Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/8/2024: Sáng kiến bảo vệ động vật hoang dã
Khởi động mô hình nói không với động vật hoang dã; Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; Kon Tum xét xử 2 vụ án vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Quỳnh Anh | 16:25 16/08/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/8/2024: Sáng kiến bảo vệ động vật hoang dã
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp
- Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp
Thưa quý vị và bà con, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT thông tin, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ những tháng cuối năm nay. Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và các vấn đề liên quan đến bảo hộ sản phẩm hàng hóa. Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp ngành gỗ và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản. Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản.
-
TP Buôn Ma Thuột khởi động mô hình nói không với động vật hoang dã
Trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk và UBND TP Buôn Ma Thuột vừa tổ chức lễ công bố quyết định triển khai mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuộtnói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” giai đoạn 2024 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mô hình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong thành phố về luật liên quan đến việc mua bán và tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã. Dự án sẽ liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật không được bày bán và nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan để tịch thu các sản phẩm trái pháp luật và truy tố các trường hợp hoạt động phi pháp.
-
Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng phá rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh
Về hoạt động thực thi pháp luật lâm nghiệp, Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa thi hành lệnh bắt tạm giam trong thời hạn 3 tháng một đối tượng về hành vi “Hủy hoại rừng”. Theo thông tin ban đầu, vào đầu tháng 5, Trạm Kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND xã Sơn Hồng, Đồn Biên phòng Sơn Hồng, huyện Hương Sơn tiến hành kiểm tra, phát hiện đối tượng này có hành vi phát rừng tự nhiên. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường xác định diện tích rừng bị hủy hoại là 0,57ha, loại rừng sản xuất. Đến ngày 02/8, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Sơn thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
- Hòa Bình có gần 1.300 tổ quần chúng bảo vệ rừng
Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm trong tỉnh Hòa Bình đã phối hợp các lực lượng liên quan và người dân các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Hàng năm, ngành Kiểm lâm tỉnh tổ chức trên 1.300 cuộc tuyên truyền với gần 275.000 lượt người tham gia; xây dựng và bổ sung chỉnh sửa phương án phòng cháy, chữa cháy. Trên 120 km đường băng trắng cản lửa thường xuyên được duy tu, củng cố; các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng được xây. Lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng thường xuyên được củng cố và hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.300 tổ quần chúng bảo vệ rừng với 7.660 người tham gia.
-
Kon Tum xét xử 2 vụ án vi phạm Luật Lâm nghiệp
Đối với tiến độ xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum thông tin, từ đầu năm tới giữa tháng 7, lực lượng Kiểm lâm tỉnh này và các lực chức năng liên quan đã xử lý 37 vụ, bao gồm các vụ từ năm 2023 chuyển sang và các vụ xảy ra từ đầu năm 2024 đến ngày 15/7, trong đó, xử lý hành chính 27 vụ, khởi tố 5 vụ án, xử lý khác 5 vụ với các vụ phá rừng đã hết thời hiệu xử lý, quá trình xác minh không xác định được đối tượng vi phạm. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 2 vụ án vi phạm Luật Lâm nghiệp, tuyên phạt 6 bị cáo với tổng mức phạt 99 tháng tù giam, 68 tháng tù cho hưởng án treo.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/8/2024: Sáng kiến bảo vệ động vật hoang dã
Khởi động mô hình nói không với động vật hoang dã; Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; Kon Tum xét xử 2 vụ án vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.