| Hotline: 0983.970.780

Đại ngàn nằm giữa xóm làng

Thứ Ba 30/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Quảng Bình Khu rừng nguyên sinh đó có tên là Lòi Chùa với tổng diện tích khoảng 5ha do UBND xã Nam Trạch quản lý.

Gần 5ha rừng nhiên với hàng trăm cây cổ thụ nằm giữa những xóm làng, những đồng lúa đã khiến chúng tôi lấy làm lạ và đến để tận mắt, tận tay ôm lấy cây rừng.

Tuy nhiên ông Võ Văn Thuyên, trưởng thôn Đông Thành (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chẳng lấy làm ngạc nhiên khi nghe chúng tôi hỏi thăm mà thủng thẳng nói như mở ra điều lạ: “Thì đấy, hơn cả trăm năm nay rừng của làng tôi vẫn vậy đó. Cây cổ thụ cứ đứng thẳng, cây trẻ cứ vươn lên và cây non cứ mọc theo tầng tầng, lớp lớp”.

Một tuyến đường vào rừng Lòi Chùa. Ảnh: Tâm Phùng.

Một tuyến đường vào rừng Lòi Chùa. Ảnh: Tâm Phùng.

Rừng thiêng của làng

Không xa xôi, cũng chẳng phải trèo đèo lội suối hay mấy lần nghỉ chân tu nước ừng ực giống như những chuyến đi rừng trước đây. Lần này chúng tôi đi bằng ô tô du lịch hẳn hoi. Xe bon trên quốc lộ 1A đi vào phía nam thì rẽ phải theo con đường láng nhựa hướng lên trụ sở xã Nam Trạch. Độ hơn chục cây số thì đã thấy khu rừng phía xa xa.

Đây là khu rừng nguyên sinh có tên là Lòi Chùa với tổng diện tích khoảng 5ha do UBND xã Nam Trạch quản lý. Ông Thuyên bảo, trong rừng có nhiều cây gỗ quý, cao hàng chục mét, đường kính gốc từ 0,5 - 1,5m, như huỵnh, dổi, ngát, chăm, phao lái, bài lài, trám… đang được bảo vệ nguyên vẹn. “Điều đặc biệt của khu rừng này là nằm giữa khu dân cư, cách thành phố Đồng Hới khoảng 10km và thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) khoảng 5km thôi, chứ không phải đi đâu cho xa nhá”, ông Thuyên nói như khoe.

Gọi là rừng Lòi Chùa vì cũng có tích tuồng của nó. Ngày xưa, những nơi cây cối rậm rạp, không có người ở bà con gọi cái tên chung là “lòi” hay “lùm”. Vùng rừng này, trước có ngôi chùa nhỏ, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, hội họp của người dân trong làng. Theo các cụ cao niên ở thôn Đông Thành kể, hàng tháng, cứ đến dịp ngày rằm, mồng một hoặc lễ, tết là bà con trong thôn lại đến chùa thắp hương và làm những việc theo lệ làng. Tên gọi Lòi Chùa có từ đó.

Rồi những năm sau, khi còn chiến tranh, ngôi chùa nhỏ bị bom đạn phá hủy. Mỗi lần chùa bị phá, người dân trong vùng đều góp gạo, thực phẩm, công sức để dựng lại chùa. Để dựng chùa, bà con chặt mít ở vườn nhà đem đến chứ không hề chặt cây trong rừng. Mỗi dịp lễ, tết, cả làng tập trung lên chùa, nhiều nhà có điều kiện thì mang lên gạo nếp, bà con vào rừng cắt lá chuối, lá dong gói bánh để cúng rồi phát lại cho người dân trong thôn.

Các dịp như thế đã hun đúc cho người dân thôn Đông Thành thêm tâm niệm rừng Lòi Chùa là rừng thiêng nên không ai được vào đó chặt, đốn cây. “Nhờ đó, rừng ngày càng phát triển xanh tốt, cây cối mọc lên cao vút, nhiều chim thú quay về trú ngụ. Trong kháng chiến, rừng Lòi Chùa trở thành nơi che chở, ẩn nấp cho bộ đội, dân làng và các cơ quan hành chính, nơi nghỉ chân của các đơn vị trên đường vào chiến trường miền Nam”, ông Thuyên bồi hồi nói.

Góc rừng Lòi Chùa nơi có nhiều cây gỗ quý. Ảnh: Tâm Phùng.

Góc rừng Lòi Chùa nơi có nhiều cây gỗ quý. Ảnh: Tâm Phùng.

Để rừng còn mãi giữa làng

Ông Võ Công Úy năm nay đã lên tuổi 65 nhưng còn khỏe mạnh và tinh anh lắm. Ông được làng bầu chọn vào đội giữ rừng Lòi Chùa với kinh nghiệm hơn chục năm qua. Ông Úy nhớ lại, trước những năm 1970, ông đang còn tuổi thiếu niên cũng đã vài lần đi theo người lớn vào rừng chặt cây lấy gỗ mang về làm nhà. “Để bảo vệ rừng, bà con trong thôn đã góp thóc lại để thuê người giữ rừng, sau này quy thóc ra tiền để thuê người giữ rừng. Sau này có hợp tác xã chi trả công lao động cho những người bảo vệ rừng và có quy chế phạt những người vi phạm”, ông Úy nhớ lại.

Cũng theo ông Úy, công việc hàng ngày của những người giữ rừng là vào rừng kiểm tra, nhắc nhở người dân hạn chế mang vật liệu cháy vào rừng, không chặt cây cối, săn bắt chim thú trong rừng. Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm, ông báo cáo lại với chính quyền để xử lý. “Hơn 10 năm giữ rừng, tôi mới gặp duy nhất một lần rừng bị phá. Đó là năm 2017, một người dân lén vào rừng cắt trộm một cây gỗ huỵnh lớn rồi dùng trâu kéo ra. Sau khi phát hiện, tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương lập biên bản và xử phạt hành chính. Từ đó đến nay, không có trường hợp nào vào phá rừng nữa”, ông  Úy kể.

Vào năm 2013, có trận bão kinh hoàng tràn qua rừng làm hàng chục cây rừng lớn bị gãy đổ ngổn ngang. Sau bão tan, bà con cũng không tùy tiện vào rừng cắt dọn, lấy gỗ mà đến khi chính quyền lập hồ sơ giao những cây gỗ bị ngã phải tận dụng thì bà con mới khai thác đưa về.

Một cây cổ thụ nằm giữa rừng Lòi Chùa. Ảnh: T. Phùng.

Một cây cổ thụ nằm giữa rừng Lòi Chùa. Ảnh: T. Phùng.

Do nằm giữa làng nên có nhiều con đường dẫn vào rừng. Chúng tôi đi băng qua khoảng sân, qua vườn nhà ông Võ Văn Chung là đến cửa rừng. Từ bìa rừng, ngước mắt lên những hàng cây tán cây ngờm ngợp  đứng thẳng. Ông Thuyên bước tới bên một cây thẳng đứng vỗ bồm bộp vào thân cây: “Giống này là huỵnh đấy. Gỗ huỵnh tốt có tiếng, chẳng sợ mối mọt đâu. Trước đây, gỗ huỵnh được xem là thứ nhất về đóng tàu thuyền hay làm nhà. Nhưng bây giờ cũng hiếm đi rồi. Hàng trăm cây huỵnh ở đây đều có tuổi năm bảy chục năm hay trên trăm năm cả rồi. Cây gỗ này coi như là báu vật của làng”.

