Bản tin Lâm nghiệp ngày 19/12/2023: Trên 455.200ha rừng đã được cấp chứng chỉ

Trên 455.200ha rừng đã được cấp chứng chỉ; Gần 49.000 người dân được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp; Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ.

Quỳnh Anh  | 14:30 19/12/2023

Bản tin Lâm nghiệp ngày 19/12/2023: Trên 455.200ha rừng đã được cấp chứng chỉ

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 19/12/2023: Trên 455.200 ha rừng đã được cấp chứng chỉ

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Trên 455.200 ha rừng đã được cấp chứng chỉ

Thưa quý vị và bà con, Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Về thu dịch vụ môi trường rừng, cập nhật đến ngày 24/11/2023 cả nước đã thu được gần 3.080 tỷ đồng, đạt gần 94% kế hoạch thu năm nay và bằng khoảng 87% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 11 tháng đầu năm ước đạt gần 13 tỷ USD, giảm hơn 17 % so với cùng kỳ, đạt trên 76% so với kế hoạch. Xuất siêu ước đạt khoảng gần 11 tỷ USD. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ trong 11 tháng khoảng 50.000 ha. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt trên 455.200 ha và đạt khoảng 91% so với chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025.

  • Gần 49.000 người dân được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp

Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về Lâm nghiệp cho người dân, trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức được trên 730 cuộc tuyên truyền với hơn 48.900 lượt người tham gia. Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừngvới gần 45.460 hộ gia đình ký với trưởng thôn, trên 13.700 học sinh ký với nhà trường; hơn 770 trưởng thôn ký với Chủ tịch xã; 65 Chủ tịch xã ký với Chủ tịch huyện; phát 560 quyển tài liệu tuyên truyền, tổ chức được 26 hội nghị phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp với 1.540 người tham gia… Cải cách thủ tịch hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp được thực hiện tốt.

  • Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ

Cũng liên quan tới việc thực hiện quy định pháp luật về Lâm nghiệp, Huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu hiện có 12 cơ sở chế biến kinh doanh và thương mại lâm sản. Các cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản trên địa bàn huyện đã giảm dần về số lượng và hẹp về quy mô. Một số cơ sở chế biến vẫn còn giấy phép kinh doanh nhưng đóng cửa không hoạt động. Dù vậy UBND huyện vẫn chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật các vụ vi phạm. Trong năm, lực lượng Công an, Kiểm lâm huyện đã kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản với số tiền xử phạt là 18 triệu đồng.

  • Quảng Ninh tập trung phát triển cây gỗ lớn, cây bản địa

Với hoạt động chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng cây gỗ lớn, Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.000ha đất có rừng. Tận dụng lợi thế sẵn có, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động người dân nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, đổi mới cây giống, chăm sóc rừng, trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, chuyển dần từ phương thức sản xuất quảng canh sang thâm canh. Bên cạnh đó, người dân đã từng bước chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Năm 2020 và 2021, toàn tỉnh đã trồng được trên 24.000ha rừng, tập trung phần lớn vào các cây gỗ lớn và cây bản địa nhằm từng bước nâng cao chất lượng rừng toàn tỉnh.

  • Lan tỏa chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Cuối cùng là thông tin về hoạt động chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 325 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc diện cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Loại rừng này chia theo 4 lưu vực sông, suối chính của địa bàn 8 huyện, thị trải rộng trên 100 xã, phường, thị trấn. Hiện có trên 53.000 hộ gia đình được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tùy theo vị trí và tính chất của từng khu rừng mà đơn giá dịch vụ môi trường rừng khác nhau, dao động từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể, ổn định lâu dài đã giúp các hộ trồng rừng cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Không những vậy, chính sách dịch vụ môi trường rừng còn đang tác động không nhỏ, làm tăng nhanh diện tích rừng và độ che phủ trên toàn tỉnh Yên Bái.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 19/12/2023: Trên 455.200ha rừng đã được cấp chứng chỉ

Trên 455.200ha rừng đã được cấp chứng chỉ; Gần 49.000 người dân được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp; Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