Vẻ đẹp Bác Hồ trong lòng trí thức Nam bộ

Người dân Nam bộ dành cho Bác Hồ tất cả sự kính yêu. Vẻ đẹp Bác Hồ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của văn nghệ sĩ Nam bộ.

Lê Thiếu Nhơn  | 06:30 19/05/2024

Vẻ đẹp Bác Hồ trong lòng trí thức Nam bộ

Tự động

Từ làng Sen xứ Nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp năm châu để tìm đường đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi bóng đêm nô lệ. Khát vọng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thống nhất non sông. Trong những năm tháng đã dành được độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu về cuộc sống vẫn đang bị đọa đày xiềng xích của đồng bào miền Nam. Bài thơ “Bác ơi” nghẹn ngào lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chia biệt dương gian, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.

Thấu hiểu tình cảm cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Nam bộ đã dành cho Bác Hồ tất cả sự kính yêu. Mà minh chứng là vẻ đẹp Bác Hồ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của văn nghệ sĩ Nam bộ.

Trong khuôn khổ chương trình này, chúng tôi xin đề cập đến hình tượng Bác Hồ được phản ánh một cách gần gũi và lắng đọng trong thơ của các tác giả thành danh từng cư ngụ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Thưa quý vị thính giả

Hình tượng Bác Hồ là một đề tài hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Mỗi thể loại nghệ thuật chọn một phương pháp để sáng tác về hình tượng Bác Hồ. Tuy nhiên, cuộc đời và phẩm chất của vĩ nhân Hồ Chí Minh lại có những nét rất đặc sắc trong thi ca.

Nhà thơ Bảo Định Giang có thể xem như tác giả Nam bộ đầu tiên viết về Bác Hồ. Nhà thơ Bảo Định Giang sinh năm 1919 và mất năm 2005. Ông từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM. Nhà thơ Bảo Định Giang được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Hai câu thơ quen thuộc “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ” được nhà thơ Bảo Định Giang viết vào mùa hè năm 1946, khi ông đang là cán bộ ban Tuyên truyền lưu động Chiến khu 8 thuộc Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Nguyên tác bài thơ của Bảo Định Giang có bốn câu: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tim”. Bài thơ nhanh chóng được truyền tụng và được in ấn trên các sách báo vùng Đồng Tháp Mười. Năm 1948, nhà thơ Bảo Định Giang gửi bài thơ cho phái đoàn của tướng Trần Văn Trà, nhờ đem ra chiến khu Việt Bắc để tặng Trung ương Đảng.

Từ đó, bài thơ được lan tỏa cả nước. Thế nhưng, phần lớn các văn bản đều chỉ sử dụng hai câu đầu, và bỏ đi hai câu cuối. Thiết nghĩ, đó cũng là một chỉnh thể gọn gàng và đầy đủ. Đến nay, hai câu thơ viết về Bác Hồ của nhà thơ Bảo Định Giang đã tồn tại bền vững trong đời sống cộng đồng như một bài ca dao.

Nhà thơ thứ hai gặt hái nhiều thành công khi viết về Bác Hồ là Chế Lan Viên. Nhà thơ Chế Lan Viên sinh năm 1920 tại Quảng Trị và mất năm 1989 tại TP.HCM. Nhà thơ Chế Lan Viên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Nổi danh từ thời Thơ Mới, khi đi theo cách mạng, thơ Chế Lan Viên có sự chuyển hướng rõ rệt. Và ông có được những bài thơ viết về Bác Hồ bằng giọng thơ triết lý.

Đề tài Hồ Chí Minh thôi thúc nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác suốt một thời gian dài. Ngày Bác Hồ qua đời, nhà thơ Chế Lan Viên viết bài thơ “Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối” với suy tư: “Tiếng khóc lọc hồn ta như lửa chói ngời/ Người nhận ra ta, ta nhận ra người/ Cả dân tộc tìm mình trong tiếng khóc”.

