Từ ‘cánh đồng chết’ tới vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo
Sau nhiều nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thủy lợi, Tứ giác Long Xuyên - nơi từng được ví như 'cánh đồng chết' bởi không cây gì có thể sống nổi trên vùng đất này, giờ đã trở nên trù phú, là nơi trọng điểm sản xuất lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long và đang được chú trọng đầu tư với kỳ vọng trở thành vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, phát triển bền vững.
Kim Anh - Trung Chánh | 14:57 14/08/2023
Từ ‘cánh đồng chết’ tới vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Đầu tư nông nghiệp.
Thưa quý vị, Kiên Giang và An Giang là 2 địa phương dẫn đầu về diện tích, sản lượng lúa của vùng Tứ Giác Long Xuyên và cả nước. Hiện nơi đây đã hình thành các mô hình kiểu mẫu về liên kết lúa gạo, tạo động lực xây dựng thương hiệu mạnh cho hạt gạo Việt Nam. Để thúc đẩy sản xuất lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên phát triển đúng định hướng và đi vào bền vững trong những năm tới, mới đây, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã triển khai gói thầu xây lắp trị giá khoảng 77 tỷ đồng. Gói thầu này sẽ đầu tư hạ tầng hỗ trợ các HTX trong vùng Tứ Giác Long Xuyên phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo với diện tích 80.000 ha. Mỗi năm sản xuất hơn 1 triệu tấn lúa nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ chế biến xuất khẩu. Cụ thể mục tiêu đầu tư và định hướng phát triển cho vùng như thế nào, mời quý vị cùng nghe ghi nhận sau.
MC 2: Mảnh đất hình tứ giác ôm trọn địa bàn ba tỉnh: Kiên Giang, An Giang và TP. Cần Thơ, với bốn cạnh tiếp giáp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Ba Sắc của sông Hậu.
Vùng tứ giác này từng một thời là những cánh đồng hoang, nhiều người dân cố cựu nơi đây từng ví những cánh đồng ở Tứ giác Long Xuyên là cánh đồng chết bởi không cây gì có thể sống nổi. Nếu mùa khô, đất đai khô cằn, nứt nẻ. Mùa mưa đến bao nhiêu phèn trong lòng đất bắt đầu “trồi” lên.
Kể từ thời điểm công trình đào kênh T5, chiều rộng 30-36m, sâu 20m, dài 48 km qua địa bàn hai tỉnh An Giang, Kiên Giang được gấp rút triển khai và hoàn thành chỉ vỏn vẹn trong vòng 4 tháng, đã tạo nên sự thay đổi ngoạn mục cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Bên cạnh đó, hàng chục công trình thủy lợi lớn được đầu tư đồng bộ, biến Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú. Bắt đầu từ việc đào thêm các hệ thống kênh trục để dẫn lũ, cải tạo đồng ruộng. Các ô đê bao nội đồng phục vụ sản xuất cũng được đầu tư xây dựng, mở rộng diện tích canh tác.
Tứ giác Long Xuyên giờ đây đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của ĐBSCL, có thể nói không đất đai nơi nào nuôi dưỡng cây lúa phát triển tốt như Tứ giác Long Xuyên.
Tiếp nối chặng đường đó, Bộ NN-PTNT kỳ vọng đưa Tứ giác Long Xuyên trở thành vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất lúa của vùng ngày càng phát triển bền vững.
Vì thế, trong Hợp phần 3 được Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp triển khai sẽ đầu tư 1 gói thầu xây lắp với giá trị thực hiện khoảng 77 tỷ đồng. Cụ thể, gói thầu sẽ xây dựng 5 tuyến đường giao thông kết nối vùng nguyên liệu với các trục giao thông chính với tổng chiều dài hơn 35 km thuộc địa bàn 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang. Xây dựng mới 5 trạm bơm kết hợp cống điều tiết đảm bảo tưới, tiêu cho khoảng 2.000 ha lúa của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ NN-PTNT xác định 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang là trọng điểm sản xuất lúa gạo của ĐBSCL. Trong đó, riêng vùng nguyên liệu gạo tập trung được đầu tư cơ sở hạ tầng có tổng diện tích 80.000 ha, mỗi năm sẽ sản xuất ra hơn 1 triệu tấn lúa nguyên liệu.
[BANG TRAN THANH NAM 1]: “Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN-PTNT nhằm đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị cạnh tranh của nông sản, đi các thị trường quốc tế, trong đó có lúa gạo. Đến giờ này, các nước đã bắt đầu đi vào quy chuẩn, tiêu chuẩn của các sản phẩm nông nghiệp và bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc. Bắt đầu phải có nhãn hiệu đạt chuẩn, quy trình sản xuất như thế nào. Và tới đây sẽ là thương hiệu giảm phát thải nhà kính. Chính vì vậy Bộ NN-PTNT đã xác định, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn theo yêu cầu trong nước và quốc tế”.
