Thôi làm giám đốc để làm tiêu hữu cơ được thị trường Mỹ công nhận
Từng được biết đến là Giám đốc điều hành câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, khi nghỉ hưu về sản xuất nông nghiệp, ông Huỳnh Mau với vườn tiêu hữu cơ khoảng 5ha của mình lại ngày càng nổi tiếng và được nhiều người dân trong vùng biết đến bởi khả năng đứng vững trước đại dịch 'chết nhanh, chết chậm' một thời hoành hành.
Tuấn Anh | 14:44 15/11/2023
Nhạc hiệu:
Nhạc nền:
MC:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.
Thưa quý vị và bà con! Một thời, ông Huỳnh Mau được nhiều người biết đến với vai trò là Giám đốc điều hành câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Sau nhiều năm gắn bó với ngành thể thao, ông xin nghỉ hưu làm nông nghiệp hữu cơ với trang trại rộng gần 20ha tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, trang trại tiêu hữu cơ khoảng 5ha của ông ngày càng nổi tiếng và được nhiều người dân trong vùng biết đến bởi khả năng đứng vững trước đại dịch “chết nhanh, chết chậm” một thời hoành hành.
MC: Dạo quanh trang trại rộng gần 20ha trồng tiêu hữu cơ cùng các loại cây ăn quả, ông Huỳnh Mau chưa bao giờ biết lo lắng về chất lượng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh các loại cây trồng này, đặc biệt đối với cây hồ tiêu. Bởi lẽ, nhiều năm qua, ông đã định hướng trồng tiêu và các loại cây ăn trái theo hướng hữu cơ, giúp cây luôn sống khỏe, ít bệnh tật.
Với ông Huỳnh Mau, làm nông nghiệp nếu cứ quan tâm nhiều đến năng suất mà không chú trọng đến môi trường và sức khỏe thì sẽ không thể bền vững. Đặc biệt, các loại thuốc bảo về thực vật rất độc hại, nếu không hướng đến nền nông nghiệp sạch giống như các nước tiên tiến đang làm sẽ rất dễ thất bại.
Chỉ tính riêng với vườn tiêu khoảng 5ha của gia đình ông Huỳnh Mau năm nào cũng được thu mua với giá cao hơn so với tiêu bình thường từ 20-30%.
Băng 1: Phỏng vấn ông Huỳnh Mau (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa):
Vườn tiêu hữu cơ của mình được chứng nhận bởi Union Control của Mỹ. Hàng năm họ sẽ đánh giá hai lần về đất, phân, lá cây và nước. Vườn hữu cơ của mình chăm sóc theo quy trình có nhật ký, dùng phân bò, phân chuồng, khoai mục, vỏ cà phê, các loại thảo mộc như là cỏ rác. Khi mình để một thảm cỏ nó tốt lên, chúng ta dùng máy phát nó tạo một lớp mùn cho tiêu phát triển. Chúng tôi nói không thuốc bảo vệ thực vật và phân vô cơ.
MC: Trồng tiêu theo hướng hữu cơ cũng dễ bị mất sản lượng nhưng bù lại, ông Huỳnh Mau không dùng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến đất đai luôn tươi tốt, nhiều dinh dưỡng, cây tăng tuổi thọ và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Quan trọng nhất, trồng theo hướng hữu cơ sẽ bảo vệ được sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng.
Chính vì chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ nên trước đại dịch tiêu “chết nhanh, chết chậm” hàng loạt vào năm 2017 - 2018, vườn của gia đình ông không bị ảnh hưởng nhiều. Đồng thời, việc chăm sóc tiêu hữu cơ mang lại giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ rộng và giảm được rủi ro trong nông nghiệp.
Băng 2: Phỏng vấn ông Huỳnh Mau (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa):
Làm nông nghiệp hữu cơ là muốn cho môi trường nó sạch và sức khỏe cho cộng đồng, người lao động. Cho nên mình đi theo hướng hữu cơ thì nó có những mặt lợi và mặt hại. Mặt hại là năng suất của ta thấp, các vi sinh vật gây hại nó tấn công vườn của mình nhiều. Nhưng mà ngược lại, chất lượng sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng là nó đảm bảo an toàn, sức khỏe.
