Bản tin Lâm nghiệp ngày 14/11/2023: Quần thể voọc mũi hếch tăng đáng kể
Quần thể voọc mũi hếch tại Khau Ca tăng lên khoảng 160 cá thể; Thả nhiều động vật hoang dã về Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ trồng rừng hiệu quả; Chính sách chi trả dịch vụ môi trường gắn kết cộng đồng bảo vệ rừng; Hàng trăm m3 gỗ quý bị tịch thu, cần tìm hướng xử lý.
Quỳnh Anh | 15:01 14/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 14/11/2023: Quần thể Voọc mũi hếch tăng đáng kể
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Quần thể Voọc mũi hếch tại Khau Ca tăng lên khoảng 160 cá thể
Thưa quý vị và bà con, Chi cục Kiểm lâm huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang phối hợp với Quỹ động vật Denver – Hoa Kỳvà Quỹ New Nature Foundation vừa tổ chức Ngày hội bảo tồn Voọc mũi hếch năm 2023. Trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Bắc Mê và Vườn thú Denver – Hoa Kỳ đã ký kết hợp tác trong công tác bảo tồn Voọc mũi hếch tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca. Đây là một trong 25 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp, quý hiếm của thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sau quá trình hợp tác, quần thểVoọc mũi hếch tại Khau Ca từ 60 cá thể được phát hiện năm 2002 đến nay đã tăng lên khoảng 160 cá thể. Đây là thành công rất lớn đối với công tác bảo tồn tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mũi hếch.
-
Thả nhiều động vật hoang dã về Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Cũng liên quan tới việc bảo tồn đa dạng sinh học tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển Sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thả 19 cá thể động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên tại Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 19 cá thể được thả gồm các cá thể khỉ cọc, Khỉ đuôi lợn, Rùa hộp trán vàng Miền Bắc, Rùa sa nhân, Rùa Núi viền , Mèo rừng và Cu ly nhỏ. Trước đó, Trung tâm đã tiếp nhận các cá thể này từ cơ quan chức năng và người dân tự nguyện giao nộp. Sau quá trình cứu hộ, chăm sóc, trung tâm đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và kết luận các cá thể động vật này có sức khỏe bình thường, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ trồng rừng hiệu quả
Những năm gần đây, phát triển kinh tế lâm nghiệp ngày càng được chú trọng và trở thành hướng đi thoát nghèo cho người dân tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 9.000 nhân khẩu, trong đó trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Với lợi thế có trên 1.900ha đất lâm nghiệp, thời gian qua, người dân Tràng Xá đã tập trung phát triển kinh tế đồi rừng nhằm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Toàn xóm hiện có 100/120 hộ dân trồng rừng. Theo tính toán, mỗi ha rừng trồng khi đến kỳ khai thác sẽ cho thu nhập từ khoảng 100-150 triệu đồng. Không chỉ đẩy mạnh trồng rừng, chính quyền xã còn khuyến khích các hộ dân đầu tư các khai thác, chế biến lâm sản. Đến nay, toàn xã có 7 cơ sở kinh doanh thu mua, chế biến gỗ. Nhờ đa dạng hóa sản xuất, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân ở xã đạt gần 39 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 250 hộ, giảm gần 660 hộ so với năm 2012.
- Chính sách chi trả dịch vụ môi trường gắn kết cộng đồng bảo vệ rừng
Với những thông tin về hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, thưa quý vị, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có 6 đơn vị thực hiện cung ứng Dịch vụ môi trường rừng tổ chức xây dựng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với hơn 130 người. Bên cạnh đó, đã có 3 đơn vị tổ chức ký kết hợp đồng cho trên 130 lao động địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các chủ rừng là tổ chức cũng đã tăng cường giao khoán cho các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng cung ứng Dịch vụ môi trường rừng. Thông qua nguồn tiền chi trả này đã giúp tăng cường năng lực quản lý bảo vệ rừng đáng kể cho các chủ rừng là tổ chức, người dân và các ban quản lý rừng cộng đồng thôn/bản. Chính sách đã tạo sợi dây gắn kết giữa chủ rừng là tổ chức với người dân sống gần rừng, người dân cùng chính quyền, tất cả cùng thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.
- Hàng trăm m3 gỗ quý bị tịch thu, cần tìm hướng xử lý
Trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, từ năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, tịch thu hàng trăm m3 gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IIA - là những cây gỗ quý hiếm cấm khai thác và cần được bảo vệ, nếu chặt phá, mua bán sẽ vi phạm pháp luật. Khối lượng đã thu giữ gồm hơn 56 m3 gỗ xẻ, hơn 8,3 tấn cành, ngọn, gốc… chủ yếu là gỗ pơ mu và trai lý. Hiện nay, số gỗ này được các lực lượng chức năng Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh cất giữ, bảo vệ. Để tránh lãng phí tài sản là tang vật vi phạm hành chính, Chi cục Kiểm lâm kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái thu lại toàn bộ số gỗ này để sử dụng vào mục đích công cộng, đồng thời hỗ trợ kinh phí thu giữ, bốc xếp, bảo quản cho các cho các cơ quan, đơn vị.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 14/11/2023: Quần thể voọc mũi hếch tăng đáng kể
Quần thể voọc mũi hếch tại Khau Ca tăng lên khoảng 160 cá thể; Thả nhiều động vật hoang dã về Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ trồng rừng hiệu quả; Chính sách chi trả dịch vụ môi trường gắn kết cộng đồng bảo vệ rừng; Hàng trăm m3 gỗ quý bị tịch thu, cần tìm hướng xử lý.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm IUU; Rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn thực phẩm; Sương muối gây ảnh hưởng nhiều diện tích cà phê.
Thời tiết trên cả nước tiếp tục mang đậm nét đặc trưng của vùng. Từ mùa đông miền Bắc đến ẩm ướt miền Trung và sự ấm áp, rực rỡ của miền Nam.