Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cặp vợ chồng cầm bút nổi tiếng bậc nhất trong giới văn chương Việt Nam.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào  | 

Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau

Tự động

Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau

nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thành danh từ bài thơ “Khoảng trời hố bom” viết về sự hy sinh của nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa. Lớn lên trong gia đình nghèo lại thiếu bóng dáng người cha, nhưng Lâm Thị Mỹ Dạ thời thanh xuân vẫn tự tin giữa vòng tay bạn bè nhờ nhan sắc xinh đẹp và tài năng thi ca.  

Tuổi hai mươi, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Vậy mà, trái tim trong trẻo ấy bỗng loạn nhịp vì một người đàn ông lớn hơn 12 tuổi, đã từng trải trên con đường cách mạng lẫn con đường văn chương. Ngày hạnh ngộ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, sự run rẩy tràn ra trang thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Mẹ không có cửa nhà/ Em – đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa/ Ngày ấy anh đã có/ Một tuổi thơ êm đềm/ Suốt ngày được cười hát/ Trong gia đình ấm êm/ Anh chẳng biết nơi xa/ Một cuộc đời đã nở/ Anh chẳng biết có em/ Giữa khí trời đang thở”.

Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau

Bắt đầu hẹn hò từ năm 1972, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thú nhận: “Những câu thơ hay nhất/ Về hạnh phúc tình yêu/ Lòng vui em nhẩm đọc/ Và ao ước một chiều/ Ngồi bên anh yêu dấu/ Đọc những lời thơ yêu/ Nhưng đến lúc gặp anh/ Em chẳng còn thuộc nữa/ Cái nhìn anh yêu thương/ Đốt lòng em ngọn lửa/ Và bỗng dưng em thấy/ Trong mắt anh đắm say/ Những câu thơ run rẩy/ Những câu thơ trốn chạy/ Những câu thơ cháy rồi”. Ngược lại, sự hồn nhiên của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng khiến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường xao xuyến: “Nháy hoài trong cây khuya/ Một ngôi sao xanh biếc/ Là mắt em tinh nghịch/ Trốn tìm qua đời anh”.

Trước khi gặp gỡ mối duyên trăm năm của đời mình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có tập bút ký “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” rất được tán thưởng, nhưng chưa ai thấy ông công bố bài thơ nào. Vậy mà, từ ngày sánh bước với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, thì bên cạnh các trang văn giàu suy tưởng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại xuất hiện nhiều vần điệu trữ tình. Tháng 10/1973, sau lễ cưới với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tổ chức tại Hà Nội, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bài thơ khá dài có tên gọi “Một thân cây, một tàng lá, một bông hoa” để tặng người vợ trẻ: “Chùm hoa sữa đầu mùa/ Tỏa một vùng hương ấm/ Xôn xao trong lòng anh/ Như mùa thu nhạy cảm/ Nghe hương bay từ xa/ Biết một chùm hoa nắng/ Những ngày sắp đi xa/ Hiểu lòng anh thầm lặng/ Cho ước mong mai sau/ Đời đơm hoa kết nụ/ Xõa làn tóc ban đầu/ Hương bay đầy mái phố”.

Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau

Tổ ấm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trở nên rộn rã hơn với đứa con gái đầu lòng Hoàng Dạ Thư. Trong không gian hạnh phúc mới, thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ có nhiều chuyển biến mới, vừa có niềm bâng khuâng “Trời anh mênh mông/ Mây em bay lượn/ Gió anh bao la/ Cây em ve vuốt/ Đất anh thẳm sâu/ Lúa em cúi đầu” vừa có nỗi băn khoăn “Em sợ lời khen của anh/ Như sợ chiều về, hắt lối/ Nhiều khi ngồi buồn một mình/ Trách anh sao mà nông nổi/ Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em làm người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh”.