Đi sâu vào rừng không xa lắm, ông Thuyên vạch đường dẫn chúng tôi đến bên cây lả lả gốc to khoảng hai người ôm. Những vè gốc cây chạy xìa ra tựa như nét uốn của chân cột tháp nhỏ chỉ trừ những lối đi nhỏ, còn lại là chằng chịt cây dây leo, bụi gai. “Bữa mùa hè, cây này có đến ba tổ ong mật đấy", lời ông Thuyên vang vang trong tiếng gió lùa qua rừng. 

Để mở rộng diện tích rừng, người dân Đông Thành hiến đất xung quanh rừng Lòi Chùa để bồi bổ vào diện tích đất rừng. Trên đó, bà con tìm kiếm các loại cây bản địa về trồng và hy vọng nay mai nó cũng sẽ thành rừng. Dạo quanh dưới tán rừng Lòi Chùa, ngắm những thân cây huỵnh cao vút, thẳng tắp, nghe tiếng chim hót mới thấy giá trị và ý nghĩa của rừng.

Anh Đoàn Ngọc Nhân, một người dân địa phương cho hay, chính quyền địa phương đã phát động nhiều đợt trồng cây ở rừng Lòi Chùa. “Việc trồng cây cũng được giao cho Hội Cựu chiến binh đảm nhận qua hàng năm. Chúng tôi bố trí các khu trong đó để đưa nhiều giống cây có nguy cơ bị mất để trồng như lim, tràm, vàng tâm…Có như vậy thì rừng Lòi Chùa ngày càng phát triển và đa dạng hơn”, anh Nhân nói.

Rừng Lòi Chùa được bảo vệ và phát triển tốt giữa làng Đông Thành. Ảnh: Tâm Phùng.

Rừng Lòi Chùa được bảo vệ và phát triển tốt giữa làng Đông Thành. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhờ bảo vệ tốt rừng Lòi Chùa nên rừng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Hiện cả thôn Đông Thành có gần 200 hộ dân đều ở xung quanh rừng Lòi Chùa. Phần lớn, bà con ở đây đều sử dụng nước giếng từ hàng chục năm nay. Mạch nước ngầm từ rừng Lòi Chùa vẫn ngày đêm chảy dâng lên những giếng làng. Nước giếng ngọt lịm, trrong văn vắt và không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán kéo dài nhất.

Không chỉ vậy, mạch nước từ rừng cũng đã cấp tưới cho 4ha đất trồng lúa của bà con trong thôn no nước quanh năm. Chúng tôi ghé nhà ông Võ Văn Chung, khi ra khỏi cửa rừng. Mời mọi người uống nước lá lấy từ rừng có tác dụng giải nhiệt, ông Chung chia sẻ: “Mặc dù nhà sát bên rừng nhưng chưa khi nào tôi vào rừng chặt cây, lấy củi hay săn bắt động vật mà mọi người trong thôn, trong vùng cũng đều vậy cả. Nhờ đó, rừng ngày càng phát triển tốt, giữ nguồn nước ngầm và đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp của bà con bao đời nay”.

Hiện mới chớm vào mùa hè mà rừng Lòi Chùa đã náo nhiệt đón nhiều đoàn viên, thanh niên và học sinh các trường vào tham quan, thực tập về lâm sinh, trồng trọt... Hiện UBND xã đang có ý tưởng kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng rừng Lòi Chùa thành công viên, khu du lịch sinh thái. Để làm được điều đó, hàng năm xã đều trồng thêm nhiều cây huỵnh, dổi, vàng tâm… để làm giàu thêm cho rừng.

Anh Đoàn Ngọc Nhân cho biết thêm: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con để để mở rộng diện tích rừng, đồng thời mở thêm các lối đi trong rừng để phục vụ bà con, những người quan tâm và yêu rừng đến để tham quan du lịch”.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 2.750 cây xanh dọc tuyến đèo Prenn

Tỉnh Lâm Đồng phát động ‘Tết trồng cây’ trồng 2.750 cây xanh dọc tuyến đèo Prenn, nhằm thực hiện đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.