Bản tin Lâm nghiệp ngày 11/4/2024: Nhiều dự án trồng mắc ca ‘giậm chân tại chỗ’
Hầu hết các dự án trồng mắc ca ‘giậm chân tại chỗ’; Cơ hội xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Trung Quốc; Đẩy lùi nạn khai thác vàng trái phép trong rừng.
Quỳnh Anh | 16:00 11/04/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 11/4/2024: Nhiều dự án trồng mắc ca ‘giậm chân tại chỗ’
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Trung Quốc
Thưa quý vị và bà con, trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc giảm nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ 2 thị trường cung cấp lớn nhất là Italia và Đức, nhưng lại tăng nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường Đông Nam Á. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 7,4 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc từ Việt Nam đều có xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm. Đáng chú ý, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng hóa nói chung và đồ nội thất bằng gỗ nói riêng của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận.
-
Hầu hết các dự án trồng mắc ca ‘giậm chân tại chỗ’
Về lĩnh vực phát triển kinh tế lâm nghiệp, Đến thời điểm cuối năm 2023, tỉnh Điện Biên có 13 dự án trồng cây mắc ca được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trồng 91.645ha. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án gần như “giậm chân tại chỗ” về tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định điều chỉnh giảm quy mô các dự án xuống còn hơn 61.200ha. Được biết, khó khăn đầu tiên và lớn nhất hiện nay là đa số các nhà đầu tư đều khó huy động nguồn vốn thực hiện dự án. Thiếu vốn nên việc đầu tư mở rộng diện tích khó thực hiện.
- Rừng đặc dụng Hương Sơn chỉ phát hiện 5 cá thể voọc mông trắng
Với hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, Rừng đặc dụng Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội rộng gần 3.500ha, là nơi có chùa Hương mỗi năm đón hơn 1 triệu lượt du khách. Theo kết quả điều tra, đánh giá các loài động, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm tại rừng đặc dụng Hương Sơn giai đoạn năm 2022-2023, phát hiện 4 loài linh trưởng, trong đó có 5 cá thể voọc mông trắng - loài đặc hữu, chỉ phân bố tự nhiên ở Việt Nam, đồng thời nằm trong danh sách các loài bị đe dọa cực kỳ nguy cấp của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Trước tình trạng cực kỳ nguy cấp của loài voọc mông trắng ở rừng đặc dụng Hương Sơn hiện nay, rất cần có cuộc điều tra quy mô lớn nhằm đánh giá chi tiết tình hình phát triển của bầy cũng như các mối đe dọa từ đó đề xuất biện pháp bảo tồn.
- Đẩy lùi nạn khai thác vàng trái phép trong rừng đặc dụng
Trong lĩnh vực thực thi pháp luật về lâm nghiệp, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích hơn 15.000ha. Trước năm 2013, vùng lõi Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ từng là điểm nóng về tình trạng khai thác vàng trái phép nhưng những năm gần đây đã dần được đẩy lùi. Mới đây, Hạt Kiểm lâm Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ phối hợp với tổ công tác của Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn tiến hành kiểm tra, truy quét tại những địa điểm trước đây các đối tượng thường lén lút vào khai thác vàng trái phép. Quá trình kiểm tra không phát hiện tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái pháp luật. Tuy nhiên, tại một số lũng vẫn còn các khung lán cũ, một số đối tượng tận dụng những đoạn vòi đã bị tiêu hủy để tái sử dụng dẫn nước làm vàng. Tổ công tác đã thu gom toàn bộ, tiêu hủy theo quy định.
-
Tình trạng lén lút phá rừng, lấy cắp lâm sản vẫn xảy ra
Còn tại Bình Thuận, Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, rừng được bảo vệ và phát triển ổn định. Tuy nhiên, qua theo dõi của ngành nông nghiệp Bình Thuận thì ở một số nơi, tình trạng lén lút phá rừng, lấy cắp lâm sản, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Bình Thuận vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, Chi cục Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng và khai thác rừng trái pháp luật trong tình trạng nắng nóng còn kéo dài.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 11/4/2024: Nhiều dự án trồng mắc ca ‘giậm chân tại chỗ’
Hầu hết các dự án trồng mắc ca ‘giậm chân tại chỗ’; Cơ hội xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Trung Quốc; Đẩy lùi nạn khai thác vàng trái phép trong rừng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.