Chiều 10/4, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2023, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024 - 2025.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương chuyển mình khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng đạt và duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 3 năm 2021 - 2023 ước đạt 4,73%, dự kiến cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 4,7 - 4,8% (đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm từ 4,5 - 5,0%).
Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản cả năm 2022 ước đạt trên 487,5 triệu USD, năm 2023 ước đạt trên 562/399 triệu USD theo kế hoạch, đạt 140,78% và tăng 15,28% so với năm 2022…
Từ kết quả thực tiễn, ông Nguyễn Đức Trung khẳng định: “Ngành NN-PTNT Nghệ An có dư địa và tiềm năng phát triển rất lớn, ngược lại cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đơn cử như đất đai khu vực miền núi chiếm trên 80%, diện tích rừng lớn nhưng đa phần là rừng tự nhiên, theo quy định không được động đến… Vượt qua những trở ngại, toàn ngành vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, xứng đáng là bệ đỡ của nền kinh tế”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch giai đoạn 2024 - 2025 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Sở NN-PTNT Nghệ An cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết 6 nội dung hóc búa lúc này.
Theo đó, cần bố trí kinh phí để thực hiện việc cắm mốc, phân định ranh giới các loại rừng ở thực địa đối với diện tích quản lý của các chủ rừng là tổ chức nhà nước; bố trí ngân sách để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các Trạm quản lý bảo vệ rừng đang xuống cấp nghiêm trọng; xem xét, bố trí nguồn để xây dựng Trung tâm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại Văn phòng của Sở NN-PTNT với kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.
Sở NN-PTNT cũng đề xuất tỉnh cho Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư được tiếp tục ký hợp đồng với 10 lao động hợp đồng đang trong thời gian “tạm nghỉ”, cũng như cho chủ trương sửa chữa định kỳ đối với 2 tàu kiểm ngư đã xuống cấp.
Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh đưa dự án Hồ chứa nước Bản Mồng vào danh mục dự án trọng điểm của tỉnh để tập trung chỉ đạo UBND các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn tham mưu giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Liên quan đến Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, tại cuộc họp Sở đã trình 2 phương án gợi mở. Thứ nhất là trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Nghệ An thành lập “Ban quản lý khu công nghệ cao tỉnh Nghệ An” với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy đảm bảo theo quy định tại Điều 46, 47, 48, Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 của Chính phủ.
Trường hợp không thành, đề xuất giao quản lý nhà nước cho cơ quan Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy cho Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đảm bảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Trung khẳng định sẽ ưu tiên kinh phí cho những nội dung mang tính cấp bách, đặc biệt là khu vực khó khăn. Với 10 lao động hợp đồng của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh đây là vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, chiếu theo quy định hiện hành thì chưa được phép. Nhằm đảm bảo “thấu tình đạt lý”, giao Sở Nội vụ phối hợp, hướng dẫn Sở NN-PTNT sớm để tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp và không trái với quy định.
Với dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, đây là công trình trọng điểm Quốc gia, đề nghị chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan phải nhập cuộc quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo đúng tiến độ.
Trong khi đó, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ là 1 trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là khu đầu tiên triển khai, các cấp, ngành tỉnh Nghệ An phải nắm bắt thời cơ để tạo đà bứt phá.