Non sông thống nhất, Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa nhau về Huế vun đắp gia đình. Bên dòng sông Hương vương vấn cổ tích, nhịp sống hòa bình với những bộn bề lại mang đến thử thách khác cho uyên ương mơ mộng. Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ làm thơ nhắn nhủ vợ: “Nhiều lần anh hỏi Dạ/ Em có được vui lòng/ Bên đời anh rất nhỏ/ Giữa cuộc đời riêng chung” mà ông còn làm thơ nhắc nhở mình: “Giữ hoài cho màu nước/ Sáng trong như lòng tin/ Đừng để thấy trong em/ Gương mặt tôi tan vỡ”.

Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau

Năm 1976, căn nhà nhỏ của Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường đón thêm đứa con gái thứ hai Hoàng Dạ Thi. Cả vợ chồng đều biên chế ở Hội văn nghệ Bình Trị Thiên với đồng lương bao cấp, cái ăn cái mặc cũng thành sự mệt mỏi thường nhật. Áo cơm túng bấn lấn át lãng mạn, lắm lúc khiến họ thấy ngột ngạt. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ an ủi chồng: “Chúng ta sống hòa vào nhau làm một/ Như đất kia cần có khí trời/ Như sông núi ruộng đồng chim lá/ Nếu anh sống vô tư cao cả/ Và vui tươi dũng cảm cần cù/ Sự già nua sẽ chẳng đến cùng ta/ Tâm hồn em mãi đẹp như buổi sớm”.

Dù nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải người Huế gốc gác, nhưng họ chọn Huế làm quê hương và họ góp phần không nhỏ cho sự phong phú màu sắc văn hóa xứ Huế. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành những nét chấm phá độc đáo của văn chương cố đô.

Tuy nhiên, thời gian gắn bó xứ Huế, cũng có hai giai đoạn vợ chồng họ chấp nhận sống xa nhau. Giai đoạn thứ nhất, kéo dài 4 năm, từ 1979 đến 1983, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du. Giai đoạn thứ hai, kéo dài 5 năm, từ 1989 đến năm 1994, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ra Quảng Trị để sáng lập và làm Tổng Biên tập tạp chí Cửa Việt. Đó là năm tháng mà tài năng của mỗi người đều chín muồi trong sự nghiệp, nhưng tình cảm cũng có những xáo trộn riêng tư.

Nếu nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có những giây phút ngổn ngang “Giá mà ta được là sông/ Biết ra tới biển là không còn mình/ Bất cần ngàn sóng coi khinh/ Mặn mòi đã thấu, tan mình sá chi”, thì nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thảng thốt: “Buồn từ dạo ấy chưa nguôi/ Ngoài kia sương khói đã trời sang thu/ Ta còn một chút phù du/ Hóa thành một kiếp đền bù cho em” để lặn lội tìm lại “dạ khúc” nâng đỡ nàng thơ mong manh giữa ngược xuôi thị phi “Có buổi chiều nào như chiều xưa/ Anh về trên cát nóng/ Đường dài vành môi khát bỏng/ Em đến dịu dàng như một cơn mưa”.

Tự động

Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cặp vợ chồng cầm bút nổi tiếng bậc nhất trong giới văn chương Việt Nam.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào

Các chương trình

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca xin một đời thôi tiếc thương nhau
Chuyện tình khó quên

Thời thanh xuân, Đinh Trầm Ca có vóc dáng của một thợ cày, nhưng lại là một tay lãng tử thứ thiệt. Từ niên thiếu, ông đã nổi tiếng tài hoa và phóng túng.

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca xin một đời thôi tiếc thương nhau
Giáo sư Dương Quảng Hàm lương duyên lưu giữ trang sử trang văn
Chuyện tình khó quên

Sau khi giáo sư Dương Quảng Hàm hy sinh, bà Trần Thị Vân dành phần đời còn lại để lặng lẽ nhớ thương chồng.

Giáo sư Dương Quảng Hàm lương duyên lưu giữ trang sử trang văn