Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/1/2024: Tạo hình ảnh ngành gỗ phát triển bền vững
Cần tạo hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững; Yên Bái phát triển 20.000 ha quế hữu cơ; Chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoán bảo vệ rừng trước Tết.
Quỳnh Anh | 12:10 23/01/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/1/2024: Tạo hình ảnh ngành gỗ phát triển bền vững
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Cần tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững
Thưa quý vị và bà con, mặc dù có dấu hiệu hồi phục vào những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, song theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2024, ngành gỗ vẫn đối diện nhiều rào cản, thách thức. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023. Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững, đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU, sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp, rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Vì vậy, giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
- Không quản lý được, một doanh nghiệp để 'mất' gần 400ha đất rừng
Liên quan tới lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các địa phương, doanh nghiệp, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kết luận Thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đất đai và thực hiện dự án của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát tại xã la Jlơi, huyện Ea Súp. Theo kết luận, cuối năm 2010, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát - gọi tắt là Công ty Hoàng Gia Phát, được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho hơn 977 ha để thực hiện dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng. Quá trình triển khai dự án, do không thực hiện đầy đủ quy định về công tác quản lý và bảo vệ rừng, sau 13 năm thực hiện, Công ty đã để người dân lấn, chiếm khoảng 396ha đất rừng.
-
Yên Bái phấn đấu phát triển 20.000 ha quế hữu cơ
Với đối tượng là cây quế, Yên Bái hiện là tỉnh có diện tích và sản lượng quế cao nhất cả nước với trên 80.000 ha, sản lượng đạt hơn 28.000 tấn/năm. Giá trị thu nhập từ cây quế đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm, chiếm gần 50% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của tỉnh. Hiện nay, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 14.500 ha. Đến năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu có trên 20.000 ha quế được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện chọn lọc, bổ sung thêm các nguồn giống mới có năng suất và chất lượng tốt. Khuyến khích người trồng quế sử dụng giống tốt đã được công nhận, có xác nhận nguồn gốc rõ ràng. Không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong thâm canh.
- Chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoán bảo vệ rừng trước Tết Nguyên đán
Về hoạt động tổ chức tết trồng cây và bảo vệ rừng dịp tết nguyên đán sắp tới, Theo văn bản của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Giáp Thìn và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2024" mới đây, UBND tỉnh này yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo chế độ chính sách, động viên kịp thời để lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách yên tâm công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn của địa phương và theo quy định của pháp luật, chỉ đạo tổ chức giải ngân tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiền khoán bảo vệ rừng cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng trước dịp Tết Nguyên đán 2024.
-
Hà Tĩnh có 120.000 ha rừng trọng điểm dễ cháy
Còn tại Hà Tĩnh, địa phương hiện có 359.785ha rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn tỉnh lớn, với trên 120.000ha, chủ yếu là rừng trồng Thông thuần loài; rừng trồng thông hỗn giao với keo, bạch đàn; rừng trồng keo thuần loài; rừng hỗn giao tre, nứa. Để tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động 4 tại chỗ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/1/2024: Tạo hình ảnh ngành gỗ phát triển bền vững
Cần tạo hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững; Yên Bái phát triển 20.000 ha quế hữu cơ; Chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoán bảo vệ rừng trước Tết.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Sản phẩm từ trồng trọt chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp; Gia Lai liên tục xảy ra vi phạm về lâm nghiệp; Hậu Giang vào mùa thu hoạch cá trên ruộng.
Từ đêm 27/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến phía Tây Bắc bộ, Trung Trung bộ.