'Vùng nhạy cảm' với hạn mặn ở Sóc Trăng chủ động ứng phó

Theo dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL, mùa khô 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập ở mức cao hơn nhiều năm, các địa phương đã chủ động ứng phó.

Kim Anh  | 

'Vùng nhạy cảm' với hạn mặn ở Sóc Trăng chủ động ứng phó

Tự động

'Vùng nhạy cảm' với hạn mặn ở Sóc Trăng ứng phó hạn mặn

MC 1: Thưa quý vị và bà con, theo bản tin mới nhất dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện cho thấy, mùa khô 2023 – 2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Cụ thể, ở vùng thượng ĐBSCL vẫn đảm bảo đủ nguồn nước, riêng vùng núi cao huyện Tịnh Biên, Tri Tôn của tỉnh An Giang sẽ gặp khó khăn. Vùng giữa đồng bằng nguồn nước cơ bản đảm bảo.

Còn tại vùng ven biển, ngay từ đầu năm 2024, một số địa phương đã bị nước mặn xâm nhập bất thường. Các địa phương đã chuẩn bị phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng. Đồng thời, chủ động điều tiết, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, bà con nông dân cũng cẩn trọng kiểm tra chặt chẽ độ mặn khi lấy nước ngọt phục vụ sản xuất. Sau đây mời quý vị và bà con cùng theo dõi ghi nhận do phóng viên Nông nghiệp radio thực hiện.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, tại các địa phương vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước hiện còn đảm bảo. Thời điểm này bà con nông dân đang tranh thủ tích nước ngọt để đảm bảo sản xuất trong các tháng mùa khô sắp tới.

Tìm về xã miệt biển huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, đây là một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn của tỉnh, với diện tích khoảng 5.200ha, chủ lực là cây dừa, xoài và nhãn.

Đặc thù của địa phương này, mỗi ngày có 2 con nước, từ lúc nước bắt đầu lớn cho đến khi nước ròng chỉ vài giờ đồng hồ. Kinh nghiệm sản xuất lâu năm, bà con dễ dàng canh được thời điểm phù hợp nhất để lấy nước ngọt vào tích trữ trong mương vườn. Hơn nữa, vùng trồng cây ăn trái cách xa cửa biển từ 40 – 50km, nên nước mặn không xuất hiện thường xuyên và liên tục.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã ban hành kế hoạch ứng phó, phòng chống hạn mặn.  Trong đó, giải pháp phi công trình được chú trọng tập trung thực hiện.

[Băng NGUYEN VAN DAC]: “Huyện đang tập trung quan trắc đo độ mặn định kỳ để tuyên truyền cho người dân khi lấy nước, phải kiểm tra để sử dụng nước tới cho các vườn cây phù hợp. Thời điểm này, các vườn cây nhãn, xoài không trong giai đoạn làm trái mà rơi vào giai đoạn đang thu hoạch và sau thu hoạch là chính nên hiện nay các vườn cần nước tưới mình cũng tuyên truyền họ phải chủ động tích trữ nước ngọt trong mương vườn, thông qua hệ thống tưới tiết kiệm”.

Hiện nay, do hệ thống đê bao của huyện Cù Lao Dung chưa khép kín, việc trữ nước chỉ phát huy hiệu quả ở khu vực khoảng 300ha đang trồng xoài. Còn lại, gần 200ha đang trồng nhãn, huyện chỉ bố trí được hệ thống cống khép kín hơn 3km. Còn lại các vùng khác tuy có đầu tư đê sông, đê tả hữu, nhưng các đê đi ngang rạch vẫn còn những rạch hở do phục vụ cho công tác vận chuyển, nước mặn có khả năng xâm nhập vào nội đồng. Do đó, về lâu dài, ngành nông nghiệp huyện nhận định việc bà con nông dân muốn tăng năng suất, chất lượng cây ăn trái vào mùa hạn là rất khó, chỉ canh tác cầm cự.

Cách Cù Lao Dung hơn 50km, những cánh đồng lúa hàng ngàn hecta ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân sớm. Bà con nông dân hầu hết đều ở ngoài đồng “canh chừng” máy cắt để cân lúa hoặc nếu máy có trục trặc gì cũng kịp xử lý.

Con đường bê tông nhỏ chạy dọc kênh Tám Lem hầu như kẹt cứng vì nhường đường cho máy cắt, xe chở lúa, vô ra tấp nập. Trước đây, bà con vùng này “phất lên” nhờ sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Tuy nhiên, từ đợt hạn mặn lịch sử giai đoạn 2015 – 2016 đến nay, hầu như nông dân thất trắng khi làm lúa vụ 3 vì thiếu nước tưới, các kênh trong nội đồng cạn khô. Vì thế bà con chuyển sang sản xuất 2 vụ để tránh rủi ro khi nước mặn lên.

