ Nhật 07/05/2023 , 15:12 (GMT+7)

Từ loại cây xóa đói, giảm nghèo, măng tre Bát Độ trở thành cây chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản... ở huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Cán bộ kiểm lâm Yên Bái hướng dẫn người dân lấy củ măng tre Bát Độ để trồng. Ảnh: Hải Đăng.

Cán bộ kiểm lâm Yên Bái hướng dẫn người dân lấy củ măng tre Bát Độ để trồng. Ảnh: Hải Đăng.

Cây đặc sản của Trấn Yên

Cây măng tre Bát Độ không có sâu bệnh, dễ trồng, năng suất cao và cho thu hoạch hàng chục năm sau một lần trồng. Cây măng tre Bát Độ hiện còn được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản vì đây được coi là thực phẩm an toàn với người tiêu dùng.

Trấn Yên là huyện có diện tích trồng măng tre Bát Độ tới 3.500ha, lớn nhất tỉnh Yên Bái. Tại xã Hồng Ca thuộc huyện này, hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đều trồng măng tre Bát Độ và được người dân coi đây là cây chủ lực mang lại thu nhập chính cho gia đình họ.

Bà Tráng Thị Nhà, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ (xã Hồng Ca) cho biết, cũng như các hộ dân ở đây, đối với gia đình tôi ngoài diện tích rừng quế thì còn trồng măng tre Bát Độ. Loại cây này từ năm thứ hai đã có thể thu hoạch. Cây măng chỉ cần trồng một lần và có thể thu tới hàng chục năm sau mà khâu chăm sóc không quá khó khăn.

"Chúng tôi là đồng bào dân tộc Mông cuộc sống gắn liền với núi rừng. Trong những năm qua được sự hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm tỉnh Yên Bái và UBND xã Hồng Ca, bà con hiểu được ý nghĩa, giá trị của rừng. Vì vậy, chúng tôi cùng với các tổ quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra, tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng. Khi phát hiện có sự vụ xảy ra như phát thực bì, khai phá rừng không đúng quy định chúng tôi báo cáo UBND xã và kiểm lâm nắm rõ nội dung và có phương pháp giải quyết.

Kiểm lâm huyện Trấn Yên (Yên Bái) cùng cán bộ xã hướng dẫn bà con nông dân trồng măng tre Bát Độ trên đất rừng sản xuất đúng kỹ thuật. Ảnh: Hải Đăng

Kiểm lâm huyện Trấn Yên (Yên Bái) cùng cán bộ xã hướng dẫn bà con nông dân trồng măng tre Bát Độ trên đất rừng sản xuất đúng kỹ thuật. Ảnh: Hải Đăng

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mặc dù có những khó khăn nhất định như diện tích rừng xa, đường đi lại vất vả nhưng thành viên trong tổ không quản ngại. Vì bà con hiểu rõ rừng là vàng, bảo vệ rừng là mang lại lợi ích cho bà con nhân dân, giữ môi trường trong lành, che chắn nắng, ngăn lũ...", bà Tráng Thị Nhà nói.

Gia đình ông Hà Xuân Trường, thôn Nam Vọng (xã Hồng Ca) trồng khoảng 10ha tre măng Bát Độ, thu nhập bình quân mỗi năm từ 180-200 triệu đồng.

“Từ xưa thấy các nơi khác trồng măng tre Bát Độ thì xã cũng có chủ trương trồng. Khởi đầu chúng tôi chỉ dám trồng 500-700m2 song sau đó thấy hiệu quả gia đình tôi mở rộng diện tích để tăng thêm thu nhập. Cây măng tre Bát Độ giờ đây là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi bởi tiền mua sắm vật dụng gia đình hầu như đều từ tiền bán măng tre mà ra. Cây măng này chỉ cần tuân thủ quy trình chăm bón, phát tỉa nhưng không cần quá nhiều công sức. Từ tháng 6-10 vào chính vụ, ngày nào cũng cho thu hoạch", ông Hà Xuân Trường nói.

Còn ông Hà Ngọc Cương, thôn Nam Hồng (xã Hồng Ca) cho hay, cây măng tre Bát Độ trước đây là cây xóa đói giảm nghèo, người dân trồng rất nhiều. So với những loại cây khác cây măng tre Bát Độ hiệu quả hơn vì mỗi tháng thu được 2-3 lứa, kéo dài tháng tới 5 tháng.

