| Hotline: 0983.970.780

Vườn cây, ao cá Bác Hồ được chăm sóc thế nào?

Thứ Ba 28/05/2024 , 11:10 (GMT+7)

Vườn cây, ao cá trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với những kỷ niệm, bài học Bác để lại, nên việc gìn giữ cho mai sau là nhiệm vụ thiêng liêng.

Di sản vô giá cho thế hệ mai sau

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di sản lịch sử, văn hoá quý giá của quốc gia, dân tộc; được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng (năm 2009). Nơi đây Bác Hồ đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954-1969).

Sau khi Bác qua đời, với lòng biết ơn vô hạn, Đảng và Nhà nước quyết định bảo quản, giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn Khu di tích để mở cửa đón du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức cách mạng của Người.

Cán bộ Phòng Bảo quản, Môi trường di tích cẩn thận cắt tỉa, chăm sóc từng gốc cây, ngọn cỏ trong Khu di tích.

Cán bộ Phòng Bảo quản, Môi trường di tích cẩn thận cắt tỉa, chăm sóc từng gốc cây, ngọn cỏ trong Khu di tích.

Nhận thức được nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng đó, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Khu di tích bằng tình cảm, tấm lòng với Bác đã phát huy cao độ tinh thần tận tâm, tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hàng ngày vinh dự thay mặt đồng bào và nhân dân cả nước chăm sóc, bảo quản, gìn giữ di sản thiêng liêng mà Bác để lại.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu di tích chia sẻ, Khu di tích có khuôn viên rộng gần 15 ha, gồm 3 khu vực A, B và C, trong đó các di tích nằm rải rác, được bao quanh bởi nhiều cây cối, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.

Các di tích, tài liệu, hiện vật ở đây luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường, khí hậu tự nhiên. Đồng thời, chịu áp lực gián tiếp của tác nhân con người do lượng khách vào thăm Khu di tích ngày một đông (mỗi năm Khu di tích trung bình đón khoảng 3 triệu lượt khách. Những ngày lễ như 30/4-1/5, sinh nhật Bác 19/5; Quốc khánh 2/9 đón từ 25.000- 35.000 lượt khách/ngày).

Theo ông Dương, công tác bảo quản trong Khu di tích có nhiều hạng mục, công việc khác nhau, nhưng việc bảo quản cảnh quan môi trường vườn cây, ao cá di tích được xem là hạng mục mang tính đặc thù và nhiều cảm xúc.

Có những trận mưa to, gió bão làm khu vực đường xoài ngập sâu, bùn đất bao trùm lên cây, hàng rào, thảm cỏ. Khi nước rút, người lao động cọ, rửa đường và thu gom từng cành cây, ngọn cỏ và khai thông cống, rãnh…

Có những trận mưa to, gió bão làm khu vực đường xoài ngập sâu, bùn đất bao trùm lên cây, hàng rào, thảm cỏ. Khi nước rút, người lao động cọ, rửa đường và thu gom từng cành cây, ngọn cỏ và khai thông cống, rãnh…

Toàn bộ khu vườn có diện tích gần 15 ha, trong đó thảm cỏ, cây xanh chiếm hơn 2/3 diện tích. Có hơn 1.200 cây, thuộc 161 loài, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài nguồn gốc nước ngoài và 15 loài đang xác định nguồn gốc. 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa, cây cảnh.

Một số loài cây quý hiếm được Bác đưa về trồng như cây xanh bốn mùa, dừa lửa, cọ dừa... Bác đã trực tiếp vun trồng và chăm sóc cho cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng, cây bụt mọc, cây đa “kiên trì”, cây dừa... Cũng chính tại đây, Bác Hồ đã khởi xướng phong trào “Tết trồng cây” (ngày 28/11/1959).

Cùng với vườn cây là ao cá Bác Hồ có diện tích hơn 3.300 m2. Cá được nuôi trong ao thuộc 16 loài và 6 nhóm, với đủ chủng loại: chép, trôi, trắm đen, rô phi văn, rô phi đen, mè hoa, mè trắng, trắm cỏ. Trong đó, nhiều loài, điển hình là cá chép và trắm đen được Bác Hồ nuôi dưỡng, chăm sóc.

