Ông Nguyễn Văn Tuynh ở thôn Cù Hà, xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), một trong số những hộ dân làm kinh tế giỏi nhờ lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.
Sau khi rời quân ngũ, ông Nguyễn Văn Tuynh xoay đủ nghề để kiếm sống, buôn nhãn, nuôi lợn, và rồi ông chọn trồng rừng và nuôi bò…"Sau khi xuất ngũ, tôi trở về địa phương, năm 1987 còn khó khăn lắm. Thôn Cù Hà không được như bây giờ đâu, đi lại cực kỳ khó khăn. Bà con nhân dân sinh sống chủ yếu bằng cây ngô, cây sắn… nên tôi quyết định phải làm điều gì đó để thay đổi, trước mắt là cuộc sống của gia đình. Tôi quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi bò song để nuôi được số lượng phải có đất vì thế tôi mới lên đây để có chỗ chăn thả”, ông Nguyễn Văn Tuynh nhớ lại.
Trang trại của ông Tuynh nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, không khí mát mẻ trong lành. Từ trên cao có thể nhìn xuống khu công nghiệp Tằng Loỏng của huyện Bảo Thắng. Chỗ mà trước kia nói đến mọi người còn ngại đi lên thì nay khung cảnh hữu tình, có mây, có suối, có rừng khiến ai cũng muốn tới.
Lần đầu ông đặt chân lên đây, khi đó còn chưa có đường đi, xung quanh chỉ có nương ngô, nương sắn, đất bạc màu hoang hóa…
“Nói ra thì dài lắm, ai cũng can ngăn vì vất vả quá. Năm 2009, tôi mới có điều kiện làm đường bê tông lên đây, khi ấy việc có bán cây gỗ, con bò mới thuận lợi hơn. Hơn 3km mà dốc dựng đứng, lại nhỏ hẹp thì làm sao người ta lên chỗ mình. Thế nên, tôi dành dụm tiền đổ bê tông từng đoạn. Giờ thì ô tô bán tải lên được đây rồi”, ông Tuynh kể.
Từ ngày có đường mở rộng 5m, thôn Cù Hà không còn khoảng cách với bên ngoài nữa. Có đường, bà con có điều kiện phát triển kinh tế, giao thương với các nơi, không còn cảnh bỏ đất đi nơi khác làm ăn nữa…
Trở lại với câu chuyện bắt đầu từ con số không, ông Tuynh quyết định mua đất để trồng rừng khi mà chả ai lúc đấy nghĩ đến việc này. Mặt khác, ông có nơi rộng rãi để chăn thả đàn gia súc. “Lúc đầu tôi mua cả một đàn bò rồi mang lên đây chăn thả. Đàn bò quậy phá hay húc người nên phải chặt vầu rồi rào lại. Cho bò ăn muối, uống nước khoảng 15 ngày sau đó mới cắt cỏ cho chúng ăn để đàn bò quen dần. Cùng với đó là đào ao dẫn nước từ khe suối về để canh tác, kết hợp thả cá”, ông Tuynh cho hay.
Ông Tuynh nhận thấy, rừng mang lại lợi ích cho môi trường và sau này rừng còn là tài sản để dành cho con cháu nên cứ tích cóp được khoản tiền nào từ bán đàn gia súc là ông lại mua đất của những hộ rời đi để trồng rừng.
“Chọn cây gì để có hiệu quả, trồng rừng cũng phải quy hoạch, trồng thành lối, thành hàng sau còn khai thác. Rồi lấy ngắn nuôi dài để có nguồn thu, trả công lao động, mua phân bón… vì trồng rừng ngày 1 ngày 2 cây lớn nhanh làm sao được”, ông Tuynh nói.
Sau hơn 30 năm, hàng nghìn cây gỗ mỡ ông trồng ngày nào trên diện tích 30ha của gia đình đã cao hàng chục mét, người ôm không xuể, thẳng tắp, có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Mới tháng trước, một đại gia ở Lào Cai đã lên đây chọn và đặt 12 cây gỗ mỡ lớn dùng làm cột nhà. Chỉ riêng số tiền đó cũng đủ chi tiêu gia đình ông trong cả năm.
“Mỗi năm ngồi chơi tôi cũng có thêm 50 triệu đồng từ việc gỗ sinh khối tăng trưởng hằng năm. Thu hoạch gỗ thì thu, không lại để đấy thôi. Hướng phát triển lâu dài của tôi là, chỉ chặt tỉa cây chứ không khai thác triệt để. Sau này còn làm du lịch đồi rừng”, ông Tuynh cho biết.
Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng cho biết, toàn huyện hiện có trên 37 nghìn hécta rừng, trong đó 26 nghìn hécta rừng sản xuất. Trong những năm qua, người dân có nhiều điều kiện phát triển kinh tế đồi rừng theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh Lào Cai và định hướng của huyện Bảo Thắng.
“Với vai trò của hạt, chúng tôi hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân chọn nguồn giống, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, quản lý các cơ sở chế biễn gỗ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế đồi rừng hiệu quả điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Tuynh…”, ông Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh.