Vườn quốc gia Cúc Phương - nôi bảo tồn đa dạng sinh học
Với hệ giá trị đặc biệt, từ năm 2019 - 2023, Cúc Phương đã 5 năm liên tiếp được bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Tùng Đinh | 10:55 25/04/2024
Vườn quốc gia Cúc Phương - Cái nôi bảo tồn đa dạng sinh học
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, nằm trên địa phận ranh giới 3 khu vực Tây Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Vườn quốc gia Cúc Phương sở hữu hệ động thực vật phong phú đa dạng, mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, ra đời vào năm 1962, đến nay Cúc Phương vẫn là vườn quốc gia đứng đầu cả nước về công tác bảo tồn đa dạng sinh học khi nhiều loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Không những vậy, với hệ giá trị đặc biệt, từ địa chất địa mạo, cổ sinh học, lâm sinh, cảnh quan và văn hóa bản địa, từ năm 2019 – 2023, Cúc Phương đã 5 năm liên tiếp được bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á. Vậy, nhờ đâu mà Vườn quốc gia Cúc Phương có được hành trình đầy tự hào này, mời quý vị cùng tìm hiểu qua ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp Radio.
MC 2:
Chiếc ô tô vừa dừng ở cổng Vườn Quốc gia Cúc Phương, Hà Linh vội mở cửa, lao về phía đàn bướm trắng đang dập dìu trên bãi cỏ xanh mướt gần khu hành chính. Đây là lần đầu tiên cô bé 4 tuổi được bố mẹ cho đi thăm Cúc Phương, vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam vào đúng dịp đang mùa bươm bướm và đom đóm, cuối tháng 4 đầu tháng 5.
Không chỉ Hà Linh, rất nhiều lượt em nhỏ khác đã từng được đến Cúc Phương để tham quan, trải nghiệm và được giáo dục về thiên nhiên, để hiểu và yêu hơn hệ sinh thái đa dạng, phong phú của những cánh rừng.
Để làm được điều đó, nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Cúc Phương luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái chính là bệ đỡ, nền tảng cho phát triển giáo dục, du lịch trải nghiệm cho khách tham quan.
Và trong đề án phát triển du lịch sinh thái đến năm 2030, Vườn Quốc gia Cúc Phương xác định, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vẫn là nhiệm vụ số một.
Lấy đó là trọng tâm để phát triển du lịch, hướng tới du lịch sinh thái bền vững, lồng ghép và nâng cao kiến thức, giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên, đa dạng sinh học, động vật hoang dã và các loài đặc hữu của Vườn Quốc gia Cúc Phương tới du khách.
Việc phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cúc Phương phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Chỉ thị số 08, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tích hợp công nghệ số 4.0 vào hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn du khách; chú trọng phát triển theo hướng "mỗi du khách đến Vườn vừa phải có trách nhiệm với thiên nhiên, vừa đóng góp xã hội".
Băng ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sinh thái, Vườn cũng tập trung phát huy những giá trị văn hoá - lịch sử là tiềm năng của Vườn trong các hoạt động du lịch, nhằm đa dạng hoá sản phẩm, trải nghiệm của du khách khi đến với Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Ban quản lý vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam xác định, phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, coi phát triển du lịch là một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, tình yêu với thiên nhiên.
Tập trung nâng cao chất lượng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ và chiều sâu cũng như hàm lượng và nội dung, thông điệp truyền tải về môi trường thông qua các hoạt động trải nghiệm, giáo dục, diễn giải môi trường một cách trực quan, sống động và thực tiễn. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững đánh giá:
Băng ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững
Nhiều năm qua, Cúc Phương vẫn duy trì danh hiệu Vườn Quốc gia hàng đầu Châu Á, đồng thời phấn đấu đạt được các danh hiệu cao quý khác cả trong nước và quốc tế, thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, cùng sự hợp tác, kết nối với các Vườn Quốc gia/Khu bảo tồn thiên thiên trong và ngoài nước, các đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Về mục tiêu và định hướng, Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ thêm, Ban Quản lý Vườn xác định 2 vấn đề cụ thể. Thứ nhất là phát triển du lịch sinh thái theo hướng khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và tạo ra những trải nghiệm tốt cho du khách.
Thứ hai, định hướng tổ chức không gian và cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch sinh thái; định hướng phát triển du lịch sinh thái theo cung - cầu; định hướng tăng cường vị thế và hình ảnh của Vườn quốc gia Cúc Phương thông qua phát triển du lịch sinh thái.
Băng ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương
MC 1:
Vâng thưa quý vị và bà con, Phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cúc Phương được xác định sẽ triển khai theo hướng khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương và tạo ra những trải nghiệm tốt cho du khách. Không những vậy, Cúc Phương cũng ngày càng chú trọng các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh phổ thông các cấp, tổ chức và vận hành chu đáo, chuyên nghiệp hơn các sản phẩm du lịch độc đáo hiện có để mỗi du khách đến vườn vừa có những trải nghiệm ý nghĩa, vừa phải có trách nhiệm với thiên nhiên và đóng góp xã hội.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực lâm nghiệp.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Tháng 4 năm ngoái, Dự án xây dựng mô hình trồng cây tràm lá dài trên đất bán ngập khu vực lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang được triển khai trồng thử nghiệm với diện tích 6ha, thuộc địa phận thôn Nà Noong, xã Năng Khả, huyện Na Hang, Tuyên Quang. Theo đó, Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang đã tiến hành các thủ tục mua cây giống, phân bón và triển khai trồng cây tràm lá dài. Tổng số cây giống đã cung ứng là hơn 43.900 cây, đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Qua theo dõi sinh trưởng và nghiệm thu nội bộ, Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang bước đầu đánh giá cây tràm lá dài trong mô hình có khả năng chịu khô hạn tốt, tỷ lệ sống rất cao, trung bình đạt 98%, cây sinh trưởng tốt.
MC 2: tin 2
Ban Quản lý Chương trình Rừng và Trang trại phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức Hội thảo lập kế hoạch liên ngành bàn về các giải pháp phát triển rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp. Một số giải pháp được đề ra tại Hội thảo là tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình sinh kế, rừng gỗ lớn đã được đầu tư hỗ trợ; lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng địa phương; phối hợp hỗ trợ về vốn vay cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia trồng rừng, duy trì và nhân rộng các mô hình nông, lâm nghiệp có hiệu quả. Nghiên cứu phát triển trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên. Qua đó tận dụng được đất đai, nâng cao giá trị của rừng; các ngành chuyên môn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về chuyên môn chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
MC 1: tin 3
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tổng số lâm sản vi phạm bị tạm giữ, chờ xử lý là 15,5m3 gỗ tròn các loại; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 10 triệu đồng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện Định Hóa, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong đó có một số vụ việc khai thác lâm sản trái pháp luật. Riêng năm 2023 có 2 vụ phá rừng phòng hộ tại xóm Khuân Nhà, xã Quy Kỳ và xóm Làng Há, xã Lam Vỹ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố vụ án và các bị can.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Vườn quốc gia Cúc Phương - nôi bảo tồn đa dạng sinh học
Với hệ giá trị đặc biệt, từ năm 2019 - 2023, Cúc Phương đã 5 năm liên tiếp được bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Tùng Đinh
Tin liên quan
Các chương trình
Với truyền thống hàng trăm năm tuổi, sản xuất tăm hương và làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã chuyển từ nghề phụ thành sinh kế chính, có những đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh những hình thức quảng bá truyền thống, hoa xuân Mê Linh hiện còn có mặt ở các phiên chợ, lễ hội và đặc biệt là những phiên livestream trên mạng xã hội.