Xây dựng vùng lúa gắn kết tiêu thụ để gạo hữu cơ không bị đánh đồng

Tỉnh Sóc Trăng xác định việc kêu gọi đầu tư, liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước đi quan trọng.

Kim Anh  | 

Xây dựng vùng lúa gắn kết tiêu thụ để gạo hữu cơ không bị đánh đồng

Tự động

Xây dựng vùng lúa gắn kết tiêu thụ để gạo hữu cơ không bị đánh đồng

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.

Thưa quý vị và bà con, đứng trước những yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất lúa gạo, vài năm trở lại đây, trồng lúa theo hướng hữu cơ có thể gọi là “trào lưu” canh tác mới ở khu vực ĐBSCL. Ngoài sự hưởng ứng tham gia tích cực của bà con nông dân, chính quyền địa phương cũng rất năng động phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa an toàn, hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Tại tỉnh Sóc Trăng, một loạt các đề án tập trung phát triển lúa hữu cơ, lúa đặc sản đã được địa phương này triển khai, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phương pháp sản xuất lúa của nông dân. Sau đây mời quý vị cùng theo chân PV Nông nghiệp radio ghé thăm một số đồng lúa canh tác theo hướng hữu cơ điển hình tại địa phương.

 

MC 2: Thưa quý vị, hôm nay Nông nghiệp radio muốn giới thiệu đến quý vị HTX nông nghiệp Vinh Lợi ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Thành lập vào tháng 11/2021, tuy còn khá non trẻ, tuy nhiên đây lại là HTX sản xuất lúa hữu cơ tiên phong của tỉnh. 20 xã viên đang tham gia sản xuất khoảng 50ha lúa thơm đặc sản ST các loại.

Từ vụ hè thu năm 2021, anh Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX nông nghiệp Vinh Lợi đã vận động 3 xã viên trồng thử nghiệm 5ha lúa theo phương pháp hữu cơ. Giai đoạn đầu chuyển đổi, năng suất lúa đạt rất thấp, chỉ khoảng 4 – 5 tấn/ha. Cuối năm 2021, với sự hỗ trợ từ nhóm Mekong Organics, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Đại học An Giang), HTX nông nghiệp Vinh Lợi được trợ lực xây dựng được mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ thương mại theo tiêu chuẩn USDA/EU. Anh Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX nông nghiệp Vinh Lợi bộc bạch:

[Băng NGUYEN VAN UT]: “Định hướng của HTX là muốn làm cho bà con có trách nhiệm từ khâu sản xuất lúa. Hồi đó mình chỉ làm, sản xuất lúa bán thương phẩm thôi. Còn bây giờ mình làm, mình chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, từ đó tôi nghĩ sẽ nâng cao vị thế của người nông dân lên”.

Đến vụ hè thu 2022, trên quy mô 30ha, 20 xã viên của HTX nông nghiệp Vinh Lợi đồng loạt gieo sạ giống lúa ST25. Các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến được nông dân ứng dụng cho đồng ruộng như: Quản lý sâu hại thông qua sử dụng phân khoáng tự nhiên, kết hợp phun thuốc bằng dây bay theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; Sử dụng giống lúa chất lượng cao; Phân bón hữu cơ bón lót cho lúa…

Đặc biệt, HTX đã thành lập ra Đội quản lý đồng ruộng, đảm nhận việc giám sát quy trình sản xuất của bà con xã viên, đảm bảo tính thống nhất và kiểm soát 100% yếu tố đầu vào không có yếu tố hóa học.

Trải qua 4 vụ trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU, anh Út nhận thấy sâu hại trên đồng ruộng giảm đáng kể, lúa cứng cây. Nhất là năng suất đã có chuyển biến, tăng dần lên khoảng 5,2 tấn/ha, tương đương so với phương pháp sản xuất truyền thống. Với phương pháp sản xuất lúa sạch, đảm bảo tiêu chuẩn, HTX đã liên kết tiêu thụ thành công với một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ. Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX nông nghiệp Vinh Lợi cho biết thêm:

[Băng NGUYEN VAN UT 2]: “Hiện tại chuyển qua làm lúa an toàn, lúa sạch rất thuận tiện. Bà con sử dụng thứ nhất không ảnh hưởng đến sức khỏe bà con canh tác lúa. Thứ hai là làm ra hạt gạo rất nhiều công ty hỏi mua. Cho nên hiện tại chúng tôi không đủ hàng để bán. Nếu từ lúa lợi nhuận bà con đem về từ 300 – 400 đồng/kg so với làm thông thường. Nếu chúng ta làm hữu cơ luôn về lâu dài ổn thì tôi tính lợi nhuận của trồng lúa này so với làm thông thường từ 1.500 – 2.000 đồng/kg”.

Khởi điểm HTX nông nghiệp Vinh Lợi đã lựa chọn hướng phát triển là trồng lúa hữu cơ, do đó giai đoạn chuyển đổi bà con xã viên không bỡ ngỡ. Cùng với việc hệ thống thủy lợi được địa phương đầu tư hoàn chỉnh, HTX tự tin mở rộng diện tích trong thời gian tới. Xã viên Nguyễn Văn Thống ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị yên tâm chia sẻ:

[Băng NGUYEN VAN THONG]: “HTX tập huấn mấy chương trình lúa hữu cơ một tháng làm hơn 1 lần thuận lợi cái đó. Thuận lợi một cái nữa là bao tiêu sản phẩm mấy công ty lại mua lúa hết trơn chứ không phải như mình làm ở ngoài”.

Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 5.000ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Song hành cùng phát triển lúa hữu cơ, từ năm 2012 đến nay, Dự án sản xuất và phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng cũng gặt hái được nhiều thành công. Hiện nay, dự án đang tiếp tục phát triển ở chặng đường thứ 3, giai đoạn 2022 – 2025. Với mục tiêu duy trì và phát triển diện tích sản xuất lúa đặc sản đến năm 2025 đạt 195.000 ha, trong đó ưu tiên phát triển nhóm giống lúa ST. Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng bày tỏ:

[Băng VUONG QUOC NAM]: “Thật ra nông nghiệp hữu cơ đã có từ lâu, nhưng quá trình phát triển mình quên đi, mình chạy theo năng suất và sử dụng nhiều hóa chất ảnh hưởng môi trường sinh thái cây trồng và vật nuôi. Chính vì vậy hôm nay chúng ta phải có sự thay đổi và nhìn nhận lại là phải sản xuất hữu cơ trở lại như thời kỳ vốn có trong tự nhiên của nó. Chính sách của tỉnh cũng luôn đồng hành với doanh nghiệp trong điều kiện cho phép trước tiên chúng tôi hỗ trợ cùng với các doanh nghiệp trong vấn đề khuyến nông, khuyến ngư cùng với nguồn kinh phí sự nghiệp theo quy định có thể hỗ trợ trong mô hình của người nông dân”.

Từ tháng 6/2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung chủ yếu vào các đối tượng sản xuất là: Lúa, cây ăn trái, vật nuôi, thủy sản.

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này, đến năm 2025, Sóc Trăng sẽ xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế, với diện tích đất sản xuất hữu cơ trên 210 ha. Và định hướng đến năm 2030, sản xuất hữu cơ có chứng nhận sẽ được phát triển và nhân rộng về diện tích, đạt trên 400 ha.

MC 1: Thưa quý vị và bà con, để việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa hữu cơ nói riêng đạt hiệu quả như kỳ vọng, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng xác định việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước đi quan trọng. Bởi thực tế, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hữu cơ rất cao, nhưng giá bán mặt hàng này chênh lệch không nhiều so với phương pháp sản xuất truyền thống, nguy cơ lúa gạo hữu cơ bị “đánh đồng” về giá rất dễ xảy ra. Do đó, việc sản xuất lúa hữu cơ được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế góp phần gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con, Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ đột phá của Đồng Nai đặt ra trong giai đoạn 2020-2025. Tham gia vào nhiệm vụ này, thời gian qua, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2023, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức được gần 7,8 nghìn cuộc tuyên truyền với hơn 238 ngàn lượt cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức 6 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn... Đến nay, toàn tỉnh có 9 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 28,7 hécta và gần 1 ngàn hécta cây trồng theo hướng hữu cơ..

MC 2: tin 2

Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp vừa tham quan mô hình điển hình về nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Gia Hưng tại ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang. Mô hình sản xuất nông sản theo quy trình tuần hoàn hữu cơ đạt chuẩn Mỹ và châu Âu của Công ty Gia Hưng được đánh giá mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm lao động nông thôn. Hiện quy mô sản xuất của Công ty với những cây trồng chủ yếu gạo hữu cơ, dưa hấu hữu cơ, dưa lưới hữu cơ, trứng gà hữu cơ và rau ăn lá hữu cơ,… kết hợp nuôi gà đẻ trứng để tận dụng phụ phẩm chăn nuôi phục vụ trồng trọt. Sản lượng nông sản cung ứng thị trường từ 05 - 06 tấn/tháng, giá bán theo thị trường. Bên cạnh đó, Công ty liên kết với hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ tại xã Long Hòa, Hòa Minh với diện tích trên 30ha.

MC 1: tin 3

Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 1,1 triệu tấn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại chăn nuôi và các loại phế phụ phẩm khác như rơm, rạ, cỏ, lá rau, mùn cưa, tro, trấu... Đây là nguồn nguyên liệu Phân hữu cơ lớn cung cấp cho trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng một lượng dinh dưỡng cao cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường... Tận dụng lợi thế sẵn có, Hiện nhiều nông hộ trong tỉnh đã chủ động ủ Phân hữu cơ vi sinh từ các phế, phụ phẩm nông nghiệp để chăm sóc cây trồng. Cách làm này đã cho thấy hiệu quả kép khi giảm chi phí sản xuất từ 30% đến 50% so với chi phí mua phân bón hóa học, góp phần cải thiện môi trường đất, kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản...

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Xây dựng vùng lúa gắn kết tiêu thụ để gạo hữu cơ không bị đánh đồng

Tỉnh Sóc Trăng xác định việc kêu gọi đầu tư, liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước đi quan trọng.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Câu chuyện 'sống chung với hạn mặn', làm sao để duy trì sự bền vững?
Phóng sự

Nếu như trước đây, ĐBSCL hay được nhắc đến với hình ảnh 'sống chung với lũ' thì nay đã chuyển thành 'sống chung với hạn mặn'.

Câu chuyện 'sống chung với hạn mặn', làm sao để duy trì sự bền vững?
Người lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế
Phóng sự

Nông nghiệp Radio gửi đến quý vị và bà con câu chuyện về Giám đốc một doanh nghiệp từ bỏ công việc của mình để về quê lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế.

Người lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế