Bản tin Lâm nghiệp ngày 25 tháng 10 năm 2023

Cà Mau nỗ lực bảo vệ rừng ngập mặn; Đề xuất kinh phí 1.200 tỷ đầu tư 3 dự án bảo vệ rừng ven biển; Kế hoạch giao đất, giao rừng tại Nghệ An chậm tiến độ; Thực hiện các chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp; Trên 400 cán bộ bảo vệ rừng ở Kon Tum xin nghỉ việc.

Quỳnh Anh  | 12:42 25/10/2023

Bản tin Lâm nghiệp ngày 25 tháng 10 năm 2023

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 25 tháng 10 năm 2023

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Cà Mau nỗ lực bảo vệ rừng ngập mặn

Thưa quý vị và bà con, mới đây, tại hội thảo "Phục hồi và nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn ĐBSCL", các chuyên gia đã cảnh báo về nhiều diện tích rừng ngập mặn đang bị mất dần do tác động của biến đổi khí hậu ở các tỉnh khu vựcĐBSCL. Cụ thể, theo Sở NN-PTNT Cà Mau, trong 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ biển đã làm mất hơn 5.200ha rừng phòng hộ của tỉnh này và đang có chiều hướng tăng qua từng năm. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, UBND tỉnh đang đề xuất Chính phủ đầu tư từ 900 - 1.000 tỷ đồng để khắc phục các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo vệ rừng, đảm bảo sinh kế cho người dân sống ven biển.

  • Đề xuất kinh phí 1.200 tỷ đầu tư 3 dự án bảo vệ rừng ven biển

Thương tự tại tỉnh Trà Vinh, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh này, trung bình hằng năm địa phương có 15ha rừng ven biển biến mất do sạt lở. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đang triển khai dự án phục hồi rừng ven biển giai đoạn từ năm 2021-2025, tại các huyện Châu Thành, thị xã Duyên Hải và Cầu Ngang... Theo đó, một doanh nghiệp đã cam kết trồng thêm 6.000ha rừng ven biển trong giai đoạn từ năm 2021-2025 và mới đây, một Công ty từ Hàn Quốc cũng đã tài trợ 4 tỷ đồng để góp phần khôi phục rừng ven biển Trà Vinh. Về lâu dài, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ đầu tư 3 dự án kè chắn sóng bảo vệ rừng ngập mặn ven biển với tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng, nhằm ổn định đời sống cho hơn 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở rừng phòng hộ.

  • Kế hoạch giao đất, giao rừng tại Nghệ An chậm tiến độ

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp dai dẳng, Nghệ An đã xây dựng và triển khai “Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trên địa bàn giai đoạn 2018-2021”. Tuy nhiên do tiến độ thực tế quá chậm nên đề án này tiếp tục được gia hạn đến năm 2023. Sau gia hạn, mục tiêu chung là bàn giao trên 245.000 ha rừng sản xuất, rừng phòng hộ đến tay các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý. Song, Dự án vẫn chưa đạt tiến độ chung, nhiều huyện gặp khó khăn trong quá trình tổ chức, tính đến tháng 9 vừa qua, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao của tỉnh mới đạt 183.700 ha.

  • Thực hiện các chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp

Cũng liên quan tới lĩnh vực sử dụng đất lâm nghiệp, theo kế hoạch, để bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả gần 695.000 ha đất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 và gần 720.000 ha giai đoạn 2030-2050, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đời sống và sản xuất, xây dựng nông thôn mới, chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai kịp thời, tạo thêm sinh kế, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của các cấp, các ngành. Trách nhiệm của chủ rừng và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật.

  • Trên 400 cán bộ bảo vệ rừng ở Kon Tum xin nghỉ việc

Còn với công tác quản lý, bảo vệ rừng, Tại Kon Tum, tính từ năm 2018 đến hết tháng 8 năm nay, đã có 401 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương này xin nghỉ việc. Tình trạng các cán bộ bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc được Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định do môi trường làm việc nặng nhọc, áp lực về trách nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Trước tình trạng này, được biết UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm nói riêng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nói chung. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp để người lao động nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, đồng thời phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập để gắn bó với rừng, yên tâm công tác.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 25 tháng 10 năm 2023

Cà Mau nỗ lực bảo vệ rừng ngập mặn; Đề xuất kinh phí 1.200 tỷ đầu tư 3 dự án bảo vệ rừng ven biển; Kế hoạch giao đất, giao rừng tại Nghệ An chậm tiến độ; Thực hiện các chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp; Trên 400 cán bộ bảo vệ rừng ở Kon Tum xin nghỉ việc.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024
Thời sự

Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024; Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên - Huế.

Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024
Thời tiết nông vụ ngày 21/11/2024: Miền Trung mưa lớn kéo dài, đề phòng ngập lụt
Thời sự

Từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 250mm, có nơi cao hơn 350mm.

Thời tiết nông vụ ngày 21/11/2024: Miền Trung mưa lớn kéo dài, đề phòng ngập lụt