Mục tiêu của đề án nhằm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở Vườn quốc gia U Minh Hạ một cách bền vững gắn với việc bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học. Đồng thời, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thông qua đề án được phê duyệt có thể đánh giá được thực trạng tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch cho phù hợp. Từ đó, định hướng cho việc lập các dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giá trị lịch sử trong Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Ngoài ra, có thể xây dựng các tuyến, các điểm du lịch sinh thái, lịch sử phù hợp với tiềm năng sẵn có và đáp ứng nhu cầu khách du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và các tuyến, điểm du lịch cũng như xây dựng các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.
Đồng thời, đảm bảo việc khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái được quản lý theo phương thức chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ môi trường, khẳng định thương hiệu cũng như khả năng cạnh tranh.
Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết: Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo các hoạt động sinh kế thông qua việc khai thác cơ hội từ các hoạt động du lịch sinh thái cho người dân địa phương. Thêm vào đó, tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia các loại hình du lịch, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Hoằng thông tin thêm: Theo phương án quản lý rừng bền vững vừa được phê duyệt, Vườn quốc gia U Minh Hạ tổ chức thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 2 phân khu có tổng diện tích hơn 1.300ha, gồm phân khu hành chính hơn 743ha và phân khu phục hồi sinh thái gần 575ha.
Các tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch và các tuyến kết nối các khu điểm du lịch ở khu vực như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các hộ du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác trong, ngoài tỉnh.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là gần 1.460 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa (trên 1.406 tỷ đồng) và ngân sách Nhà nước (trên 52 tỷ đồng).