Triển vọng từ các đối tượng nuôi mới trên lòng hồ thủy lợi
Sở hữu hệ thống hồ thủy lợi lớn với tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trong lồng bè, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí giúp người dân du nhập nhiều đối tượng nuôi thủy sản mới, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
Võ Dũng | 16:38 08/11/2023
Triển vọng từ các đối tượng nuôi mới trên lòng hồ thủy lợi
Thưa quý vị và bà con!
Quảng Trị hiện hiện có 120 hồ đập thủy lợi. Đây là tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản trong lồng bè. Để góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí giúp người dân du nhập nhiều đối tượng nuôi mới. Bước đầu cho thấy, các mô hình đều được người dân đón nhận và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình, người dân cần tham khảo, nghiên cứu về kỹ thuật, điều kiện tự nhiên cũng như nguồn thức ăn để tránh rủi ro. Ghi nhận của phóng viên Võ Dũng.
Dưới cơn mưa tầm tã, khu nuôi cá lồng của ông Trần Đức Dũng tại thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn nổi bật trong mênh mông nước hồ Bảo Đại. Từ năm ngoái, sau một thời gian gắn bó với các đối tượng nuôi truyền thống như cá diêu hồng, rô phi, trê lai..., ông Dũng đã tìm hiểu và chuyển sang nuôi cá lăng chấm. Đây là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, được khách hàng trong tỉnh rất ưa chuộng. Trong lồng nuôi có thể tích 80 m3 trên hồ thủy lợi Bảo Đài, ông Dũng nuôi thử nghiệm 600 con cá lăng chấm giống, kích cỡ 10 - 12 cm. Thời điểm này, tại Quảng Trị chưa có người nuôi cá lăng chấm nên bước đầu ông Dũng phải tự mày mò và nhờ các kỹ sư thủy sản Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh tư vấn kỹ thuật.
Băng phỏng vấn ông Trần Đức Dũng (băng 1)
Sau gần 1 năm nuôi, cá lăng chấm trong lồng nuôi của ông Dũng đạt tỉ lệ sống trên 80%, trọng lượng từ 0,8 - 1 kg/con. Với giá bán dao động từ 90.000 - 130.000 đồng/kg, trừ chi phí ông Dũng lãi ròng trên 25 triệu đồng/lồng nuôi/năm.
Nhận thấy đây là đối tượng nuôi mới mang lại lợi nhuận cao, có đầu ra khá ổn định, ông Dũng quyết định chuyển 8 lồng nuôi của gia đình sang nuôi loại cá này. Hiện tại, mỗi lồng có thể thả nuôi khoảng 1,5 nghìn con cá giống. Ông Dũng nuôi gối vụ, 2 - 3 tháng lại thả giống một lồng để có cá thu hoạch quanh năm.
Kỹ sư Trần Hữu Phương – Trạm Khuyến nônghuyện Vĩnh Linh, người trực tiếp hỗ trợ ông Dũng kỹ thuật cho biết, nuôi cá lăng chấm tương đối đơn giản nhưng môi trường phải đảm bảo, nước chảy chậm, lưu thông liên tục để tự đẩy thức ăn thừa, phân cá trong lồng nuôi ra ngoài; giảm thiểu được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ. Thức ăn của cá lăng chấm khi còn nhỏ chủ yếu là thức ăn công nghiệp, khi đạt trọng lượng khoảng 0,2 kg/con trở lên có thể chuyển dần sang thức ăn tự phối trộn, ép viên có độ đạm phù hợp để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nuôi cá trong lồng bè giúp người nuôi dễ kiểm soát dịch bệnh và cân đối lượng thức ăn.
Theo ông Phương, cá lăng chấm thường xuất hiện bệnh ở thời điểm giao mùa, từ tháng 3 - 4 hàng năm. Để cá phát triển tốt, người nuôi cần lưu ý một số vấn đề.
Băng phỏng vấn ông Phương (băng 2)
Việc đưa các đối tượng nuôi mới vào nuôi trong các lồng bè trên các hồ đập thủy lợi, thủy điện thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Đây là một hướng đi phù hợp trong điều kiện tỉnh Quảng Trị có nhiều hồ đập thủy lợi với tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn nhưng hiện chưa được khai thác, phát huy tối đa lợi thế.
Ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết về định hướng về việc phát triển cá lồng bè trên các hồ thủy lợi, thủy điện trong thời gian tới
Băng phỏng vấn ông Phương (băng 3)
Thưa quý vị và bà con!
Việc du nhập các đối tượng nuôi lồng bè trên các hồ đập thủy lợi tại tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua đã giúp người dân đa dạng hóa các đối tượng nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nghề nuôi trồng thủy sản. Quảng Trị có nhiều hồ đập thủy lợi, thủy điện tạo ra tiềm năng lớn cho nuôi trồng thủy sản. Hi vọng, với việc du nhập nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, nghề nuôi cá lồng bè trên các hồ đập thủy lợi, thủy điện trong thời gian tới sẽ phát triển bền vững, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều người dân.
Triển vọng từ các đối tượng nuôi mới trên lòng hồ thủy lợi
Sở hữu hệ thống hồ thủy lợi lớn với tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trong lồng bè, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí giúp người dân du nhập nhiều đối tượng nuôi thủy sản mới, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
Võ Dũng
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam dần trở thành trung tâm xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực; Hoạt động văn phòng cần sáng tạo, chuyên nghiệp và chủ động hơn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 15-16/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và giông.