Nông dân Phạm Hoàng Trân sống cố cựu trên vùng đất này bộc bạch, nước mặn xuất hiện từ tháng 1 (dương lịch) và kéo dài đến tháng 4 (tùy năm). Năm nay, nước mặn xuất hiện sớm, nhờ nằm trong vùng đê bao khép kín nên diện tích lúa đông xuân 2023 – 2024 của gia đình ông không bị ảnh hưởng. Vụ này gia đình ông sạ 3ha với giống lúa ST25, năng suất trung bình ước đạt 6 – 6,5 tấn/ha.

[Băng PHAM HOANG TRAN]: “Độ mặn hôm rồi nói chung 2-3 phần ngàn, đóng cống, mình nằm trong đê khép kín bây giờ nước ngọt trở lại bắt đầu mới mở. Ở đây mình ngăn mặn, giữ ngọt nếu ngoài sông mặn rồi thì trong này mình phải chịu, đâu có nguồn nước ngọt nào đưa vô đâu, nước mặn bắt buộc đóng cống, trong này phải cạn”.

Đóng cống chỉ phát huy hiệu quả ngăn mặn trong thời gian ngắn, bởi những năm nước mặn kéo dài, việc đóng cống khiến nước trong nội đồng cạn dần. Bà con trong vùng đành bỏ ruộng trống, phơi đất, đợi đến mùa mưa mới bắt đầu gieo sẹ. Tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến việc phát triển các loại cây trồng khác xen cây lúa ở đây cũng không hiệu quả.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi ở xã Long Đức nêu ra thực tế, trong HTX vẫn có trường hợp xã viên tự phát sạ lúa vụ 3. Nếu diện tích này tăng cao, sẽ dẫn đến lượng nước ngọt tích trữ trong các kênh mương không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, nguy cơ thất thu rất cao.

[Băng TRUONG VAN HUNG]: “Lượng xuống giống vụ 3 nhiều quá không đủ nước bơm, khi ngọt vô được ít, tích lại bơm chừng 2 – 3 bữa thì hết nước rồi. Nói chung xã vận động, HTX cũng vận động bà con đừng xuống giống vụ 3, nhiều khi người ta thấy giá lúa có giá, người ta tự phát người ta sạ thôi, chứ mình không khuyến khích bà con làm”.

Vụ đông xuân muộn năm 2023 – 2024, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống trên 31.000ha. Dự kiến diện tích này sẽ tăng thêm trên 10.000ha trong thời gian tới. Đây cũng là thời điểm dự báo khả năng mặn xâm nhập sâu và tăng cao.

Kết quả đo độ mặn nguồn nước hàng ngày của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho thấy, nước mặn đã bắt đầu xuất hiện tại các cửa sông. Huyện Long Phú và Trần Đề là 2 địa phương có nguy cơ cao bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, với gần 40.000 ha đất trồng lúa trong vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt bị ảnh hưởng.

Để chủ động nguồn nước sản xuất, giảm tối đa thiệt hại do hạn mặn, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc sở, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về tình hình xâm nhập mặn để người dân biết và chủ động các giải pháp ứng phó.

Đồng thời, dựa trên tình hình thực tế, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp tình hình địa phương.

Rà soát các khu vực có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để khuyến cáo, hướng dẫn người dân về thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống lúa và triển khai các biện pháp, kỹ thuật phòng chống hạn, mặn.

MC 1: Thưa quý vị và bà con, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 635 cống, 1.000km kênh và 95km đê biển. Thực tế, hệ thống công trình thủy lợi này chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, phần lớn vùng sản xuất lúa ở Sóc Trăng là vùng hở, khả năng khống chế mặn rất khó.

Vừa qua, địa phương này được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo Quốc lộ Nam Sông Hậu từ âu Rạch Mọp đến các hệ thống cống dài xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách. Đồng thời, hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt và các hệ thống thủy lợi khác trên địa bàn, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã lập dự án đề nghị vay vốn Trung ương để xây dựng âu thuyền Đại Ngãi, âu thuyền Mỹ Xuyên.

Sau khi hoàn thành, các hệ thống thủy lợi này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả kiểm soát nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng.

Kim Anh

Tự động

'Vùng nhạy cảm' với hạn mặn ở Sóc Trăng chủ động ứng phó

Theo dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL, mùa khô 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập ở mức cao hơn nhiều năm, các địa phương đã chủ động ứng phó.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Đắm chìm trong không gian tĩnh mịch của 'chợ ma' Định Yên
Phóng sự

Vào ngày 16 âm lịch hàng tháng, hơn 100 diễn viên không chuyên với nhiều lứa tuổi sẽ tề tụ về trước cửa Đình thần để tái hiện lại thực cảnh 'chợ ma' Định Yên.

Đắm chìm trong không gian tĩnh mịch của 'chợ ma' Định Yên
Linh thiêng Côn Đảo - Vang vọng bài ca yêu nước
Phóng sự

Dịp lễ 30/4 hàng năm, cũng là lúc bao thế hệ người Việt tìm về những 'địa chỉ đỏ' để ôn lại kỷ niệm hào hùng, cúi đầu, dâng hương những linh hồn bất tử.

Linh thiêng Côn Đảo - Vang vọng bài ca yêu nước