Bản tin Lâm nghiệp ngày 29/5/2024: Cây dược liệu còn khó đầu ra
Cây dược liệu còn khó ‘đầu ra’; Sớm hoàn thành xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng; Như Thanh cung cấp gần 130.000 tấn gỗ nguyên liệu mỗi năm.
Quỳnh Anh | 14:35 29/05/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 29/5/2024: Cây dược liệu còn khó ‘đầu ra’
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp
- Sớm hoàn thành xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng
Thưa quý vị và bà con, theo Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, các cơ quan liên quan và các địa phương có rừng xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho việc thực hiện mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng với các đối tác quốc tế; hoàn thành trước ngày 31/10. ĐỒng thời, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừngvà quy định chi tiết đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng hấp thụ carbon rừng; xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon.
-
Cây dược liệu còn khó “đầu ra”
Trong phát triển kinh tế dưới tán rừng, Với khoảng 70% diện tích đất tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Điện Biên có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu. Hiện nay, cây dược liệu có tại hầu hết các huyện trong tỉnh, với diện tích hơn 2.180ha. Tuy nhiên theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, đầu ra sản phẩm dược liệu của tỉnh không ổn định, còn phụ thuộc vào thương lái thu mua để đưa về các tỉnh miền xuôi hoặc xuất sang Trung Quốc. Có năm thương lái thu mua rất nhiều, giá cao, không đủ sản phẩm để bán nhưng cũng có năm sản phẩm sơ chế ra không có người thu mua hoặc mua với giá rất thấp. Trong quá trình phát triển cây dược liệu, chưa hình thành được liên kết giữa doanh nghiệp và người dân.
- Như Thanh cung cấp gần 130.000 tấn gỗ nguyên liệu cho chế biến mỗi năm
Cũng liên quan tới lĩnh vực phát triển kinh tế lâm nghiệp, Huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa hiện có 22.660ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo. Từ lợi thế này, những năm qua huyện đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp chế biến lâm sản, nhất là chế biến sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, huyện còn tích cực tuyên truyền đến người dân thay đổi tập quán trồng rừng sản xuất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó tăng cường trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản có quy mô lớn và hàng chục cơ sở quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động. Mỗi năm, Như Thanh cung cấp gần 126.200 tấn gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn, giá trị ước đạt 609 tỷ đồng.
- Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ rừng
Với hoạt động bảo vệ rừng, những năm trước, phải đến tháng 6 tháng 8 trên địa bàn Bình Định mới xảy ra nắng nóng. Thế nhưng năm nay, mới tháng 3 nắng nóng đã xuất hiện và kéo dài, khiến những cánh rừng đối mặt với nguy cơ cháy cao. Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong công tác Phòng cháy chữa cháy rừng, ngành chức năng các cấp phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng đốt rừng; phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời và triệt để. Trong năm 2024, Bình Định sẽ nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong lĩnh vực này.
-
Phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ rừng
Còn tại Quảng Trị, những năm qua, mô hình quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, các đơn vị chủ rừng và các địa phương triển khai hiệu quả. Tại Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, đơn vị đã xây dựng mô hình thí điểm phục hồi rừng dựa trên hợp tác chia sẻ lợi ích với cộng đồng tại diện tích rừng đặc dụng bị xâm canh thuộc địa bàn xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Theo đó, 3 hộ gia đình đã được chọn thí điểm tham gia phục hồi 5ha rừng. Đồng thời lựa chọn hai loài cây bản địa đa mục đích là cây dổi xanh và cây trẩu để phát triển rừng hỗn giao. Qua đó, tạo thêm lợi ích kinh tế cho hộ dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cây trồng và các sản phẩm lâm sản phụ thu từ loài cây trồng này.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 29/5/2024: Cây dược liệu còn khó đầu ra
Cây dược liệu còn khó ‘đầu ra’; Sớm hoàn thành xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng; Như Thanh cung cấp gần 130.000 tấn gỗ nguyên liệu mỗi năm.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.