Thủy lợi nội đồng - 'mao mạch' của ngành nông nghiệp
Thủy lợi nội đồng là những 'mao mạch' đưa nước đến với từng thửa ruộng. Phát triển thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng.
Huy Bình | 21:30 24/12/2023
Thủy lợi nội đồng 'mao mạch' của ngành nông nghiệp
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình thủy lợi và phát triển.
Thưa quý vị và bà con!
Từ xưa, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững cha ông ta đã đúc kết ‘nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’, nguồn nước tưới là yếu tố quan trọng để người dân, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thuận lợi, là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của mùa vụ. Có thể thấy, nước hay nói rộng hơn là hệ thống thủy lợi có vai trò không nhỏ khi đóng góp vào thành công của ngành nông nghiệp, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp có phát triển bền vững hay không, một phần nhờ vào hệ thống thủy lợi có tốt hay không.
MC 2: Thưa quý vị và bà con,
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã từng khẳng định: “Bản thân hệ thống thủy lợi là một công cụ, phương tiện để tạo giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn và giúp đời sống người nông dân tốt hơn”. Thời gian qua, với sự quan tâm của Nhà nước, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư, nâng cấp với hàng nghìn công trình lớn nhỏ. Nếu như hàng nghìn km kênh mương thủy lợi được ví như huyết mạch của ruộng đồng thì thủy lợi nội đồng là những mao mạch đưa nước đến với từng thửa ruộng, xứ đồng. Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giảm thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm gây ra.
Hệ thống thuỷ lợi nội đồng là cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng cùng hệ thống tưới tự động, mở rộng hệ thống đường giao thông nội đồng sẽ giúp cho việc sản xuất nông nghiệp của người nông dân được thuận tiện hơn, giảm sức lao động, có đủ nước, cây trồng cũng cho năng suất hơn.
Dự án ‘Ứng dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến cho các vùng sản xuất chuyên canh rau màu được đầu tư trong giai đoạn 2015-2018 trong chương trình phát triển nông thôn mới, các kênh mương được bê tông hóa thay thế những hệ thống kênh mương bằng đất trên địa bàn huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương là một ví dụ điển hình.
Băng 1
Lúc đấy chưa có thì hệ thống tưới thì chúng tôi tưới thì vất vả lắm, cây cối nó bị nhiễm bệnh này, sâu đất này, cho nên cây cối nó không thể phát triển được, giờ nhờ đảng và chính phủ có nước sạch như thế này cây cối nó lên tốt tươi là bán không xuể được.
MC 2:
Đó là những chia sẻ của Bà BÙI THỊ THÁI, Xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đến với xã Phạm Kha ngày hôm nay, ai cũng sẽ ngạc nhiên về một màu xanh tươi mát ngút tầm mắt của rau màu được trải dài trên khắp các thửa ruộng. Từng khoảng xanh vuông vức lề lối, bắp cải, su hào, … căng mọng nước tràn đầy sức sống thể hiện cho một vùng quê đã thay da đổi thịt.
Sau gần 10 năm về đích nông thôn mới, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư đồng bộ đã biến những diện tích đất cằn cỗi kém hiệu quả trở thành xứ đồng màu mỡ, căng tràn sức sống, mang lại hiệu quả kinh tế nông thôn cho người dân nơi đây. Hệ thống thủy lợi nội đồng cùng với những vòi tưới tiết kiệm được bố trí một cách quy củ, khoa học nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho đất và cây trồng khiến những gánh nước giờ chỉ còn phù hợp cho một số loại cây trồng đặc hữu.
Trước đây để tưới 5 sào hoa màu thì gia đình ông Nguyễn Văn Định trú tại xã Phạm Kha phải cần từ 5 đến 7 lao động, giờ đây với thủy lợi nội đồng chỉ cần với 2 lao động là gia đình ông đã đảm bảo việc tưới tiêu cho tất cả các diện thích hoa màu.
Băng 2
Chúng tôi là người nông dân, khi phát triển nông thôn mới thì hưởng thụ là người nông dân chúng tôi được hưởng thụ trực tiếp, trong những cái đồng ruộng cũng như trong thôn xóm, việc làm này nó cũng mang lại kinh tế ổn định trong gia đình.
MC 2:
Được biết, xã Phạm Kha hiện có hơn 288 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 162 ha là sản xuất chuyên canh hoa màu. Với hơn 2.000 hộ dân trồng rau màu thì có tới trên 90% hộ dân được tiếp cận hệ thống tưới nước tự động.
Vụ thu đông này niềm vui phấn khởi đến với bà con nông dân xã Phạm Kha khi thu nhập từ những cánh đồng rau màu gấp từ 2,5 lần so với vụ hè thu, giá trị sản xuất từ 400 đến 450 triệu đồng trên một hecta. Thủy lợi nội đồng đã mang đến những lợi ích thiết thực, lâu dài đối với bà con xã Phạm Kha. Đặc biệt, hệ thống còn khiến bà con có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trương nông thôn, bảo vệ nguồn nước là nguồn sống của những cánh đồng rau màu. Ông VŨ VĂN HÁN Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cho biết:
Băng 3
Rau màu đảm báo được nguồn nước thì đất cũng thông thoáng lên rau màu có đủ nước phát triển cũng rất là xanh tốt, từ đó thì sản lượng rau màu trên một đơn vị diện tích cũng được tăng lên rất là nhiều.