So với giá năm ngoái, giá măng tre Bát Độ hiện đã lên cao hơn, bà con phấn khởi trồng vượt chỉ tiêu của xã giao. Do cây măng Bát Độ phù hợp thổ nhưỡng nên tỷ lệ trồng đạt trên 97%.

Liên kết để xuất khẩu

Xã Hồng Ca có diện tích 9.300ha trong đó hơn 3.000ha là đất lâm nghiệp và 4.000ha rừng trồng sản xuất. Từ lợi thế đó, xã tập trung vào sản xuất nông lâm nghiệp và xác định 2 loại cây trồng chủ lực gồm quế và măng tre Bát Độ để nhân dân có cơ hội nâng cao đời sống, thu nhập từ rừng.

Đến nay, trên địa bàn quy hoạch 2 vùng sản xuất, quế 2.500ha và măng tre Bát Độ 1.200ha, từ đó mỗi năm thu nhập từ rừng khoảng 200 tỷ đồng.

“Với lợi thế đó, chúng tôi liên kết với các công ty, doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã thu mua sản phẩm của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm của người dân. Đặc biệt là sự phối hợp của địa phương và ngành kiểm lâm, chúng tôi ký kết liên tịch trong công tác bảo vệ rừng và công tác phát triển rừng trên địa bàn hết sức cụ thể. Theo đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp tốt với địa phương và các tổ bảo vệ rừng trên địa bàn vừa trông coi, quản lý và hướng dẫn nhân dân trong phát triển kinh tế từ rừng”, ông Phạm Xuân Toàn, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Ca cho hay.

Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành một số doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm của bà con. Sau khi sơ chế, ngâm muối, sản phẩm măng tre Bát Độ của bà con xã Hồng Ca được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc…

Ông Hà Văn Lân, Phó Giám đốc Cty TNHH nông nghiệp xanh Phương Vi cho hay, thực hiện chuỗi giá trị liên kết, công ty thu mua măng tre Bát Độ của bà con nhân dân trên địa bàn xã Hồng Ca. Với mục tiêu mang lại giá trị kinh tế cho bà con và đồng thời công ty tuyên truyền cho bà con nhân dân trồng, chăm sóc, thu hái măng tre Bát Độ đáp ứng yêu cầu để măng có chất lượng tốt nhất.

Cán bộ kiểm lâm tỉnh Yên Bái cùng người dân dọn thực bì, phòng chống cháy rừng. Ảnh: Hải Đăng.

Cán bộ kiểm lâm tỉnh Yên Bái cùng người dân dọn thực bì, phòng chống cháy rừng. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Đinh Trung Hà, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trấn Yên (Yên Bái) cho biết, cây măng tre Bát Độ ngoài nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất đồi rừng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương còn giúp chống xói mòn cho đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

“Hằng năm Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã cùng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn tổ bảo vệ, cộng đồng dân cư theo văn bản của cục, sở, huyện. Mỗi tháng bốn lần, cộng đồng dân cư thôn bản cắt cử tổ đi tuần tra, kiểm soát để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vào vụ xuân theo kế hoạch Hạt Kiểm lâm chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu ủy ban xã hướng dẫn bà con tìm đất trống, hướng dẫn trồng cây đạt kế hoạch giao. Qua công tác bảo vệ rừng đã giúp cho bà con nâng cao hiểu biết, giữ rừng là giữ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu đồng ruộng nên bà con tích cực hưởng ứng”, ông Đinh Trung Hà nhấn mạnh.

Trong năm qua, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái được quản lý bảo vệ tốt, duy trì tỷ lệ che phủ rừng 63%; công tác phát triển rừng được UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai, thực hiện tốt công tác trồng, phát triển rừng, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân.

Kiểm lâm tỉnh Yên Bái thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp tới cộng đồng dân cư các thôn, bản trên địa bàn tỉnh với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu và sát với thực tế của từng địa phương. Với hình thức "mưa dầm thấm lâu", dần dần người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cơ bản nắm được nội dung cốt lõi của Luật Lâm nghiệp và chấp hành theo đúng luật định.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng trong công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ, kiểm tra rà soát thực hiện, truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến gỗ và gây nuôi động vật hoang dã quý hiếm, thông thường để quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản hợp pháp; chỉ đạo công tác thanh tra, pháp chế rà soát các tụ điểm khai thác, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật;

Thực hiện nghiêm thông báo kết luận số 511/TB-VPCP ngày 1/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Thực hiện nghiêm việc chấm dứt khai thác chính và khai thác gỗ gia dụng rừng tự nhiên, khai thác, tận thu tận dụng; kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết khai thác tận dụng đối với các dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.