Không những thế, nhà thơ Chế Lan Viên còn có bài thơ “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người” với thao thức: “Bác nằm kia như một sự kết tinh/ Trăm cuộc sống/ Cuộc sống nào cũng đẹp/ Bác nằm đấy như cái gì nối tiếp/ Giữa núi sông với núi sông, con người lại con người/ Ta rách xé trong riêng tư mà Người cao cả anh hùng/ Người trong veo mà ta chưa giản dị được trong lòng/ Qua xứ tinh thần nơi gạn lọc/ Qua khí hậu thanh cao, ngọn lửa tuyệt vời/ Nhận vào ta phẩm chất của Người/ Ngỡ như cả tâm hồn ta đổi khác”.

Ấn tượng sâu đậm trong những sáng tác về Bác Hồ của nhà thơ Chế Lan Viên là bài thơ “Người đi tìm hình của nước” viết năm 1960. Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” gồm 20 khổ thơ, tổng cộng 80 câu thơ, đã tạo rung động mạnh mẽ cho nhiều thế hệ người Việt Nam.

Mời quý vị cùng nghe bài thơ “Người đi tìm hình của nước” qua giọng ngâm Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết.

(Trích băng ghi âm TRAN THI TUYET)

Thưa quý vị thính giả.

Nhà thơ Thu Bồn sinh năm 1935 tại Quảng Nam và mất năm 2003 tại TP.HCM. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Trong sự nghiệp sáng tác đa dạng của nhà thơ Thu Bồn, có những tác phẩm quan trọng về hình tượng Bác Hồ. Trường ca “Trên vách đá Hồ Chí Minh” viết năm 1970, nhà thơ Thu Bồn đã dùng không khí sử thi Tây Nguyên để thể hiện sự trung thành và sự kính trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với lãnh tụ.

Tuy nhiên, tác phẩm viết về hình tượng Bác Hồ được phổ biến sâu rộng của nhà thơ Thu Bồn là bài thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha”, thật thiết tha và thật ân cần:

“Hành trang Bác chẳng có gì

Một đôi dép mỏng đã lì chông gai

Cho con núi rộng sông dài

Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm.

Tâm sự của nhà thơ Thu Bồn cũng là tâm sự của nhiều trí thức Nam bộ không có may mắn được gặp Bác lúc Người còn tại thế: “Tiếc rằng trước lúc chia ly/ Con chưa thấy được dáng đi của Người/ Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/ Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam/ Con qua Cẩm Lệ sông Hàn/ Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha”.

Cũng tương tự nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Viễn Phương từng mong ước được gặp Bác Hồ nhưng không thể toại nguyện. Cho nên, khi đất nước liền một dải, nhà thơ Viễn Phương đã thành kính vào lăng viếng Bác Hồ và viết bài thơ “Viếng lăng Bác”.

Bài thơ “Viếng lăng Bác” sáng tác tháng 4/1976, chỉ vỏn vẹn 16 câu thơ, nhưng dựng nên một không gian thương nhớ và khơi dậy một miền cảm xúc thiêng liêng. Từ bồi hồi cá nhân, nhà thơ Viễn Phương đã nói thay tâm sự cho hàng triệu người dân Nam bộ khi hướng về Bác Hồ “mai về miền Nam thương trào nước mắt, muốn làm con chim hót quanh lăng Bác”.

Có một sự trùng hợp thú vị. Đó là nhà thơ Viễn Phương quê quán ở tỉnh An Giang viết bài thơ “Viếng lăng Bắc” thì nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng quê quán ở tỉnh An Giang, đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.

Xin mời quý vị thính giả thưởng thức ca khúc “Viếng lăng Bác”, do Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Thúy thể hiện

(Trích băng ghi âm ca khúc “Viếng lăng Bác”, Thanh Thúy hát)

Thưa quý vị thính quả

Dù chưa thể thống kê trọn vẹn những tác phẩm mà các nhà thơ Nam bộ suốt mấy thập niên qua đã viết về vẻ đẹp Bác Hồ, nhưng có thể khẳng định, một nhà thơ đã chọn lựa hình tượng Bác Hồ để làm chủ đề lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình, chính là nhà thơ Hải Như.