Để bảo tồn đàn và duy trì cá trong ao như sinh thời Bác còn sống, đồng thời phục vụ tốt khách tham quan, hàng ngày cán bộ chăm sóc ao cá phải có mặt từ 5 giờ sáng vớt lá, xử lý môi trường ao cá, tập cho cá ăn đúng giờ để tạo thói quen. Bên cạnh đó, phối hợp với cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN-PTNT) hàng tuần khám chữa bệnh cho cá; đo quan trắc môi trường, nhiệt độ; theo dõi quá trình sinh trưởng của cá…

Cán bộ phụ trách có mặt từ 5 giờ sáng vớt lá, xử lý môi trường ao cá; tập cho cá ăn đúng giờ để tạo thói quen.

Cán bộ phụ trách có mặt từ 5 giờ sáng vớt lá, xử lý môi trường ao cá; tập cho cá ăn đúng giờ để tạo thói quen.

Dành trọn tâm sức gìn giữ vườn cây, ao cá Bác Hồ

Ông Nguyễn Văn Dương bộc bạch, nếu chưa tìm hiểu kỹ thì thấy việc chăm sóc vườn cây, ao cá trong Khu di tích đơn giản. Nhưng với tầm vóc là Di tích quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng; một không gian giáo dục trực quan, sinh động cho các thế hệ tương lai; không gian vườn cây, ao cá trong Khu di tích đều gắn với những kỷ niệm, bài học Bác để lại thì công việc này đòi hỏi phải có kỹ thuật, sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác và niềm say mê rất cao.

Với diện tích rộng, nhiều cây xanh nên khối lượng lá rụng hàng ngày rất lớn. Để sân, đường, vườn sạch đẹp trước giờ khách tham quan, anh chị em trong tổ môi trường phải bắt đầu công việc từ 4 giờ 30 phút sáng. Những khu vực mặt sân, đường bằng phẳng việc thu dọn diễn ra thuận lợi, nhưng khu vực thảm cỏ khi lá rụng xuống dắt vào khe, kẽ khó làm sạch, phải dùng tay nhặt thủ công.

Khu di tích phối hợp cùng các nhà khoa học chữa bệnh, phục hồi cho cây trường xanh trước Nhà di tích 67

Khu di tích phối hợp cùng các nhà khoa học chữa bệnh, phục hồi cho cây trường xanh trước Nhà di tích 67

Những ngày mưa, giông bão, khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần. Cành cây gãy, lá rụng bay khắp nơi, nước chảy đổ dồn về gây ngập úng, bùn đất trên vườn trôi xuống đường gây ách tắc cống thoát. Có những trận mưa to làm khu vực đường xoài ngập, bùn đất bao trùm lên cây, hàng rào, thảm cỏ. Khi nước rút, cán bộ, viên chức, người lao động phải tổ chức cọ, rửa đường, thu gom từng cành cây, ngon cỏ, khai thông cống, rãnh. Nhiều lần vừa hoàn thành khối lượng công việc buổi sáng, một trận mưa giông kéo đến, lá rụng, cành gãy xuống sân, đường, vườn, anh chị em lại phải tiếp tục thu gom, vệ sinh quét dọn để kịp thời phục vụ khách tham quan.

Đối với cây lâm nghiệp, cây bóng mát, phần lớn đều đã được trồng lâu năm (có cây hơn 100 năm tuổi), thân cao, to, tán rộng, nhiều cành lá nên khó khăn trong việc tỉa cành, phòng chống gãy đổ. Các loại cây đặt dưới các tán cây lớn, thiếu ánh sáng quang hợp phải thường xuyên luân chuyển vào khu vực vườn ươm để chăm sóc cho xanh tốt, rồi mang trở lại vị trí ban đầu.

Cây hàng rào trồng xung quanh các khu vườn, dọc hai bên đường đi phải hấp thụ lượng khí CO2 lớn từ khách tham quan, thậm chí nhiều người còn dùng tay chạm hoặc tác động nên cây phát triển kém. Việc chăm sóc, vun xới, tưới nước, bón phân cần nhiều thời gian. Định kỳ 15 ngày phun phân bón lá để kích thích cây ra mầm, 30 ngày/lần bón phân tổng hợp hữu cơ vào gốc để cung cấp chất dinh dưỡng; cắt tỉa định hình cho hàng rào thẳng đẹp.

