Thiên tai và nỗi ám ảnh của người vùng cao Hà Giang
Cứ vào mùa mưa bão, thiên tai lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình ở vùng cao Hà Giang. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, lũ quét, sạt lở đất đã gây ra thiệt hại hơn 500 tỷ đồng về tài sản, có những người bị thiên tai cướp đi cả sinh mạng.
Đào Thanh | 08:06 21/11/2023
Thiệt hại hơn 500 tỷ do thiên tai gây ra
MC1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai. Thưa quý vị và bà con, cứ vào mùa mưa bão thiên tai lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình ở vùng cao Hà Giang. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay lũ quét, sạt lở đất đã cướp đi biết bao tài sản của các hộ gia đình, tổng thiệt hại lên đến hơn 500 tỷ đồng. Đau đớn hơn cả là có những người đã bị thiên tai cướp đi sinh mạng. Phóng sự của phóng viên Đào Thanh thường trú tại khu vực Việt Bắc.
MC2: Người dân thôn Ngàm Đăng Vài 1, xã Ngàm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì vẫn còn ám ảnh bởi trận mơi lớn diễn ra đêm 4, sáng 5/7. Trận mưa ấy đã cướp đi sinh mạng của 2 người dân trong làng đó là ông Lý Văn Thắng (sinh năm 1962) và bà Vàng Thị Thưởng (sinh năm 1966).
Ông Nguyễn Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Ngàm Đăng Vài cho biết, trận mưa lớn dịp tháng 7 đã cướp đi tính mạng 2 người dân trên địa bàn xã. Ngay sau khi biết thông tin, chính quyền các cấp đã vào hỗ trợ gia đình khắc phục hậu quả và an táng người mất. Đồng thời huy động các nguồn quỹ cùng lực lượng xây dựng lại ngôi nhà mới cho gia đình anh Sinh ở nơi ở an toàn hơn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để anh Sình tăng gia sản xuất ổn định lại đời sống.
Trích băng ông Nguyễn Văn Sửu
Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ đã triển khai cho hơn 1.000 hộ dân tại 8/8 thôn ký cam kết chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai; thực hiện buộc néo mái nhà bằng đinh, dây thép để hạn chế tốc mái khi có mưa to kèm gió lớn. Đối với những khu vực xung yếu, độ dốc lớn mà có hộ dân sinh sống, chính quyền xã chủ động đến tận nhà vận động người dân di chuyển đến nơi ở mới đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Ông Hạng Mý Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ cho biết, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai UBND xã hướng dẫn các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, khu vực ven sông, suối... chủ động di chuyển đến nơi an toàn, nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan lơ là.
Trích băng ông Hạng Mý Ngọc
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, từ đầu năm đến nay thiên tai diễn ra trên địa bàn tỉnh này đã khiến 4 người chết, 2 người bị thương; 758 ngôi nhà bị sập đổ. Thiên tai cũng khiến 347ha lúa, hơn 5.600ha ngô, 51ha cây lâm nghiệp bị đổ gẫy, hư hỏng; nhiều công trình công cộng như giao thông, trường học, trạm y tế bị ảnh hưởng. Tổng mức thiệt hại do các đợt thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay tại tỉnh Hà Giang lên đến 511 tỷ đồng.
Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang cho biết, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, trước mùa mưa lũ, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm tra, sà roát đảm bảo an toàn công trình hồ đập, hồ chứa thủy lợi; chủ động theo dõi, đôn đốc các ngành và địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng chống thiên tai theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tổ chức tuyên truyền cho người dân về công tác phòng chống và ứng phó với thiên tai; tiến hành rà soát các hộ dân trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao cần di dời đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, đồng thời triển khai, sử dụng có hiệu quả bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt, sạt lở đất.
Trích băng ông Hoàng Hải Lý
MC1: Thưa quý vị và bà con! Dù đã có nhiều giải pháp nỗ lực của chính quyền địa phương, nhưng thiên tai vẫn luôn là nỗi ám ảnh lớn gây thiệt hại về người và tài sản ở tỉnh Hà Giang. Rút kinh nghiệm từ những bài học về thiên tai trước đây bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát, kiên quyết của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân trong việc chủ động ứng phó với thiên tai cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản do thiên tai gây ra.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực Phòng chống thiên tai.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Vào lúc 2 giờ ngày 20/11, tàu cá BĐ 98268 TS khi đang đánh bắt tại vị trí cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 95 hải lý về phía Đông Đông Bắc thì bị phá nước, chìm. Trên tàu có 14 thuyền viên đang bám vào phao nổi của tàu. Thời tiết khu vực tàu bị nạn có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7-8. Chủ tàu yêu cầu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cứu nạn khẩn cấp. Ngay sau khi nhận thông tin, Trung tâm đã đề nghị Đài thông tin duyên hải Tp.HCM phát thông tin khẩn cấp và yêu cầu liên lạc với các tàu hành trình ngang qua khu vực tai nạn tăng cường cảnh giới, quan sát hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời, huy động tối đa lực lượng tàu thuyền đang hoạt động gần vị trí bị nạn tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Tàu CSB 6007 của Cảnh sát biển đến hiện trường để tham gia công tác tìm kiếm. Đến 12 giờ 20 phút cùng ngày, tàu BARZAN, quốc tịch Đức trên đường hành trình từ Trung Quốc đi Singapore đã tổ chức tìm kiếm, phát hiện và cứu an toàn 14 ngư dân của tàu BĐ 98268 TS đang trôi dạt trên biển.
MC 2: tin 2
Những năm gần đây, khu vực núi Thiều, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa liên tiếp bị sạt lở. Hiện tại, có nhiều đất, đá tảng đã sạt trượt xuống khu vực chân núi, làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân. Các hộ dân sống dưới chân núi luôn thấp thỏm lo âu, nhất là khi mưa lớn. Ngay sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng sạt lở núi Thiều khiến người dân luôn phải sống trong cảnh 'bất an', tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ việc. Trước mắt để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc đã cắm biển khoanh vùng, lập rào chắn cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, không để người dân và vật nuôi đi vào, đồng thời có phương án ứng phó với thiên tai và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
MC 1: tin 3
Nhằm mục tiêu giảm sóng, khắc phục sạt lở khu vực Cồn Ngang nằm hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp biển Đông thuộc địa bàn xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đang triển khai Dự án kè chống sạt lở Cồn Ngang có tổng vốn đầu tư gần 240 tỷ đồng. Quy mô thực hiện gồm thi công đê giảm sóng cùng các công trình phụ trợ không chỉ có tác dụng phòng, chống sạt lở mà còn góp phần gây bồi, tạo bãi để địa phương tiếp tục trồng, tái tạo rừng phòng hộ phía trong đê, tạo hệ sinh thái bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Đến giữa tháng 11 này, 2 gói thầu số 1 và số 2 cơ bản hoàn thành đang nghiệm thu đưa vào sử dụng, gói thầu số 3 đang được đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các phần việc còn lại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm nay. Riêng đoạn còn lại dài khoảng 790 m đang trong giai đoạn làm thủ tục mời thầu, dự kiến sang năm 2024 mới có thể khởi công.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Thiên tai và nỗi ám ảnh của người vùng cao Hà Giang
Cứ vào mùa mưa bão, thiên tai lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình ở vùng cao Hà Giang. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, lũ quét, sạt lở đất đã gây ra thiệt hại hơn 500 tỷ đồng về tài sản, có những người bị thiên tai cướp đi cả sinh mạng.
Đào Thanh
Tin liên quan
Các chương trình
Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.
Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.