Nhà thơ Hải Như sinh năm 1923 tại Nam Định và mất năm 2017 tại TP.HCM. Những tập thơ tiêu biểu của nhà thơ Hải Như là “Trái đất mai này còn lại tình yêu” (1985) “Bài thơ trên bến Nhà Rồng” (1990) “Thơ viết về Người” (2004) đều có những trang lấp lánh hình tượng Bác Hồ. Thực sự, nhà thơ Hải Như đã có nhiều trăn trở, để tìm ra con đường thi ca tiếp cận hình tượng Bác Hồ. Ông dùng những câu ngắn để nói trực tiếp, không cần ngoa ngôn, không cần bóng bẩy.

Cái tài và cái tâm của nhà thơ Hải Như đã mở ra biên độ thẩm mỹ mới, về hình tượng Bác Hồ trong thi ca Việt Nam: “Hồ Chí Minh - hiện thân giữa nhân gian/ Bay bổng như cung đàn/ Nồng nàn như hương nắng/ Trong trắng pha lê/ Bình dị nét quê lề đất/ Đừng ai mượn danh Người làm thần tượng ngụy trang/ Đừng ai thần thánh hóa tấm gương Người/ Người hiện hữu giữa đời thường rất thật/ Người thích mặc áo nâu tươi màu đất”.

Sự độc đáo ở thơ Hải Như là thông qua hình tượng Bác Hồ để thức tỉnh cộng đồng. Thói quen sinh hoạt giản dị của Bác Hồ nhắc nhở tâm hồn mỗi người: “Khác với chúng ta/ Bác Hồ đắp chăn đơn – không muốn mình ấm quá/ Người trằn trọc canh dài/ Vì tiếng trẻ rao đêm/ Khi còn những bất công (chưa dễ dàng ta xóa)/ Cần có những phút buồn/ Nâng chúng ta lên”.

Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiền ngẫm thấu đáo, nhà thơ Hải Như có được một kịch bản văn học rất ấn tượng là “Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng” phục dựng chân dung Bác Hồ giai đoạn gian nan tìm đường cứu nước. Còn khi Người đã trở thành linh hồn Tổ quốc, nhà thơ Hải Như lại nêu bật phẩm hạnh Bác Hồ bằng những câu chuyện cụ thể: “Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp bạn mình”

Nhà thơ Hải Như xác định tư tưởng cách mạng của Bác Hồ: “Lấy lại lẽ công bằng cho cả những loài hoa/ Hương và sắc tủi hờn trong bóng tối/ Người chiến sĩ đấu tranh không biết mỏi/ Lọc chất người. Xin đời mãi tạc ghi”. Vì vậy, lẽ sống cao đẹp của Bác Hồ cần phải được thế hệ sau tích cực kế thừa: “Lúc nào và bao giờ cũng buồn vui chia sẻ với nhân dân/ Bác gọi đó là thước đo lòng mình sau trước”.

Thưa quý vị thính giả

Giữa bối cảnh xã hội đang nỗ lực đẩy lùi những biểu hiện tha hóa, thì vẻ đẹp Bác Hồ càng trở nên sâu sắc trong lòng trí thức Nam bộ nói riêng và trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước nói chung. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một sự rèn luyện trường kỳ, như nhà thơ Hải Như viết: “Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất kẻ thù ẩn náu trong ta”.

Chúng tôi xin khép lại chương trình radio đặc biệt kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng ca khúc “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” của nhạc sĩ Lưu Cầu, một người con của mảnh đất Sóc Trăng, do Nghệ sĩ Ưu tú Vân Khánh thể hiện.
Tự động

Vẻ đẹp Bác Hồ trong lòng trí thức Nam bộ

Người dân Nam bộ dành cho Bác Hồ tất cả sự kính yêu. Vẻ đẹp Bác Hồ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của văn nghệ sĩ Nam bộ.

Lê Thiếu Nhơn

Các chương trình

Cơ hội và thách thức cho phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học
Đối thoại

Sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, sinh thái, an toàn và bền vững.

Cơ hội và thách thức cho phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học
Tái canh cà phê mang lại lợi ích kép cho ngành hàng
Đối thoại

Từ khi thực hiện đề án tái canh của Bộ NN-PTNT đến nay, Đắk Lắk đã có hàng chục nghìn cà phê được cải tạo giúp nâng cao năng suất, chất lượng của vườn cây.

Tái canh cà phê mang lại lợi ích kép cho ngành hàng