Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/11/2023: Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn
Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn; Thực hiện hiệu quả nhiều đề tài quản lý rừng bền vững; Trên 95% rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng; Tuyên Quang hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 132.000ha; Kon Tum: Hàng loạt dự án giao rừng để mất rừng.
Quỳnh Anh | 13:46 23/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/11/2023: Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn
Thưa quý vị bà bà con, Bộ NN-PTNT cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu." Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường chính sách quản lý rừng. Đồng thời, nêu bật vai trò quan trọng của việc nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển ở Việt Nam, kêu gọi các tỉnh ven biển tăng cường nỗ lực bảo vệ và trồng rừng ngập mặn. Thứ trưởng cho biết, Sau hội thảo này, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện cơ chế chính sách lâm nghiệp trình Chính phủ phê duyệt và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật.
- Thực hiện hiệu quả nhiều đề tài quản lý rừng bền vững
Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030, thời gian qua, Ban quản lý VQG Phước Bình, đã phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học. Trong năm nay, VQG Phước Bình đang thực hiện 2 đề tài, gồm: Đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gen ấm Quế linh chi có nguồn gốc từ VQG Phước Bình”. Đến nay, VQG, đã thực hiện bảo tồn nguồn gen bằng phương pháp bảo tồn âm sâu và phát tán hệ sợi, bào tử nấm ra ngoài tự nhiên, phối hợp phân tích độc tính, dược chất quan trọng có trong nấm, đang thực nghiệm các mô hình trồng nấm hiện đại và thân thiện với môi trường. Đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực giai đoạn 2021-2025” cũng được đơn vị thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, đàn bò tót lai sinh trưởng tốt.
-
Trên 95% rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng
Còn ở các địa phương, với những chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, hiện, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 51%. Kinh tế rừng đóng góp tỷ trọng tương đối lớn trong kinh tế của tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh trồng được gần 21.500 ha rừng, bình quân mỗi năm trồng gần 7.200 ha, trong đó trên 95% rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Diện tích chuyển hóa từ cây gỗ nhỏ sang rừng cây gỗ lớn ngày càng tăng. Để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động liên kết với chủ rừng, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững. Các sở, ngành, các huyện, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai xây dựng phương án quản lý và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có trên 16.000 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC.
-
Tuyên Quang hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 132.000 ha
Tương tự, theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, hiện nay trung bình mỗi năm Tuyên Quang trồng mới trên 11.000 ha rừng, hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 132.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn hơn 69.800 ha, khai thác trên 1 triệu m3 gỗ, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng. Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC của địa phương trên 48.300ha là Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 10%/năm, phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt hơn 89.000 ha, mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC lên hơn 90.000ha.
- Kon Tum: Hàng loạt dự án giao rừng để mất rừng
Đối với các tỉnh Tây Nguyên vẫn luôn là điểm nóng về những vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp thì hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum mới đây thông tin, trong 11 dự án giao rừng trên địa bàn huyện, có 6 dự án để mất rừng có dấu hiệu hình sự, 5 dự án vi phạm hành chính. Ông Võ Thanh Thành, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông cho biết, quá trình kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông xác định, 6 dự án để mất rừng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đối với các dự án bị mất trên 5.000m2 rừng, Hạt Kiểm lâm đang phối hợp cơ quan Công an, VKSND huyện Kon Plông tiến hành khám nghiệm hiện trường, để củng cố hồ sơ xử lý hình sự về tội Hủy hoại rừng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/11/2023: Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn
Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn; Thực hiện hiệu quả nhiều đề tài quản lý rừng bền vững; Trên 95% rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng; Tuyên Quang hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 132.000ha; Kon Tum: Hàng loạt dự án giao rừng để mất rừng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.