MC 2:
Những bước đi cụ thể đã được vạch ra là hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao tại các HTX. Thúc đẩy mối liên kết, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo trên 19.600 ha, trong đó tỉnh Kiên Giang khoảng 5.200 ha và An Giang trên 14.400 ha.
Đồng thời, việc đầu tư này cũng hướng đến phát triển và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo. Đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu lúa gạo phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xác định việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng Tứ giác Long Xuyên là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Thời gian tới, để việc sản xuất được đồng bộ và lưu thông hàng hóa, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục đầu tư dự án VnSAT:
[BANG LE QUOC ANH]: “Trong thời gian vừa qua dự án đã phát huy rất nhiều tác dụng, nếu chúng ta tiếp tục thực hiện dự án này bằng những đề án để tiếp nối nó sẽ là một đóng góp cho ĐBSCL cũng như tỉnh Kiên Giang”.
MC 2:
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn đang tồn tại trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay.
[BANG TRAN THANH NAM 2]: “Trước hết vùng nguyên liệu phải đạt chuẩn, giống, quy trình sản xuất. Giống như thế nào chất lượng, quy trình sản xuất, đồng loạt một loại giống để đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp. Thứ hai phải giảm chi phí sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng. Chi phí trong một sản phẩm nông sản của Việt Nam chiếm khoảng 20-25%. Riêng gạo là cao nhất 30% chi phí sản xuất, chi phí logistics cho nên giá thành rất cao. Vấn đề thứ ba là tổ chức lại sản xuất phải có HTX, phải liên kết với nhau theo thời vụ, hướng dẫn, đầu tư, hỗ trợ mọi mặt”.
MC 2:
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng Tứ giác Long Xuyên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Những công trình xây dựng góp phần phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo hệ thống hạ tầng giao thông nội đồng, kết hợp giao thông nông thôn triển khai cho bà con nhân dân tại 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang. Các tuyến đường kết nối với các tiểu vùng, các xã, huyện trong tỉnh, sẽ thúc đẩy thông thương, vận chuyển nông sản được thông suốt, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
MC 1: Thưa quý vị và bà con, Dự án đầu tư hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo tại vùng Tứ giác Long Xuyên với mục tiêu tạo vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các DN chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở vùng Tứ giác Long Xuyên.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực Đầu tư nông nghiệp.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, hiện nay thành phố Hà Nội có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, giống lúa mới, 9 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và 250 doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản... Song, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang gặp không ít rào cản. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, hợp tác xã đều gặp khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất. Để tháo gỡ những vướng mắc này, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang tiếp tục tham mưu thành phố có những chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Cùng với đó, nhân rộng việc quy hoạch vùng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu thu hút doanh nghiệp đầu tư.
MC 2:
Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong 5 năm từ 2018 đến nay, Thanh Hóa đã đầu tư, hỗ trợ nhiều kinh phí cho xây dựng hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất, mô hình khuyến nông, mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ giống, bao bì nhãn mác sản phẩm, phát triển khoa học và công nghệ… Nhờ đó, đến nay, địa phương này có trên 1.800 chuỗi liên kết bền vững, tăng hơn 1.000 chuỗi so với năm 2018 với bốn tác nhân tham gia liên kết gồm: 26 đơn vị khoa học công nghệ, trên 65.000 hộ nông dân, trên 500 HTX nông nghiệp và trên 800 doanh nghiệp.
MC 1:
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị vừa công bố mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Hạn cuối để nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký dự án là ngày 28/8/2023. Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào tháng 4 năm nay với mục tiêu xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị xuất khẩu 256 triệu USD, xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100 nghìn tấn/năm, nhu cầu lao động khoảng 4.000 - 5.000 người.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Đầu tư nông nghiệp phát sóng trên Nông nghiệp radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Trung Chánh – Kim Anh
Từ ‘cánh đồng chết’ tới vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo
Sau nhiều nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thủy lợi, Tứ giác Long Xuyên - nơi từng được ví như 'cánh đồng chết' bởi không cây gì có thể sống nổi trên vùng đất này, giờ đã trở nên trù phú, là nơi trọng điểm sản xuất lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long và đang được chú trọng đầu tư với kỳ vọng trở thành vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, phát triển bền vững.
Kim Anh - Trung Chánh
Tin liên quan
Các chương trình
Nông nghiệp Việt Nam tăng tốc, bứt phá trong năm 2025; Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết.
Không khí lạnh tiếp tục suy yếu dần, mang đến thời tiết khá đẹp cho nhiều nơi. Miền Trung mưa giảm cả về diện và lượng.