MC 2:
Việc nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng, xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi được xem là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các xã trong huyện.
Công trình đã giúp giải quyết khâu tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân, làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc sử dụng và quản lý nguồn nước. Đất đai thông thoáng, hoa màu cấp đủ nước, sản lượng tăng, thu nhập của người dân cũng vì thế mà được tăng lên rõ rệt. Ông NHỮ VĂN CÚC Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cho rằng:
Băng 4
Xây dựng nông thôn mới thì đem lại quyền lợi cho người dân, trong thời gian qua thì UBND huyện Thanh Miện đã triển khai ở tất cả các địa phương, cái này thì người dân đã được hưởng lợi trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục duy trì chất lượng của nông thôn mới và nâng cao chất lượng, thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền tích cực về xây dựng nông thôn mới.
MC 2:
Sự chung tay của chính quyền các cấp của tỉnh Hải Hương, cùng sự đồng lòng chung sức của bà con nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Các tuyến kênh nội đồng này có vai trò rất quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại xã Phạm Kha ngày càng bền vững và giúp hoàn thành tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đánh giá về sự đầu tư cho các công trình thủy lợi nội đồng cùng Ứng dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, bà CẦM THỊ LAN HƯƠNG Phó Trưởng phòng Kinh tế thủy lợi, Cục Thủy lợi nhận định:
Băng 4
Cái mô hình này nó đã giúp cho việc tiết kiệm được nước từ các hệ thống kênh mương hở, tiết kiện được công sức của người nông dân trong việc lấy nước để tưới rau, chuyển sang việc tưới chủ động bằng đường ống, khi tưới chủ động như vậy thì sẽ giảm chi phí tưới đồng thời tiết kiệm nước và giảm công sức lao động của người dân rất là nhiều, nhờ đó tạo nên cái hiệu quả rất là tích cực.
Hệ thống công trình Thủy lợi nhỏ, Thủy lợi nội đồng dần được bổ sung, hoàn thiện đã bảo đảm nguồn nước cho các vùng có diện tích tưới nhỏ, phân tán. Thủy lợi nhỏ, Thủy lợi nội đồng cùng với các hệ thống thủy lợi lớn tạo nên tính đồng bộ, hiệu quả; góp phần tiết kiệm, nâng cao hiệu suất sử dụng nước.
Hiện cả nước có khoảng 95% số xã đạt tiêu chí Thủy lợi, đồng nghĩa với việc đảm bảo trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, nhờ đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con!
Việc xây dựng hệ thống tưới nước áp lực đồng bộ trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã giúp cho người dân có động lực để mở rộng diện tích canh tác rau màu, từ đó khai thác tối đa công suất kênh mương nội đồng, đem lại sự ổn định phát triển trong đời sống kinh tế xã hội cho vùng quê nơi đây. Thực tiễn cho thấy, nhờ vận hành tốt hệ thống thủy lợi nội đồng nên quá trình sản xuất nông nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở nhiều địa phương.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực thủy lợi.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 vừa diễn ra, Ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, tính đến hết tháng 12/2023, trên cơ sở dự báo tình hình nguồn nước, mưa, lũ, với việc chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi hợp lý, ước diện tích lúa được tưới năm 2023 là gần 6,9 triệu ha. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng đã tích cực vận hành công trình thủy lợi tiêu úng và không để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, không có diện tích thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, Cục Thủy lợi thường xuyên rà soát hiện trạng của 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi tại 45 tỉnh và tổng hợp, báo cáo Bộ kết quả kiểm tra hiện trạng đập, hồ chứa nước trước mùa mưa lũ năm 2023.
MC 2: tin 2
Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.590 tuyến kênh các loại với chiều dài gần 2.600km, gần 1.690 cống ngăn mặn có. Bên cạnh đó, hồ chứa nước ngọt Ba Tri dung tích trên 800.000m3... Các công trình hoạt động hiệu quả và đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về thủy lợi và phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, 6 tháng đầu năm 2023 diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động trên địa bàn 139 xã đạt tỷ lệ trên 83%.
Mc 1: tin 3
Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng chịu trách nhiệm phục vụ tưới, tiêu cho 3.600 ha đất gieo cấy lúa trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Những năm gần đây, do nguồn nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp gây khó khăn cho việc lấy nước tưới, nhất là giai đoạn đổ ải, vì vậy, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án lấy nước phù hợp, đáp ứng yêu cầu mùa vụ. Ngay sau mùa mưa, bão năm 2023, để chuẩn bị phục vụ sản xuất năm tới, Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng đã xây dựng kế hoạch làm thủy lợi với khối lượng hơn 63 nghìn m3 đất đào đắp trên hệ thống kênh mương. Việc thực hiện làm thủy lợi được đơn vị triển khai từ đầu tháng 11 đến đầu 12/2023, xí nghiệp đã hoàn thành toàn bộ khối lượng theo kế hoạch; đồng thời, giải tỏa gần 83,5 km kênh mương, vệ sinh thông thoáng lòng kênh đáp ứng năng lực phục vụ. Các trạm bơm đầu mối được sửa chữa, bảo dưỡng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Thủy lợi nội đồng - 'mao mạch' của ngành nông nghiệp
Thủy lợi nội đồng là những 'mao mạch' đưa nước đến với từng thửa ruộng. Phát triển thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng.
Huy Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.