Bản tin Lâm nghiệp ngày 10/11/2023: Sử dụng hiệu quả dược liệu quý hiếm

Bảo tồn và sử dụng hiệu quả cây dược liệu quý hiếm ở Vườn quốc gia Ba Bể; Tăng cường bảo vệ rừng Buôn Ja Wầm sau thời gian dài bị tàn phá; Cập nhật Bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; Đơn giản hóa thủ tục trong chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thu nhập bình quân từ tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 20 triệu đồng/hộ.

Quỳnh Anh  | 16:47 10/11/2023

Bản tin Lâm nghiệp ngày 10/11/2023: Sử dụng hiệu quả dược liệu quý hiếm

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 10/11/2023: Sử dụng hiệu quả dược liệu quý hiếm

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Bảo tồn và sử dụng hiệu quả cây dược liệu quý hiếm ở VQG Ba Bể

Thưa quý vị và bà con, với sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và thuật tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với UBND huyện Ba Bể và một số đơn vị đã lựa chọn 3 địa điểm thực hiện dự án “Khai thác, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tại vùng đệm Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”. Trong đó, dự án đã lựa chọn 300ha rừng để xây dựng mô hình vệ sinh rừng, bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý với 60 hộ dân tham gia. Sau thời gian triển khai, với 1,2ha cây hoài sơn, năng suất đạt 20 tấn/ha cho thu nhập gần 57 triệu đồng. Đối với cây giảo cổ lam, dự án thực hiện trên diện tích hơn 500m2, sau khi thu hoạch đợt 1 từ cuối năm ngoái, trừ các chi phí cho thu nhập trên 40 triệu đồng.

  • Tăng cường bảo vệ rừng Buôn Ja Wầm sau thời gian dài bị tàn phá

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thưa quý vị, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2020 đến nay, trên lâm phần của Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm xảy hơn 500 vụ phá rừng, với diện tích bị lấn, chiếm lên đến 360ha. Những diện tích bị lấn, chiếm thường được trồng cây ngắn ngày như sắn, ngô, đậu… Sau đó một thời gian, nhiều diện tích bị buôn bán bất hợp pháp, khiến cho việc quản lý càng thêm khó khăn. Hiện Chi cục đang tăng cường lực lượng và chỉ đạo hạt kiểm lâm huyện Cư M’Gar phối hợp với địa phương, chủ rừng triển khai các giải pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng phá rừng tại đây. Trong đó, đề nghị huyện và chủ rừng, những diện tích nào mới phá từ 2020 tới giờ thì dứt khoát ngăn chặn không cho canh tác.

  • Cập nhật Bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Quỹ bảo vệ phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các bên liên quan xác định diện tích rừng trong lưu vực, làm cơ sở để chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 và các năm tiếp theo. Ngay từ trong quý III, Ban quản lý Quỹ chủ động chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai phối hợp với các bên liên quan thực hiện việc rà soát, tổng hợp số liệu diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đối với diện tích rừng của chủ rừng, tổ chức chủ động rà soát biến động về diện tích, trạng thái rừng được giao quản lý báo cáo và đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện cập nhật vào Bản đồ theo dõi diễn biến rừng. Từ đó, Ban quản lý Quỹ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra những biến động về diện tích, trạng thái rừng để cập nhật vào Bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

  • Đơn giản hóa thủ tục trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

Cũng liên quan tới hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông, từ năm 2017, đơn vị đã phối hợp với ngân hàng thực hiện việc mở tài khoản và thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng, thôn, hộ gia đình, cá nhân… Nhìn chung, việc chi trả tiền thù lao quản lý, bảo vệ rừng qua tài khoản ngân hàng nhận được sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân nhận giao khoán trên địa bàn tỉnh vì sự thuận lợi, minh bạch, công khai và đơn giản trong thủ tục. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông đã thực hiện chi trả cho người dân qua tài khoản ngân hàng là gần 80 tỷ đồng. Nhờ đó, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng cũng thuận tiện, chủ động, tiết kiệm thời gian hơn.

  • Thu nhập bình quân từ tiền DVMTR khoảng 20 triệu đồng/hộ

Tương tự, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có diện tích rừng hơn 180.000ha, tỷ lệ che phủ đạt trên 65%, phần lớn là rừng đặc dụng và phòng hộ. Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, giúp bà con cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định, đồng thời góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có. Năm 2022, thu nhập bình quân từ tiền dịch vụ môi trường rừng của mỗi hộ dân khoảng 20 triệu đồng. Trong đó, xã Mù Cả được chi trả nhiều nhất, trung bình mỗi hộ nhận được trên 39 triệu đồng. Người dân ở xã Pa Vệ Sủ cũng nhận được trung bình trên 36 triệu đồng. Điều đó đã góp phần tích cực trong việc thay đổi cuộc sống của bà con.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 10/11/2023: Sử dụng hiệu quả dược liệu quý hiếm

Bảo tồn và sử dụng hiệu quả cây dược liệu quý hiếm ở Vườn quốc gia Ba Bể; Tăng cường bảo vệ rừng Buôn Ja Wầm sau thời gian dài bị tàn phá; Cập nhật Bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; Đơn giản hóa thủ tục trong chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thu nhập bình quân từ tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 20 triệu đồng/hộ.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời sự

Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'
Thời sự

Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'