Nhân viên kỹ thuật tiến hành chống mối, bảo vệ cây vú sữa đồng của bào miền Nam tặng Bác trong vườn Khu di tích.

Nhân viên kỹ thuật tiến hành chống mối, bảo vệ cây vú sữa đồng của bào miền Nam tặng Bác trong vườn Khu di tích.

Thảm cỏ được trồng trong vườn dưới tán cây cổ thụ rậm rạp, thiếu ánh sáng nên sinh trưởng phát triển kém, chết lụi dần. Để duy trì, anh chị em phải thường xuyên trồng bổ sung vào các bãi, tưới nước giữ ẩm, bón phân kích thích cỏ phát triển. 30 ngày/lần cắt xén ngọn để thảm cỏ được bằng phẳng; nhặt bỏ cỏ dại, cỏ lan, cắt nhặt cỏ xung quanh tạo vỉa vườn sạch đẹp.

Đối với cây di tích, hầu hết đã già cỗi, nhiều sâu bệnh, sinh trưởng phát triển kém nên phải có phương pháp chăm sóc riêng, cẩn trọng, tỷ mẩn, chủ yếu bằng biện pháp thủ công. Song song đó, phải tiến hành công tác nhân giống để lưu trữ nguồn gen, có cây trồng thay thế.

Đối với cây ăn quả, mỗi loài có đặc tính sinh trưởng, phát triển khác nhau. Nhiều giống cây là đặc sản của các tỉnh thành trong cả nước nên cần được chăm sóc theo giống cây và mùa vụ trong năm. Việc quản lý sâu bệnh hại cho vườn cây ăn quả cũng rất vất vả, nhiều mầm bệnh như rệt sáp, muội đen, nấm phấn trắng, nhện đỏ, bệnh chảy gôm, vàng lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá, ruồi vàng chích hút hại quả… Để đảm bảo môi trường sinh thái, phải dùng các biện pháp sinh học, thủ công để diệt trừ sâu bệnh hại nên mất rất nhiều công sức, thời gian kéo dài.

Cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN-PTNT) tiến hành lấy mẫu nước, đo quan trắc môi trường nhiệt độ, kiểm tra phát hiện các hoạt động bất thường của cá. 

Cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN-PTNT) tiến hành lấy mẫu nước, đo quan trắc môi trường nhiệt độ, kiểm tra phát hiện các hoạt động bất thường của cá. 

Đặc biệt, để công tác bảo quản, chăm sóc vườn cây, ao cá di tích đạt hiệu quả cao nhất, Khu di tích đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT như: Viện Phòng trừ mối và Bảo vệ công trình hàng năm tiến hành phòng trừ mối cho các nhà di tích và vườn cây; Viện Điều tra quy hoạch rừng để điều tra, khảo sát, lập bản đồ quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh và lập hồ sơ khoa học cho hơn 1.200 cây trong Khu di tích; Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam giúp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ nấm bệnh, dịch bệnh, nạo vét bùn và xử lý đáy ao theo định kỳ; xử lý hệ thống cấp và thoát nước ao cá, cơ cấu ổn định đàn cá trong ao, ứng dụng công nghệ mới tạo khí oxy cho cá bằng máy sục khí…

Xem thêm
Diễn viên nổi tiếng và nỗi lòng khi mẹ rời xa

Diễn viên nổi tiếng McCurdy công bố cuốn hồi ký ‘Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa’ bán được 2,5 triệu bản trên thế giới, hé lộ góc nhìn khác về tình mẫu tử.

U19 Việt Nam tập trung cầu thủ đang thi đấu ở CH Séc

Đội tuyển bóng đá trẻ U19 Việt Nam đã tập trung để dự giải U19 Đông Nam Á và thành phần có 1 gương mặt đang thi đấu ở CH Séc.

Chiêm ngưỡng hàng ngàn thú cưng quý hiếm

TP.HCM Ngày 1/6, Lễ hội Cá cảnh - Thú cưng TP.HCM năm 2024 chính thức khai mạc, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Bình luận mới nhất