Bản tin Lâm nghiệp ngày 17/6/2024: Thông qua Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia
Thông qua Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia; Mỗi xã, mỗi chủ rừng có tổ xung kích sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng; Bảo vệ rừng hiệu quả nhờ camera giám sát lửa rừng.
Quỳnh Anh | 15:35 17/06/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 17/6/2024: Thông qua Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp
- Thông qua Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia
Thưa quý vị và bà con, Hội đồng thẩm định do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì vừa bỏ phiếu nhất trí thông qua dự thảo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia được xây dựng từ năm 2020, trong bối cảnh diện tích rừng tăng đều qua các năm nhưng chất lượng rừng chưa cao, nhất là rừng tự nhiên. Để khắc phục những tồn tại, quy hoạch chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu dự thảo quy hoạch. Chậm nhất ngày 21/6, gửi các ý kiến góp ý bổ sung (nếu có) để Bộ NN-PTNT hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch.
- Mỗi xã, mỗi chủ rừng có tổ xung kích sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng
Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, Tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thời điểm này dự báo thời tiết tiếp tục nắng nóng, tuy không gay gắt song nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao. Vì vậy, huyện Kỳ Anh tập trung “kích hoạt” tất cả các giải pháp và huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang bị đang có để ngăn chặn lửa rừng từ sớm. Ngoài lực lượng của huyện gần 700 người gồm kiểm lâm, lâm nghiệp, công an, quân sự, biên phòng thì mỗi xã, mỗi chủ rừng sẽ có 4 - 5 tổ xung kích, các thôn gần rừng có 1 tổ luôn trực gác 24/24h và sẵn sàng tham gia chữa cháy trong mọi tình huống. Ngoài ra, địa phương này cũng tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo, phát huy vai trò của ban chỉ đạo các cấp, làm tốt công tác quản lý vật liệu cháy và xử lý tình huống khi có cháy.
- Bảo vệ rừng hiệu quả nhờ camera giám sát lửa rừng
Tương tự, Tỉnh Hậu Giang hiện có diện tích rừng trên 3.800ha, chiếm hơn 2% diện tích tự nhiên của địa phương. So với một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL, diện tích này không nhiều. Nhưng phần lớn tập trung tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có chức năng phòng hộ quan trọng, được mệnh danh là “lá phổi xanh” của ĐBSCL. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như chính quyền địa phương có rừng. Trong các giải pháp đã triển khai, điểm thuận lợi giúp công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả trong mùa khô năm nay là các chủ rừng mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin khi đưa vào sử dụng 42 camera quan sát lửa rừng, gắn với giám sát người ra vào rừng trái phép.
- Cơ hội phát triển rừng FSC tại Cam Lộ
Về lĩnh vực phát triển rừng bền vừn, Tại cuộc làm việc mới đây với UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH Gỗ Quốc gia - Chi nhánh Quảng Trị đã đề xuất về việc liên kết trồng rừng có chứng chỉ FSC. Theo đó, với nhu cầu của nhà máy mỗi năm khoảng 132.000 tấn nguyên liệu, xuất phát từ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và yêu cầu từ các đối tác khách hàng, Công ty muốn phát triển vùng nguyên có chứng chỉ FSC tại huyện Cam Lộ với diện tích khoảng 4 nghìn ha. Thời gian tới, UBND huyện Cam Lộ sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến các chủ rừng tham gia vào nhóm liên kết, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn quy trình pháp lý và các thủ tục liên quan trong quá trình xây dựng chứng chỉ. Dự tính, đến tháng 3/2025, các bên sẽ triển khai cấp chứng chỉ cho các chủ rừng tham gia.
-
Kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng của Đà Nẵng
Thưa quý vị, Theo thông tin tại Hội nghị công bố và bàn giao kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng trên địa bàn TP.Đà Nẵng giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2020, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của TP là hơn 60.700ha, tăng gần 3.400 ha so với kết quả kiểm kê rừng năm 2017; tầm nhìn đến năm 2030, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là gần 56.800ha, giảm gần 4.000ha so với với diện tích điều chỉnh đến năm 2020. Tại hội nghị, Sở NN&PTNT Đà Nẵng bàn giao kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng cho các đơn vị gồm: quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 17/6/2024: Thông qua Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia
Thông qua Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia; Mỗi xã, mỗi chủ rừng có tổ xung kích sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng; Bảo vệ rừng hiệu quả nhờ camera giám sát lửa rừng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.