MC: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) là đơn vị thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm tiêu cho người dân trên địa bàn, trong đó có vườn tiêu của gia đình ông Huỳnh Mau. Theo đánh giá của ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, ông Huỳnh Mau là 1 trong những người đi đầu của HTX về làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Vườn tiêu của ông Huỳnh Mau cũng được xem là mô hình mẫu cho các thành viên trong HTX học hỏi làm theo.
Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang cho biết:
Băng 3: Phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa):
Trang trại của ông Huỳnh mau đã canh tác theo hướng này, và có cả chứng nhận hữu cơ. Thứ nhất nó tạo được sự bền vững, sức khỏe của cây trồng. Cái thứ 2, thu nhập của ông được kéo dài, chứ không phải 1 vụ trúng, 1 vụ mất, cũng như vòng đời của cây trồng bị ngắn. Đối với canh tác theo tiêu chuẩn, theo hữu cơ, vườn của ông Huỳnh Mau thì sự bền vững đã thể hiện ở đấy.
MC: Thưa quý vị và bà con! Việc xây dựng thành công trang trại hữu cơ, ông Huỳnh Mau đã mang lại niềm cảm hứng cho nông dân xã Nam Yang nói riêng và huyện Đăk Đoa nói chung để từng bước xây dựng nông nghiệp của địa phương theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho con người.
Tuấn Anh
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Mấy chục năm trước, xã Tân Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước chỉ là vùng rừng rú heo hút, ít dấu chân người. Nhưng bây giờ, vùng đất này đã trở nên trù phú với những vườn cây ăn trái sum suê. Trong đó, nhiều nhất là quýt đường - cây ăn trái giúp nhiều gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Tân Thành, hiện diện tích quýt đường toàn xã đã lên đến khoảng 400ha. Hơn 3/4 số hộ trồng quýt đường. Nhiều hộ giàu nhờ quýt, một số hộ đã đầu tư bài bản về kỹ thuật canh tác, áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đặc biệt, mấy năm gần đây, diện tích quýt đường ở Tân Thành tăng mạnh. Giống như các loại nông sản khác, trái quýt đường cũng từng gặp cảnh “được mùa mất giá”. Vì thế, canh tác theo quy trình sạch, hữu cơ là con đường duy nhất để phát triển bền vững.
MC 2: tin 2
Từ năm 2014, phong trào nông dân chuyển đổi phương pháp trồng lúa truyền thống sang hướng hữu cơ bắt đầu khá sớm tại xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi là người tiên phong đưa cây lúa hữu cơ bám rễ phát triển trên vùng đất này. Nhiều năm liền ông được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Hiện HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt là một trong số ít những HTX xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ với 65 thành viên tham gia sản xuất. Trong đó, khoảng 30ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Do sản xuất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ, các sản phẩm gạo của HTX luôn được bán ở mức giá khá cao, từ 30.000 – 40.0000 đồng/kg, tùy loại. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho các doanh nghiệp khoảng 15 tấn gạo các loại.
MC 1: tin 3
Những năm gần đây, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái và đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ cả trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, tạo sự lan tỏa trong sản xuất. Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Tứ Kỳ tập trung xây dựng, phát triển mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng trong vùng chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ tại xã Quang Trung. Vụ đông xuân 2023, trong quá trình cải tạo vùng khai thác rươi, cáy, mô hình đã thực hiện gieo cấy giống lúa nếp cái hoa vàng với diện tích hơn 40ha. Năng suất lúa trung bình tại mô hình đạt 200 - 210kg/sào. Nhờ canh tác lúa theo quy trình hữu cơ, đã tạo điều kiện môi trường sinh thái trong lành, giúp rươi phát triển tốt, lúa cũng bán được giá cao, mang lại "lợi ích kép", tăng thu nhập cho nông dân trên đơn vị diện tích.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Thôi làm giám đốc để làm tiêu hữu cơ được thị trường Mỹ công nhận
Từng được biết đến là Giám đốc điều hành câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, khi nghỉ hưu về sản xuất nông nghiệp, ông Huỳnh Mau với vườn tiêu hữu cơ khoảng 5ha của mình lại ngày càng nổi tiếng và được nhiều người dân trong vùng biết đến bởi khả năng đứng vững trước đại dịch 'chết nhanh, chết chậm' một thời hoành hành.
Tuấn Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.